Thu phí ô tô vào TPHCM: Đề xuất thu theo khung giờ, tối đa 70.000 đồng/lượt
(Dân trí) - Theo đề xuất của đơn vị lập dự án thu phí vào ô tô vào trung tâm TPHCM, mức thu phí sẽ giao động từ 40.000-70.000 đồng/lượt. Khung giờ áp dụng thu phí là khung cao điểm 6h-9h và 15-19h.
Sở Giao thông vận tải vừa báo cáo UBND TPHCM về đề xuất lập dự án thu phí ô tô vào khu trung tâm.
Cụ thể, nhà đầu tư đề xuất thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BLT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và tự chi trả kinh phí nghiên cứu dự án.
Vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm thành phố (quận 1 và quận 3). Ngoài ra, một số cổng thu phí bố trí trên các đường thường ùn tắc như Trường Sơn, Cộng Hòa (quận Tân Bình). Các cổng thu phí sẽ ứng dụng công nghệ đa làn, không dừng.
Nhà đầu tư sẽ thực hiện dự án trong 10 năm và tự sắp xếp tổng kinh phí 2.274 tỷ đồng. Trong đó, chi phí đầu tư ban đầu gần 480 tỷ đồng, tổng chi phí vận hành trong 10 năm gần 1.800 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư sẽ triển khai đề xuất đầu tư dự án, xin phê duyệt đề xuất. Năm sau, nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để xin chủ trương đầu tư, nghiên cứu khả thi dự án. Sau khi phê duyệt dự án, cấp thẩm quyền sẽ công bố và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.
Theo đơn vị đề xuất lập dự án, thời gian thu phí dự kiến áp dụng tại khung giờ cao điểm 6h-9h và 15h-19h.
Dựa trên nghiên cứu trước đây, nhà đầu tư tạm tính mức phí thấp nhất là 40.000 đồng cho ô tô con và 70.000 đồng với xe tải, xe khách (bao gồm cả ô tô biển xanh để đảm bảo sự đồng thuận).
Taxi đăng ký tại TPHCM sẽ được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng mỗi xe. Xe buýt cùng các loại phương tiện thuộc nhóm ưu tiên (cứu hỏa, cứu thương...) được miễn phí.
Đẩy nhanh việc thu phí ô tô vào trung tâm
Được biết, năm 2010 UBND TPHCM chấp thuận đề xuất "đề án thu phí ô tô vào trung tâm" của doanh nghiệp.
Đến tháng 3/2012, UBND TP nghe báo cáo chi tiết đề án. Đóng góp ý kiến, nhiều sở ngành không đồng ý vì cho rằng không có hiệu quả kinh tế xã hội và làm giá cả hàng hóa tăng cao, gây ùn tắc ở các cổng thu phí…
Vì thế, UBND TP tiếp tục giao doanh nghiệp hoàn thiện đề án để lấy ý kiến người dân và phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học.
Đến cuối năm 2016, UBND TP yêu cầu Sở GTVT TP làm việc với doanh nghiệp để bổ sung, hoàn chỉnh đề án để trình lại.
Cuối năm 2017, Ủy ban MTTQVN TPHCM tổ chức hội nghị phản biện với sự tham gia của nhiều chuyên gia và sở ngành liên quan.
Thời điểm đó, theo đơn vị đề xuất dự án thu phí, vành đai khép kín sẽ có 34 cổng thu phí, nhằm giảm lượng ô tô cá nhân vào khu vực nội thành giờ cao điểm.
Phí xây dựng khoảng 1.500 tỷ đồng do nhà đầu tư bỏ ra, thực hiện theo hình thức BLT trong thời hạn 15 năm (2020-2035).
Về mức phí, ô tô con phải đóng 40.000 đồng mỗi lượt; ô tô khách là 50.000 đồng. Xe biển xanh vào trung tâm vẫn phải nộp phí, trừ xe công vụ ưu tiên theo quy định (cấp cứu, hộ đê, chữa cháy…).
Xe buýt không bị thu phí; giảm 25% đối với taxi (30.000 đồng); xe đăng ký trong khu vực trung tâm cũng được đề xuất giảm 25%. Hệ thống chỉ thu trong 2 khung giờ cao điểm như đề xuất mới đây.
Tháng 3/2018, Sở GTVT TP đề nghị đơn vị đề xuất dự án tiếp thu nội dung góp ý phản biện và hoàn chỉnh báo cáo. Sau đó, Sở GTVT TP có văn bản đề nghị lấy ý kiến các sở ngành và địa phương liên quan.
Đến năm 2019, trên cơ sở lấy ý kiến Hội đồng tư vấn giao thông đô thị và tìm hiểu thực tế ở nước ngoài, Sở GTVT TP đề xuất UBND thành phố đầu tư 250 tỷ đồng ngân sách làm 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường. Sau đó, đề án được các đơn vị liên quan xem xét, trình UBND TP.