Thu hồi tài sản tham nhũng - Sự kiện nổi bật ngành tư pháp năm 2020?
(Dân trí) - Năm 2020, giá trị thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, trên 15.000 tỷ đồng.
Thực hiện Quy chế bình xét các sự kiện nổi bật hàng năm của Ngành Tư pháp (ban hành kèm theo Quyết định số 2196/QĐ-BTP năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Bộ Tư pháp vừa công bố 15 sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2020 để lấy ý kiến góp ý, bình chọn rộng rãi.
Trong đó kết quả công tác thi hành án dân sự về giá trị, đặc biệt là giá trị thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, theo Bộ Tư pháp, đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2016-2020
Năm 2020, các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục phải thực hiện nghiêm chủ trương về cắt giảm biên chế, tinh giản bộ máy hành chính và chịu nhiều ảnh hưởng, tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19 gây ra.
Tuy vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả thông qua các giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp diễn biến, tình hình thực tiễn, toàn hệ thống thi hành án dân sự đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, toàn hệ thống thi hành án dân sự đã tổ chức thi hành xong trên 53.000 tỷ đồng (tăng gần 1000 tỷ đồng so với năm 2019), trong đó án tham nhũng, kinh tế thi hành xong trên 15.000 tỷ đồng ; đặc biệt, các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi thi hành xong trên 14.000 tỷ đồng (bằng với tổng số tiền đã thi hành xong kể từ năm 2013 đến hết 2019).
Bộ Tư pháp cho rằng kết quả đó đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giải phóng nguồn lực của xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương.
Cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch
Việc tham mưu cho Chính phủ tổ chức thành công Hội nghị về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật; tham mưu cho Chính phủ tổ chức rà soát, kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường giải phóng nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội cũng được đưa vào danh sách sự kiện nổi bật năm 2020.
Bộ Tư pháp đã tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan trung ương, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tập trung nguồn lực thực hiện rà soát, phát hiện các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển.
Chỉ trong một thời gian ngắn mặc dù gặp không ít khó khăn, đặc biệt là dịch Covid-19 nhưng với việc tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, chủ động, sáng tạo, Bộ Tư pháp đã làm đầu mối giúp Tổ công tác cùng với các bộ, ngành, cơ quan trung ương thực hiện và hoàn thành kịp thời việc rà soát 8.779 văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là 10 chuyên đề, lĩnh vực pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Báo cáo về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước trình Quốc hội và nhận được sự đánh giá cao.
Ngoài ra, việc tăng cường quản lý nhà nước về hộ tịch điện tử , bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp và nâng cao mức độ hài lòng của người dân cũng là 1 trong 15 sự kiện nổi bật được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến. Theo đó, trong năm 2020 Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng, ban hành Nghị định số 87/2020 về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Trong đó quy định toàn diện các vấn đề về việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, Cơ sở dữ liệu khác của bộ, ngành, địa phương; cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch; đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Việc ban hành nghị định này đã khẳng định quyết tâm của Chính phủ nói chung, ngành tư pháp nói riêng trong việc thực hiện thành công hệ thống an sinh xã hội số, góp phần cán đích, hoàn thành mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử.
"Nghị định sẽ là cơ sở pháp lý đảm bảo việc triển khai Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch; tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cho người dân, bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền đăng ký hộ tịch của người dân, đặc biệt là quyền khai sinh cho trẻ em cũng như đơn giản hóa quy trình phối hợp, tra cứu thông tin của cơ quan nhà nước có thẩm quyền"- Bộ Tư pháp cho hay.