1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TPHCM thu phí ô tô vào trung tâm: Chống ùn tắc hay lạm thu?

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, đề án “thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm để hạn chế ùn tắc giao thông” thiếu điều tra xã hội học, thiếu cơ sở khoa học, đánh giá tác động đến người dân... Nhiều chuyên gia nhận định đề án sẽ không khả thi bởi hiệu quả không cao mà người dân lại rơi vào cảnh “phí chồng phí”.

Ngày 12/12, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo đề án: “Thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm để hạn chế ùn tắc giao thông”.

Ùn tắc giao thông là thách thức lớn của TPHCM hiện nay (ảnh Đình Thảo)
Ùn tắc giao thông là thách thức lớn của TPHCM hiện nay (ảnh Đình Thảo)

Tại đây, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng cần có đánh giá lại đối với loại phí này để tránh tình trạng phí chồng phí. Người dân vừa đóng phí sử dụng đường bộ lại vừa đóng phí chống ùn tắc giao thông.

Theo luật sư Hòa, đề án sẽ không mang lại hiệu quả chống ùn tắc giao thông cũng như hiệu quả kinh tế và không nêu lên giải pháp đồng bộ là chống ùn tắc giao thông đi liền với tăng lượng người sử dụng giao thông công cộng.

Luật sư đề nghị cần làm rõ tính hiệu quả, tác động vào nhân dân, xã hội như thế nào. “Tôi thấy cứ thu bao nhiêu được thì thu chứ không thấy nhân dân được gì”, bà Hòa nói.

Trong khi đó, ông Đồng Văn Khiêm – Thành viên Hội đồng tư vấn phản biện UB MTTQVN TPHCM – đề nghị cần cân nhắc kỹ đề án. Mục đích cao nhất là giải quyết ùn tắc giao thông chứ không phải là thu phí.

Ông Đồng Văn Khiêm băn khoăn về tính khả thi của đề án. Theo ông, phải làm rõ mục đích cao nhất của đề án là giảm ùn tắc giao thông chứ không phải là thu phí
Ông Đồng Văn Khiêm băn khoăn về tính khả thi của đề án. Theo ông, phải làm rõ mục đích cao nhất của đề án là giảm ùn tắc giao thông chứ không phải là thu phí

“Nguyên nhân lớn nhất của ùn tắc giao thông là ý thức người tham gia giao thông. Nếu nói xe vào trung tâm nhiều kẹt thì phải có con số cụ thể, lượng xe vào trung tâm là bao nhiêu, loại xe gì? Phải phân tích thời gian cao điểm, thấp điểm... Khảo sát mà nói chung chung thì đánh giá không được và không mang lại hiệu quả”, ông Khiêm nói.

Băn khoăn về tính khả thi của đề án, ông Khiêm cho rằng việc thu phí ô tô vào trung tâm chỉ thực hiện được khi có sự đồng thuận của người dân và quyết tâm của lãnh đạo thành phố.

“Quận 1, quận 3 là đầu não kinh tế. Nếu thu phí sẽ tăng phí giao thông, khi đó giá cả cũng tăng, gây ra bất bình đẳng, ngươi dân phản ứng thì xử trí ra sao? Trong điều kiện hiện nay sử dụng xe buýt không hiệu quả, người ta chủ yếu sử dụng xe máy, giảm ô tô lại bùng xe máy”, ông Khiêm nói.

Ông Hà Ngọc Trường – Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TPHCM - cho biết để đảm bảo tính khả thi cho đề án thì cần làm rõ tính đồng bộ với các giải pháp khác để giảm ùn tắc giao thông.

Theo ông, ô tô là một trong những nguyên nhân gây kẹt xe chính. Ông đề nghị làm rõ phân tích hiệu quả xã hội, hiệu quả đầu tư của dự án. “Nếu không có quyết tâm của lãnh đạo thành phố thì rất khó làm”, ông Trường nói.

PGS. TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng đề án thiếu cơ sở thực tiễn và đánh giá tác động đến người dân
PGS. TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng đề án thiếu cơ sở thực tiễn và đánh giá tác động đến người dân

Đồng quan điểm, PGS. TS Nguyễn Lê Ninh nhận định, đề án mông lung, không thuyết phục, không có cở sở nào để tiên liệu giảm 40% ô tô vào trung tâm thành phố. Đề án thiếu điều tra xã hội học, thiếu thực tiễn, cơ sở khoa học và quan tâm đến người dân thành phố.

“Tôi mua được ô tô vài trăm triệu, phí vào trung tâm 40.000-50.000 đồng chỉ bằng tô phở thì hà cớ gì mà tôi không vào trung tâm. Vậy làm sao để giảm ùn tắc giao thông? Ngay cả mục đích thu phí để giảm kẹt xe cũng không trọn vẹn”, ông Ninh đặt vấn đề.

Ông Võ Khánh Hưng – Phó Giám đốc Sở GTVT TP – cho biết đề án chỉ được thực hiện khi có sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố và đồng thuận của người dân. Sở sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố về việc này để có quyết sách chính xác. Ông cho biết sẽ phát phiêu thăm dò và điều tra xã hội hóa để hoàn thiện đề án.

Theo công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (đơn vị tư đề xuất dự án thu phí), vành đai khép kín sẽ có 34 cổng thu phí, nhằm giảm lượng ô tô cá nhân vào khu vực nội thành giờ cao điểm. Hệ thống này không làm ảnh hưởng đến giao thông và gây ùn tắc tại vị trí dự kiến triển khai cổng thu phí.

Phí xây dựng khoảng 1.500 tỉ đồng do nhà đầu tư bỏ ra, thực hiện theo hình thức BLT (xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao) trong thời hạn 15 năm (2020-2035).

Về mức phí, ô tô con phải đóng 40.000 đồng mỗi lượt; ô tô khách là 50.000 đồng. Xe biển xanh vào trung tâm vẫn phải nộp phí, trừ xe công vụ ưu tiên theo quy định (cấp cứu, hộ đê, chữa cháy…). Xe buýt không bị thu phí; giảm 25% đối với taxi (30.000 đồng); xe đăng ký trong khu vực trung tâm cũng được đề xuất giảm 25%. Hệ thống chỉ thu trong giờ cao điểm (6-9h và 16-19h) để người dân lựa chọn thời gian di chuyển và tuyến đường phù hợp.

Theo tính toán của đề án, trong năm đầu tiên áp dụng thu phí, lượng ô tô vào khu trung tâm giờ cao điểm sẽ giảm tới 49%, nhường đường cho xe buýt tăng 8%, vận tốc lưu thông tăng 10,3 %.

Nhờ tiết kiệm thời gian di chuyển ở khu vực trung tâm, mỗi năm toàn bộ người dân thành phố tiết kiệm được 12.000-15.000 tỉ đồng chi phí giao thông và trong 15 năm tiết kiệm được 245.000 tỷ đồng. So với tổn thất giao thông toàn thành phố hiện nay lên đến 1,5-2 tỷ USD một năm thì khi triển khai dự án sẽ giảm tổn thất 10%.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm