Vụ cô gái 13 năm bị hành hạ:

Thờ ơ với nỗi đau của người khác là tội ác

(Dân trí) - Việc chính quyền địa phương và người dân xung quanh né tránh, không muốn “dây” khi thấy em Bình bị tra tấn, đánh đập là không thể chấp nhận được. Sự thờ ơ với nỗi đau của người khác phải xem là một tội ác - PGS.TS Tâm lý học Nguyễn Hồi Loan nhìn nhận vụ việc cô gái bị ông bà chủ “nhục hình” suốt 13 năm.

“Người mẹ thất đức”

Ông có bất ngờ trước sự việc cô gái làm thuê bị chủ hành hạ, ngược đãi suốt 13 năm qua giữa đất Hà Nội mà đến bây giờ dư luận mới biết tới?

Tôi rất bàng hoàng khi tiếp cận sự việc này. Không thể tin, khó có thể chấp nhận rằng nó lại là một sự thật nên tôi nghĩ dư luận đều rất muốn CQĐT đưa ra được bằng chứng làm sáng tỏ vấn đề. Nói thật là đến tận lúc này, tôi vẫn thấy không thể tin được là giữa thủ đô Hà Nội, giữa một mảnh đất văn minh, văn hiến của cả nước mà lại có một “địa ngục trần gian” tồn tại như báo chí đưa tin. Rất rất khó tin. Nhưng buộc phải chấp nhận sự thật thì nó quả là gây sốc cho xã hội.

Theo ông, có thể đưa ra sự giải thích nào cho việc nạn nhân trong suốt hơn 10 năm bị hành hạ như thế mà không hề lên tiếng, không vùng vẫy tìm cách thoát ra?

Đó chính là câu hỏi mà dư luận hiện quan tâm nhất hay nói cách khác là quan tâm đến gốc rễ vấn đề. Theo tôi, có nhiều yếu tố.

Về bản thân em Bình, một cô gái 21 tuổi, rất xinh xắn nhưng không biết chữ, không biết cả quê quán, nguồn gốc của mình một cách tường tận. Đó chắc hẳn là kết quả của việc không được học hành, giáo dục, không được trang bị kiến thức sống. Cô bé đã bị tước mất quyền được học tập. Và khi con người ta không có kiến thức, tri thức thì việc nhìn nhận các vấn đề trong đời sống xã hội, nhìn nhận về chính mình cũng khó có khả năng đánh giá chính xác. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc em Bình bị nhục hình, bị chà đạp, hành hạ mà em không biết.

Đó là nguyên nhân chủ quan từ phía nạn nhân. Còn những yếu tố khác, từ môi trường sống của em Bình, thưa ông?

 

Bản thân người lớn cũng phải xem lại mình, trước hết là người mẹ. Đó là người mẹ không thể chấp nhận trong xã hội, một người mẹ dám từ bỏ đứa con do chính mình sinh ra khi cô bé còn quá non nớt để đi tìm cuộc sống riêng, phó mặc một thân phận hết sức bé nhỏ, không nơi nương tựa. Đấy là một người mẹ thất đức.

Theo ông, chúng ta có thể lí giải thế nào về hành vi của thủ phạm đã dùng những “nhục hình” ghê sợ, khó tin đến thế với em Bình. Có thể nghĩ tới khả năng họ có sự bất ổn về tâm lý?

Tôi không nghĩ họ có bệnh về mặt tâm thần, bệnh nhân cách vì họ làm những việc này với sự ý thức rất rõ về việc làm thế nào bóc lột sức lao động của em. 

Họ đã dám làm những việc ngược với pháp luật, chà đạp cả lên dư luận vì đã có khá nhiều người phản ứng, góp ý. Đó là những con người mất nhân cách, mất nhân tính, không còn chút tình người. Tôi chỉ có một đánh giá về câu nói của ông chủ hàng phở “dạy cháu như… con” - hoàn toàn là một sự nguỵ biện.

Hậu quả không thể “gột rửa”

Thờ ơ với nỗi đau của người khác là tội ác - 1

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan

Trong sự việc này có một hiện tượng là hàng xóm, những người xung quanh đều biết việc Bình bị ông bà chủ ngược đãi, đánh đập nhưng không ai lên tiếng, khiến sự việc như chuyện “bí sử” suốt một thời gian dài. Chúng ta có nên đặt ra vấn đề trách nhiệm của chính quyền sở tại, từ tổ dân phố cho tới công an, UBND phường?

Đúng thế. Bản thân em Bình và ông bà chủ của mình không phải sống giữa ốc đảo, không có quan hệ với ai mà họ đang sống giữa nơi đông đúc nhất thủ đô, sống giữa hàng xóm, giữa nơi chợ búa. Đó là điều đáng buồn cần cảnh tỉnh chính các cơ quan sở tại.

