45 địa phương có kết quả thu hồi tài sản tham nhũng dưới mức trung bình
(Dân trí) - Báo cáo Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh 2018 cho thấy 45/63 tỉnh có kết quả thu hồi tài sản tham nhũng dưới mức trung bình.
Theo Báo cáo Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh 2018 (PACA INDEX 2018) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, việc kê khai, công khai, xác minh tài sản minh bạch đã dần đi vào nề nếp ở các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên nội dung xác minh tài sản thu nhập đạt được rất kém và không hiệu quả.
“Có 51 địa phương trên cả nước không thực hiện xác minh bất kỳ trường hợp nào về kê khai tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản”- báo cáo nêu.
Năm 2018 có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu tăng theo từng năm đã có tác dụng răn đe, từ đó có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng chống tham nhũng tại đơn vị mình phụ trách (năm 2018 tăng 17 người so với năm 2017; năm 2017 tăng 28 người so với năm 2016).
46 địa phương đã thực hiện xử lý kỷ luật người đứng đầu, trong đó có 34/63 địa phương đã xử lý kỷ luật 100% người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng đều bị bị kỷ luật với các hình thức khác nhau.
Thanh tra Chính phủ cho biết, tuy xử lý hình sự có tăng hơn nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng năm 2018 có xu hướng giảm nhẹ, đạt 34,34% so với yêu cầu. Có 3 tỉnh không có kết quả thu hồi tài sản tham nhũng (Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tuyên Quang).
Trên bình diện cả nước, đa số các tỉnh (45/63 tỉnh, chiếm gần 72% cả nước) có kết quả thu hồi tài sản tham nhũng dưới mức trung bình (dưới 50%). Việc thu hồi đất đai do hành vi tham nhũng vẫn duy trì ở mức thấp, được ghi nhận ở mức 0.61/5 điểm, chỉ đạt 12.2% so với yêu cầu.
“Thực tế này chỉ ra việc thu hồi và khắc phục về kinh tế do tham nhũng gây ra vẫn rất khó khăn, nỗ lực trong các năm qua của các địa phương trong cả nước chưa tương xứng với kỳ vọng và yêu cầu của việc xử lý hành vi tham nhũng”- báo cáo đánh giá.
So với năm trước, năm 2018 có khoảng cách khá xa đối với khoảng điểm trong xử lý hành vi tham nhũng: TPHCM đạt tối đa, trong khi Tuyên Quang không có báo cáo đạt được điểm tại nội dung này. Có tới 13 tỉnh không xử lý hành chính. Các tỉnh Bạc Liêu, Ninh Thuận, Quảng Ngãi tuy có ghi nhận trong xử lý hành chính, xử lý hình sự nhưng báo cáo không có số liệu về thu hồi tài sản tham nhũng.
Bí thư và Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp đi xe máy đến công sở
Báo cáo đưa ra hình ảnh khá thú vị: Đồng Tháp là địa phương mà Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh và nhiều lãnh đạo chủ chốt đi xe máy đến công sở. Theo Sở Tài Chính Đồng Tháp, tỉnh đang sắp xếp và quản lí xe công theo Nghị định 04/2019 về quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Theo qui định này, các sở, ngành, các huyện chỉ còn 1 xe công/đơn vị. Khi các sở, ngành, huyện… có nhu cầu đi công tác thì thực hiện hợp đồng thuê xe theo qui định. Hiện toàn tỉnh Đồng Tháp có 157 xe công và khi thực hiện theo quy định mới, sẽ dư 92 chiếc.
Câu chuyện “lãnh đạo chủ chốt đi xe máy đến công sở” tại không gian thoáng mát của quán cà phê Doanh nhân và Doanh nghiệp do chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khởi xướng.
Thế Kha