1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tái khởi động dự án thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM

Quốc Anh

(Dân trí) - Dự án thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM được tái khởi động với đề xuất lập "vành đai thu phí" bao quanh Quận 1 và Quận 3. Tổng kinh phí dự án là 2.274 tỷ đồng.

Sở Giao thông vận tải vừa báo cáo UBND TPHCM về đề xuất lập dự án thu phí ô tô vào khu trung tâm.

Cụ thể, nhà đầu tư đề xuất thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BLT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và tự chi trả kinh phí nghiên cứu dự án.

Tái khởi động dự án thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM - 1

Theo đề xuất, "vành đai thu phí" bao quanh khu vực trung tâm thành phố (quận 1 và quận 3).

Vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm thành phố (quận 1 và quận 3), gồm: đường Hoàng Sa (men theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) -> đường Nguyễn Phúc Nguyên -> Cách Mạng Tháng 8 -> đường Ba Tháng Hai -> Lê Hồng Phong -> Lý Thái Tổ -> Nguyễn Văn Cừ -> Võ Văn Kiệt -> Tôn Đức Thắng.

Ngoài ra, một số cổng thu phí bố trí trên các đường thường ùn tắc như Trường Sơn, Cộng Hòa (quận Tân Bình).

Các cổng thu phí sẽ ứng dụng công nghệ đa làn, không dừng và được xây dựng trên mặt đường, hè phố (không giải tỏa mặt bằng). Một trung tâm quản lý điều hành công tác thu phí trên khu đất 1.000m2.

Nhà đầu tư sẽ tự sắp xếp kinh phí 2.274 tỷ đồng thực hiện dự án, trong đó chi phí đầu tư ban đầu gần 480 tỷ đồng.

Tái khởi động dự án thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM - 2

UBND TPHCM chấp thuận đề xuất "đề án thu phí ô tô vào trung tâm" của một doanh nghiệp từ năm 2010.

Cập nhật đến giữa tháng 9, TPHCM quản lý gần 8,4 triệu phương tiện, với hơn 800.000 ô tô và khoảng 7,6 triệu xe máy. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng ô tô đăng ký mới tăng gần 3,8%, xe máy 3,3%. Trong năm nay, bình quân mỗi ngày có 109 ô tô và 438 xe máy đăng ký mới.    

Hơn 10 năm "ấp ủ" đề án thu phí ô tô vào trung tâm

Được biết, năm 2010 UBND TPHCM chấp thuận đề xuất "đề án thu phí ô tô vào trung tâm" của doanh nghiệp.

Đến tháng 3/2012, UBND TP nghe báo cáo chi tiết đề án. Đóng góp ý kiến, nhiều sở ngành không đồng ý vì cho rằng không có hiệu quả kinh tế xã hội và làm giá cả hàng hóa tăng cao, gây ùn tắc ở các cổng thu phí…

Vì thế, UBND TP tiếp tục giao doanh nghiệp hoàn thiện đề án để lấy ý kiến người dân và phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học.

Đến cuối năm 2016, UBND TP yêu cầu Sở GTVT TP làm việc với doanh nghiệp để bổ sung, hoàn chỉnh đề án để trình lại.

Cuối năm 2017, Ủy ban MTTQVN TPHCM tổ chức hội nghị phản biện với sự tham gia của nhiều chuyên gia và sở ngành liên quan.

Đến năm 2019, trên cơ sở lấy ý kiến Hội đồng tư vấn giao thông đô thị và tìm hiểu thực tế ở nước ngoài, Sở GTVT TP đề xuất UBND thành phố đầu tư 250 tỷ đồng ngân sách làm 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm để hạn chế ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường. Sau đó, đề án được các đơn vị liên quan xem xét, trình UBND TP.