Tổ dân phố, chắc chắn họ hiểu rõ từng chân tơ kẽ tóc cuộc sống của mỗi gia đình. Chi bộ Đảng ở đó cũng phải có trách nhiệm. Một hiện tượng như thế mà tất cả họ đã “mũ ni che tai”, bỏ qua, không dám đứng ra bảo vệ một người yếm thế, một thân phận tận cùng của xã hội, không có ai để giúp đỡ. Việc họ có thể bàng quan như vậy là không thể chấp nhận được.

Còn người dân, như đã nói, đó là sự lạnh nhạt với cái đau khổ của người khác và như thế không có nghĩa là họ vô tội mà tôi nghĩ phải xem đó là một tội ác. Bản thân họ thấy người khác bị dày vò, hành hạ, đánh đập mà không có phản ứng gì thì có nghĩa là họ đã đồng tình với việc đó. Tôi thấy cần lên án tất cả những người từng chứng kiến sự việc này.

Như vậy, việc làm của chính quyền địa phương (từ Chi bộ Đảng, tổ dân phố, hàng xóm xung quanh…) chính là một điều kiện thuận lợi để vợ chồng Đức - Phương tiếp tục thẳng tay hành hạ cô bé. Ngay trong tình huống cả hai ngang nhiên đánh, hành hạ em Bình giữa chợ thể hiện sự công khai. Những người xung quanh đã có phản ứng đơn giản là né tránh, không muốn dây. Hành vi đó là một tội ác.

Khi tiếp xúc với Bình, thấy em nói về tất cả những hành vi ngược đãi của ông bà chủ với mình bằng một thái độ khá dửng dưng, bình thản. Chỉ đến khi hỏi đến người mẹ, em mới oà khóc, van xin đừng nhắc tới bà. Ở đây có hiện tượng bất thường gì về tâm lý?

Không hề bất thường. Khi con người ta đã bị đẩy đến tận cùng của đau khổ, vượt qua cả giới hạn chịu đựng, người ta trở nên vô cảm. Vậy nên em Bình kể lại tất cả những “nhục hình” mình đã chịu đựng mà không hề biểu hiện sự rung cảm trong đó vì tất cả đối với em không là gì cả, em đã trải qua hết rồi.

Nhưng khi nói đến người mẹ, em oà khóc vì đó là mối ràng buộc gần gũi nhất, linh thiêng nhất mà luôn luôn ẩn chứa trong tâm thức của con người, có cơ hội sẽ bùng lên. Đó là sự thèm khát mà mỗi người luôn luôn đòi hỏi có một người mẹ, một người cha. Người mẹ là chỗ bấu víu duy nhất, cuối cùng của Bình giữa nơi không một ai thân thuộc. Vì thế, càng khó cho cô bé để có thể tha thứ cho mẹ, để có thể lấy lại trạng thái tâm lý bình thường.

Về góc độ trách nhiệm xã hội, chúng ta có thể làm gì để giúp Bình lúc này, thưa ông?

Làm gì lúc này sao? Xã hội có thể tạo lập cho cô bé cuộc sống mới, có thể cho em một gia đình, cho em đi học, cho em một điều kiện sống đủ đầy… nhưng làm sao để lấp đầy những ký ức kinh khủng, những vết thương tinh thần. Việc đó khó lắm thay…

Xin cảm ơn ông!

Bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội: "Lỗ hổng của pháp luật và quản lí"

Thờ ơ với nỗi đau của người khác là tội ác - 2

"Không thể tin được là giữa Hà Nội mà vẫn có những đối tượng ngược đãi trẻ em đến mức như vậy".

  

Khi nhận được thông tin về vụ việc, tôi cảm thấy hết sức bất ngờ. Tiếp đó là cảm giác bức xúc và đau xót. Không thể tin được là giữa Hà Nội mà vẫn có những đối tượng ngược đãi trẻ em đến mức như vậy. Hành vi ngược đãi này không những gây hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác mà tinh thần em Bình cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, thậm chí có thể ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống sau này.

Tôi rất mong cơ quan điều tra làm rõ và sớm xử lý vụ việc này. Cơ quan tư pháp phải nghiên cứu, xem xét đưa ra hình phạt tương xứng để nghiêm trị những đối tượng đã hành hạ em Bình. Ngoài ra, có thể tính tới việc buộc họ phải bồi thường về mặt vật chất cho em.

Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, lẽ ra phải có sự kiểm tra thường xuyên chứ không thể đến lúc báo chí lên tiếng mới biết. Đây rõ ràng là lỗ hổng của pháp luật và quản lý. Cần phải xem xét lại hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương bởi vụ việc đã xảy ra trong một thời gian quá dài.

Tôi cũng sẽ có ý kiến với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH để Bộ này nghiên cứu, trình Chính phủ quy định về quản lý lao động ngoại tỉnh để đảm bảo quyền lợi cho họ. Ngành tư pháp cũng phải có chương trình giáo dục pháp luật cho phụ nữ để chị em biết được quyền của mình, có thể ứng phó với những tình huống như của em Bình.

Phương Thảo - Cấn Cường