Thái Nguyên:
Vẫn chưa tìm thấy 5 nạn nhân vụ sạt lở kinh hoàng
(Dân trí) - Hàng trăm người cùng hơn 10 máy xúc đã được huy động tìm kiếm các nạn nhân của vụ sạt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ, nhưng đến tối ngày 16/4, các lực lượng vẫn chưa tìm được ai trong số 5 nạn nhân mất tích.
Ông Đặng Viết Thuần - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị tìm kiếm đào được 1 chiếc xe đạp, mâm cơm đang ăn dở cùng một số vật dụng sinh hoạt của người dân. Dựa vào một số vật dụng đó, lực lượng tìm kiếm cũng có thêm căn cứ để xác định vị trí các nạn nhân.
Có mặt tại bãi sạt lở, tiến sỹ Vũ Văn Bằng - Phó viện trưởng Viện công nghệ nước và môi trường thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam mang máy dò BTS09 đến hiện trường, thực hiện việc dò tìm vị trí các nạn nhân bị mắc kẹt. “Diện tích đất đá phủ quá rộng, dâng cao và lớp đất bị trôi đi rất lớn. Khối lượng ước tính phải hàng vạn khối đất đá. Tôi đã dò tìm và khoanh vùng được 2 vị trí: 1 vị trí có 1 nạn nhân và 1 vị trí còn lại có 4 nạn nhân. Khả năng sống sót của các nạn nhân gần như là không còn vì các nạn nhân nằm ở độ sâu khoảng 5 mét”, TS Bằng cho biết.
Trao đổi với PV Dân trí, TS Vũ Bằng khẳng định, vụ sạt lở xảy ra là hậu quả của việc không tính toán về sự trượt lở khi khai thác mỏ; bãi thải không hề có sự đảm bảo an toàn. Cũng theo ông Bằng, cả một khối thải dốc đứng như vậy, việc bị trôi không khó hiểu. Lẽ ra, với những bãi thải như vậy, cần phải đổ trong thung lũng hoặc có tường bao, đập chắn và phải di dời dân từ lâu.
Theo một chuyên gia trong ngành mỏ địa chất, vụ sạt lở có thể xuất phát từ sự cẩu thả trong việc đổ chất thải. Có hai khả năng, hoặc bãi thải không có thiết kế được duyệt, hoặc nếu có thiết kế được duyệt thì các giải pháp đổ thải rất thiếu an toàn như: chiều cao đổ thải rất lớn, góc dốc sườn bãi thải lớn (bằng góc tự chảy của đất đá), không có các biện pháp gia cố bãi thải, không có các công trình chống trôi lấp, trình tự đổ thải tùy tiện, các tầng đổ thải lộn xộn, các mặt trượt tự nhiên không được xử lý…
Hơn nữa, người dân sinh sống và sản xuất ngay dưới chân bãi thải nhưng không được di dời. Điều đó thể hiện sự buông lỏng về quản lý kỹ thuật đổ thải của mỏ than Phấn Mễ.
Từ đầu thế kỷ XX, mỏ than Phấn Mễ được người Pháp thăm dò và khai thác. Sau kháng chiến chống Pháp, mỏ than Phấn Mễ được giao cho các đơn vị tiếp quản và khai thác. Suốt mấy chục năm, toàn bộ phế liệu khai thác từ mỏ than Phấn Mễ được đổ thải tại các bãi thải chất cao như núi tại xã Phục Linh. Hiện tượng sạt lở tại bãi thải mỏ than Phấn Mễ đã từng diễn ra hai lần vào năm 1998 và năm 2006. Tuy nhiên, những lần sạt lở trước không gây ra thiệt hại về người. Vào năm 2011, tại mỏ than Phấn Mễ cũng xảy ra một vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại khu vực khai thác than. |
Anh Thế - Quốc Đô