1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Chủ đầu tư đòi bồi thường nếu Hà Nội phá nhà 17 tầng

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu VN (Constrexim) khẳng định, nếu UBND Hà Nội <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2007/1/162927.vip">phá dỡ tòa nhà 17 tầng </a>thì phải bồi thường cho doanh nghiệp và 33 hộ dân tại đây.

Thưa ông, tòa nhà 17 tầng của Constrexim được xây dựng theo những quyết định, chỉ giới như thế nào?

 

Năm 2001 thành phố đã giao hơn 2.100 m2 đất tại khu C7, phường Thanh Xuân Bắc cho công ty Constrexim để xây dựng nhà ở cao tầng. Chúng tôi đã thực hiện giải tỏa khu vực đó để chuẩn bị làm nhà. Tuy nhiên, năm 2002, khi có vành đai 3 thì thành phố đã thu hồi phần lớn diện tích đã giao, chỉ còn lại 593 m2 để đơn vị đầu tư xây dựng nhà.

 

Hồi đó dự án đã phá sản một lần, phải sửa lại diện tích. Ban quản lý dự án Thăng Long đưa ra chỉ đạo của Chính phủ là thu hồi để làm đường. Thành phố đã chỉ đạo trùng lặp với dự án vành đai 3. Song vì mục đích chung nên đơn vị đã chấp hành. Chúng tôi còn lại đầy đủ quyết định giao đất, mặt bằng tổng thể điều chỉnh.

 

Như vậy theo ông tòa nhà này sẽ không nằm trong quy hoạch nút giao thông Thanh Xuân?

 

Theo tôi cảm nhận rằng, nếu xác định chỉ giới vành đai 3 thì không chạm vào nhà cao tầng, nhưng xét mở rộng cả phía đường Nguyễn Trãi thì sẽ chạm phải. Tôi cho rằng có sự nhầm lẫn giữa vành đai 3 và nút giao thông của cơ quan quy hoạch Hà Nội.

 

Trước khi tòa nhà C7 xây dựng, kiến trúc sư trưởng thành phố đã chấp thuận phương án trên diện tích hơn 500 m2. Khi đó, có thể người ta đã tính đến quy hoạch nút giao thông. Doanh nghiệp không có gì sai sót.

 

Quan điểm của ông trước việc mở rộng nút giao thông Thanh Xuân có thể phải phá dỡ tòa nhà C7 như thế nào?

 

Tòa nhà được đầu tư 26 tỷ đồng, tất cả 33 căn hộ đã được bán từ lâu. Hiện tòa nhà đang cơ bản hoàn thiện và sẽ bàn giao cho người dân vào tháng 4. Đây cũng sẽ là trụ sở của 3 công ty con của Constrexim. Do vậy, nếu phá bỏ khi chưa sử dụng là sự lãng phí rất lớn.

 

Khi có nhiều thông tin về tòa nhà này, người dân đã mua nhà rất hoang mang. Họ hỏi tôi và tôi phải trấn an là công ty có đầy đủ tính pháp lý, không làm sai. Chúng tôi giải thích cho dân là yên tâm, không thể dễ dàng đập đi tòa nhà mấy chục tỷ mà chưa sử dụng.

 

Theo ông, nút Thanh Xuân nên mở rộng thế nào?

 

Tôi đã đọc trên báo, thấy đề xuất 2 phương án. Tôi nghĩ chia 2 giai đoạn thì hợp lý hơn. Nếu giải tỏa ngay thì người dân sẽ phản ứng. Họ mới nhận nhà đã yêu cầu di dời đi thì gây bức xúc cho dân. Nếu trong 10-20 năm nữa thì khấu hao nhà này giảm dần, bớt đi thiệt hại về kinh tế. Ngoài ra, tâm lý của người sử dụng đã được một thời gian, dễ chấp nhận hơn khi thành phố di dời. Không thể bắt người dân và doanh nghiệp chịu cái lỗi của cơ quan chính quyền.

 

Có ý kiến rằng sẽ mở rộng nút Thanh Xuân ngay một giai đoạn, như vậy tòa nhà C17 sẽ phải phá dỡ, ông nghĩ sao?

 

Tôi nghĩ là thành phố phải bồi thường theo chính sách. Anh di dời dân đi chỗ khác, thì phải có phương án thế nào, đưa đi đâu. Tôi biết, có hộ dân tính từng ngày để nhận nhà cưới con. Cái sai về phía chính quyền không thể bắt dân hứng chịu. Tất nhiên là dân và doanh nghiệp sẽ phải chấp hành. Nhưng cơ chế thế nào để họ còn thấy có lòng tin vào chính quyền.

 

Constrexim có kiến nghị gì tới UBND thành phố Hà Nội và Bộ GTVT?

 

Chúng tôi chưa bao giờ được họp, hỏi ý kiến về nút giao thông Thanh Xuân. Tôi kiến nghị tới Hà Nội và Bộ GTVT là xem xét tới 33 hộ dân và các đơn vị của Constrexim, xử lý ở mức độ nào cho hợp tình hợp lý. Nếu bắt buộc giải tỏa thì phải có chính sách đền bù thỏa đáng. Nếu để tòa nhà hiện hữu thì sẽ làm nút giao thông đẹp hơn. Khi chúng tôi xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc đã nhấn mạnh xây dựng tòa nhà cao để làm điểm nhấn tại đây.

 

Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, xây dựng nút Thanh Xuân sẽ phải giải tỏa một tòa nhà 17 tầng, một tòa nhà 9 tầng, một phần Bách hóa tổng hợp Thanh Xuân và khoảng 500 hộ dân sống rải rác.

 

Có 2 phương án đang được xem xét: Mở rộng về phía Hà Nội trong giai đoạn 1 rồi tiếp tục mở rộng phía Hà Đông trong giai đoạn 2; Hoặc giải tỏa ngay toàn bộ mặt bằng nút.

 

Bộ GTVT sẽ xem xét các phương án nút giao thông Thanh Xuân hoàn chỉnh, lấy ý kiến thống nhất của UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan trong quý I, trình Thủ tướng xem xét, quyết định để triển khai thực hiện.

 

Theo Đoàn Loan

VnExpress