GPMB đường vành đai 3, Hà Nội:
Quận Thanh Xuân vẫn “trung thành” với những chỉ đạo khó hiểu
(Dân trí) - Giống những <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/10/148809.vip">điều kỳ lạ ở phường Thanh Xuân Nam</a>, chuyện giải phóng mặt bằng bên phường Thanh Xuân Trung (Hà Nội) cũng đầy rẫy chuyện khó hiểu, thiếu tính thuyết phục, gây bức xúc cho dân.
Lại “vin” vào thiết kế của Liên Xô từ… năm 1981!
Mấy chục hộ dân đại diện cho 5 tổ dân phố trong phường Thanh Xuân Trung đưa ra rất nhiều “chứng cứ” chứng minh việc họ sử dụng đất ổn định từ trước thời điểm 15/10/1993 khá lâu. Tháng 9/1986, nhiều hộ dân đã được BQL việc xây dựng quận Đống Đa xác nhận là nhà tư nhân mới xây dựng. Hầu hết các hộ dân cũng có những biên lai thu tiền thuế sử dụng đất, được Chi cục thuế quận Đống Đa xác nhận đã thực hiện nghĩa vụ tài chính từ quý 3, quý 4/1992.
Bác Nguyễn Hải Vân (số nhà 54, Khuất Duy Tiến) cho biết mục đích sử dụng đất của 5 tổ dân phố ở đây đều là để làm đất ở, hầu hết là mua lại nhà của chủ trước chứ không ai mua ruộng để làm nông nghiệp rồi tự xây nhà lên để ở.
Người dân Thanh Xuân Trung cũng căn cứ vào Luật đất đai 2003, vào nghị định 197/NĐ-CP để bảo vệ mình: Đất sử dụng ổn định trước 15/10/1993 với mục đích để ở, đã được xã xác nhận không có tranh chấp, vi phạm gì thì đương nhiên khi thu hồi đất dân phải được bồi thường, được trả tiền hoặc giao đất khác có cùng mục đích sử dụng (đất ở).
Nhưng trong biên bản của phường Thanh Xuân Trung tháng 9 vừa qua vẫn cố truy nguồn gốc đất theo hướng khu vực này trước đây là đất nông nghiệp, để lại làm đường theo quy hoạch.
Vẫn với “bài” cũ, quận lại đưa ra dẫn chứng rằng đường vành đai 3 qua Thanh Xuân đã được quy hoạch từ lâu, với bản thiết kế từ năm… 1981 do Liên Xô giúp đỡ. Bác Nguyễn Trọng Lập, tổ trưởng tổ dân phố số 40 chỉ tấm bản đồ quy hoạch của quận, phân tích: Trong sơ đồ các đường phố chính theo quy hoạch không hề có đường vành đai 3 này. Mà từ năm 1986 đã có giấy tờ công nhận dân đã sinh sống, làm nhà ở đây rồi.
Theo bác Lập thì với bản đồ quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể mặt bằng thủ đô thì không thể xác định được tim, tuyến đường, phần nào thuộc diện thu hồi đất. Vậy làm sao có thể nói đây là đất quy hoạch làm đường.
Một thửa đất, ba chính sách đền bù
Với việc áp nguồn gốc đất nông nghiệp tự chuyển đổi, đất quy hoạch để lại làm đường như trên, không hộ dân nào của Thanh Xuân Trung được “bồi thường” mà chỉ được “hỗ trợ” theo công văn 3606 ngày 15/8/2006 của UBND thành phố. Nếu nhà đất được xác định xây dựng trước 15/10/1993 thì được hỗ trợ 50% giá đất cho tối đa không quá 60 m2. Những hộ nào bị thất lạc giấy tờ thì đành phải chịu “án” xây dựng sau 15/10/1993 chỉ được 30%.
Cực hơn, nhiều hộ dân còn bị hạ nhiều cấp bồi thường, trên một thửa đất nhà bị cắt làm 2-3 khúc. Hộ chị Trần Thị Thanh (nhà số 17, ngõ 3, Khuất Duy Tiến) có giấy tờ mua bán nhà từ 1989. Năm 1990 nộp thuế đất với diện tích 54 m2. Năm 1996 nộp thuế đất với diện tích 80 m2. Năm 2003 nộp truy thu thuế 11 năm cho 86 m2.
Tháng 6/2006, chị được xác định diện tích đất ở trước 15/10/1993 là 80 m2. Nhưng trong biên bản xác định nguồn gốc đất cuối tháng 9 vừa qua lại chỉ được công nhận 54 m2 đất hợp lệ, 20 m2 tự chuyển đổi sang làm đất ở sau 15/10/1993; tổng cộng, thửa đất chỉ có 74 m2, “teo” mất 6 m2 so với biên lai nộp thuế. Vậy là thửa đất “mất da mất thịt” bị cắt thành 3 khúc: 54 m2 được hưởng mức hỗ trợ 50% giá đất, 6 m2 được 30%, còn lại 14 m2 chỉ còn 20%.
Tương tự, hộ bác Vũ Đình Nhân (106A Khuất Duy Tiến) có 32,75 m2 đã thiệt thòi vì phải chịu “án” đất tự chuyển đổi sau ngày 15/10/1993, đến khi có phương án hỗ trợ GPMB lại thêm nỗi ngậm ngùi nhà cắt khúc. Bác chỉ được công nhận 30 m2 hưởng mức hỗ trợ 30% giá đất, còn 2,75 m2 sau lại chỉ được 20% gọi là “an ủi” mặc dù bác mua cùng lúc cả diện tích ấy và có biên lai nộp thuế từ 1992.
Phương Thảo - Cấn Cường