Xem xét khởi tố vụ sạt lở tại mỏ than Phấn Mễ
(Dân trí) - Ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định đã tiến hành di dời 29 hộ dân ra khu vực an toàn, khoanh vùng được khu vực 5 nạn nhân bị vùi lấp và chỉ đạo công an tiến hành xem xét khởi tố vụ án.
Chiều tối ngày 20/4, tại buổi làm việc với PV Dân trí, ông Dương Ngọc Long - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - cho biết: Trước mắt, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đôn đốc các cơ quan chức năng liên quan có phương án cụ thể nhằm tiếp cận khu vực các nạn nhân bị vùi lấp trong vụ sạt lở tại mỏ than Phấn Mễ, xã Phục Linh, Đại Từ - Thái Nguyên hôm 15/4.
Những ngày qua, UBND tỉnh Thái Nguyên đã huy động gần 700 người cùng 15 máy xúc - ủi, hàng chục xe lưu động, 7 chó nghiệp vụ, máy địa bức xạ cùng tham gia công cuộc tìm kiếm.
Cùng đó, Ban chỉ huy cứu hộ tại hiện trường kết hợp với các chuyên gia mỏ đến từ nước ngoài tính toán lại độ trượt của đất đá, kết hợp với một số nhà ngoại cảm trong nước tập trung khoanh vùng vị trí các nạn nhân bị vùi lấp.
Đến chiều 20/4, lực lượng cứu hộ đã khoanh vùng theo chiều ngang 30m chạy dọc từ điểm sạt bãi thải đến khu dân cư. Trong diện tích khoanh vùng, lực lượng cứu hộ đã phát hiện thấy bình gạo và một số vật dụng sinh hoạt của các hộ dân.
Hiện trường vụ sạt lở bãi thải
Cũng theo ông Long, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho UBND huyện Đại Từ kết hợp với Công ty Gang thép Thái Nguyên xúc tiến di dời các hộ dân trong vùng bị sạt lở và những vùng cảnh báo nguy hiểm ra khu vực an toàn; tạo mọi điều kiện giúp dân có công ăn việc làm.
UBND tỉnh đã họp bàn và đồng ý phương án cấp đất tái định cư, hỗ trợ việc di chuyển nhà các hộ ảnh hưởng là 7 triệu đồng/hộ, theo đó đã có 29 hộ gia đình được di dời đến nơi an toàn. Có trên 60 đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ số tiền trên 500 triệu đồng, hỗ trợ gia đình nạn nhân vụ sạt lở bãi thải.
Trước cảnh báo nguy cơ sạt lở tại khai trường và bãi thải của nhiều mỏ than khác trên địa bàn, ông Dương Ngọc Long cho hay, ngay trong chiều cùng ngày (20/4), đích thân ông đã ký công văn thành lập đoàn kiểm tra do Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường tiến hành kiểm tra, rà soát lại vụ việc xảy ra tại mỏ than Phấn Mễ và Công ty Gang Thép Thái Nguyên; rà soát lại toàn bộ các khu mỏ, kể cả các khai trường và bãi thải than có dấu hiệu nguy hiểm; sớm báo cáo kết quả về UBND tỉnh để tỉnh tìm phương án giải quyết.
Thái Nguyên là địa phương có trên 100 mỏ đang được các đơn vị nhà nước và các công ty tổ chức khai thác tài nguyên. Từ trước vụ sạt lở tại mỏ than Phấn Mễ, Tỉnh uỷ - UBND tỉnh đã tiến hành nhiều cuộc họp bàn và công bố nhiều văn bản về công tác quản lý, đảm bảo an toàn lao động nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả tốt. Ông Dương Ngọc Long cũng thừa nhận sự cố này là bài học đắt giá cho tỉnh Thái Nguyên về tăng cường biện pháp quản lý, an toàn tại các khu mỏ.
Ông Long cho biết thêm, đã giao UBND huyện Đại Từ; UBND xã Phục Linh; Công ty Gang Thép Thái Nguyên; Mỏ than Phấn Mễ tiến hành làm kiểm điểm, báo cáo giải trình lại toàn bộ sự việc lên UBND để cơ quan chức năng họp bàn xem xét việc xử lý trách nhiệm đơn vị, cá nhân liên quan sau sự cố sạt bãi thải tại mỏ than.
Quốc Đô - Anh Thế