Tiểu thương ở TPHCM không thể tới chợ bán hàng vì sống trong khu phong tỏa
(Dân trí) - Từ ngày 17/7, chợ An Đông (quận 5) hoạt động trở lại nhưng chỉ khoảng 10% tiểu thương bán hàng. Nguyên nhân do một số tiểu thương sống ở khu phong tỏa, nhiều người ở tỉnh lân cận không vào TPHCM được.
Chợ thực phẩm An Đông (quận 5, TPHCM) vừa mở cửa trở lại ngày 17/7 có khoảng 15-20 sạp trong tổng số 160-180 sạp kinh doanh với các mặt hàng bày bán là rau xanh, củ, quả, thịt, cá…
"Rất nhiều sạp hàng còn trống, chưa có tiểu thương ra bán. Nguyên nhân do một số tiểu thương ở tỉnh lân cận vướng Chỉ thị 16 không thể đến chợ, có tiểu thương ở các khu phong tỏa, cách ly. Một số lấy hàng chợ đầu mối Bình Điền, tuy nhiên do chợ này cũng chưa mở cửa nên tiểu thương cũng không nhập hàng về bán được", bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Ban Quản lý chợ thực phẩm An Đông cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thoa, chủ sạp cá biển cho biết khi chợ đầu mối Bình Điền tạm dừng hoạt động vì dịch Covid-19 thì nguồn hàng cũng khá khó khăn. Khi có hàng, giá đầu mối đưa ra thế nào tiểu thương cũng phải chấp nhận.
Một số sạp hàng chủ động giãn cách ngày bán, ghi rõ bảng thông báo.
"Tình hình dịch bệnh phức tạp nhưng nghỉ chợ lâu ngày khiến tôi thấy buồn nên tôi mới đi bán lại, mặt khác nếu mình nghỉ bán lâu quá cũng sẽ mất hết khách quen. Cũng vì đang kinh doanh trong mùa dịch, trước khi vào chợ tôi được đo thân nhiệt, kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính, trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn đầy đủ, nhắc nhở khách giữ khoảng cách…", bà Dương Hòa Thương Hợp, một tiểu thương cho biết.
Khác với một số chợ, phiếu vào chợ An Đông dùng để ghi lại quá trình mua hàng. Khách đến sạp hàng nào mua xong thì sẽ được chủ sạp xác nhận trên giấy.
Vào bên trong chợ, khi đã ghé vào sạp hàng nào thì người mua phải ghi lại mã số sạp, thời gian đã đến mua. "Tôi thấy có nhiều người phàn nàn việc phải ghi giấy khai y tế khi vào chợ vì chưa quen, nhưng phải chấp hành thôi, việc này an toàn cho bản thân mỗi người", bà Nguyễn Thị Cẩm Tú Trinh cho biết khi đang mua hàng trong chợ.
"Bản thân tôi nghĩ những ngày này lợi nhuận không quan trọng, chủ yếu là cho bà con có hàng để dùng. Hàng nào mình lấy giá hơi cao thì cũng giải thích cho khách chịu khó mua. Giờ bán vốn cũng được, miễn sao có cho người dân dùng với lại cũng để giữ mối", anh Nguyễn Chí Trung, chủ sạp gia vị đang xác nhận quá trình mua hàng cho khách nói.
"So với ngày thường thì giảm nhiều lắm, một phần người dân cũng chuẩn bị tích trữ lương thực từ trước. Nhà tôi ở quận 12, việc di chuyển lên chợ cũng có lúc chốt kiểm soát không cho qua, phải đi đường khác. Nguồn hàng cũng khá khó khăn khi các lò mổ đa phần đóng cửa, mình lấy cũng không nhiều hàng. Tuy nhiên, giá thịt bò cũng không có nhiều thay đổi, chỉ chênh hơn ngày thường đôi ba chục ngàn đồng một ký", tiểu thương Huỳnh Thị Kim Liên, chủ quầy bán thịt bò cho biết.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên (áo bông đỏ), tiểu thương bán rau củ cho biết: "Lúc mới dịch thì hàng hóa có lên nhưng bây giờ thì giảm rồi, rau muống tôi bán sỉ bây giờ 30.000 đồng/ký, rẻ hơn lúc bình thường 5.000. Giá rẻ một phần tôi lấy gần thành phố, chi phí đi lại không nhiều. Mặc khác, BQL chợ cũng yêu cầu bán giá bình ổn để người dân tiêu dùng".
Người dân nộp lại phiếu quá trình mua hàng cho bảo vệ ở cổng ra, các phiếu này sẽ được tổng hợp giao cho lực lượng y tế địa phương để trích xuất quá trình đi lại, tiếp xúc trong chợ.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Ban Quản lý chợ An Đông, để đảm bảo an toàn phòng dịch, ban quản lý cũng vận động bà con tiểu thương đăng kí bán hàng online nhưng có khá ít tiểu thương tham gia.
"Hiện tại, chợ chỉ có khoảng 15 tiểu thương đăng kí bán online với các ngành hàng là rau, củ, quả, thịt bò, thịt gà… Tuy nhiên, người dân chưa quen đặt hàng trực tuyến, đa số vẫn muốn mua hàng trực tiếp", bà Hà cho biết.
Một số tiểu thương gặp khó khăn trong vấn đề viết chữ, phải nhờ người của BQL chợ giúp đỡ viết bảng giá, nhờ khách tự khai quá trình mua bán nên việc hướng dẫn tiểu thương đăng ký bán online gặp không ít khó khăn.
Các hoạt động giao thương xung quanh chợ thực phẩm và khu Trung tâm thương mại An Đông gần như tạm dừng.
Một chủ xe taxi tư nhân tự "niêm phong" bánh và gầm xe, đậu trước sân trung tâm thương mại An Đông, chờ TPHCM vượt qua đại dịch mới mở quây để sử dụng lại.
Danh sách các chợ đang mở cửa ở TPHCM:
Thành phố Thủ Đức: Cát Lái, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi, Phú Hữu, An Bình (cũ), Linh Xuân, Tam Hải, Bình Phước, Hiệp Bình Chánh.
Quận 5: An Đông.
Quận 10: Nguyễn Tri Phương.
Quận 11: Phú Thọ, Bình Thới (mới).
Quận 12: Ba Bầu (Tân Chánh Hiệp cũ), An Phú Đông, Ngã Tư Ga.
Quận Bình Tân: Kiến Thành.
Quận Bình Thạnh: Bà Chiểu, Văn Thánh (mới).
Quận Gò Vấp: An Hội, Hạnh Thông Tây.
Huyện Bình Chánh: Bình Chánh, Chợ Đệm, Tân Nhựt, Thuận Đạt.
Huyện Cần Giờ: Tam Thôn, Hiệp Đồng Hòa, Long Thạnh, An Thới Đông, Bình Khánh, Cần Giờ, Hòa Hiệp, Lý Nhơn.
Huyện Củ Chi: Lô 6, Phạm Văn Cội, Trung An, Trung Lập Hạ (Tân Trung Hạ), Trung Lập Thượng, Phú Hòa Đông, Củ Chi.