“Tắm” chín củ, quả bằng hóa chất lạ
Ngâm củ quả với dung dịch hoá chất này khoảng 5-10 phút, vớt lên cho ráo rồi đem ủ. Sáng hôm sau hoa quả sẽ chín vàng, chín đỏ như mong muốn và giữ nguyên màu sắc tới 7-10 ngày.
Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ NN&PTNT vừa bất ngờ phát hiện một loại hoá chất lạ đang lưu hành trên thị trường, chuyên dùng để ủ, dấm và làm chín nhiều loại củ, quả. Từ thông tin này, chúng tôi đã tìm về thôn Thu Quế (thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội), nơi đang lưu hành rộng rãi loại hoá chất này và cũng là vùng sản xuất rau, củ, quả khá lớn.
Sắm vai nông dân, đi mua “thần dược”
Khác với các vùng trồng rau khác, thời gian này ở Thu Quế việc buôn bán rau, củ vẫn diễn ra tấp nập như trước khi xảy ra trận lụt lịch sử. Thấy chúng tôi đang lơ ngơ tìm “hàng” (rau, củ), một người đàn ông chạy ra mời chào: “Các ông cần mua loại nào, hàng đang hiếm lắm đấy”. “Cần mua cà chua, đu đủ, củ cải. Có hàng không?”, chúng tôi trả lời. “Có, hàng gì cũng có. Các ông vào nhà tôi mà xem hàng nhiều vô tư luôn...” - người này đáp.
Khi chúng tôi vào nhà , trong căn phòng bé tí xíu chất đầy cà chua, đu đủ... Theo lời của anh ta, các loại củ quả này đều được ủ chín an toàn. Nói đoạn, anh ta mang một lọ nhỏ có ghi mấy chữ Tàu nguệch ngoạc ở ngoài vỏ ra giới thiệu và nói: “Yên tâm đi, thuốc này được cho phép sử dụng đấy, dấm 1 ngày là chín ngay”.
Lần theo sự giới thiệu, chúng tôi ghé vào một cửa hàng chuyên kinh doanh thuốc BVTV, phân bón đầu làng để xem “hàng”. Chúng tôi đã tháo cả giày, dép và “hoá trang” thành nông dân...
Thấy có khách đến, ông chủ cửa hàng còn khá trẻ đon đả: “Anh mua thuốc gì?”. “Thuốc làm chín rau, củ. Có không?”. “Anh cứ đùa, muốn làm chín rau, củ phải dấm bằng đất đèn chứ”. Phải sau một hồi thuyết phục, ông chủ này mới tin chúng tôi và đi vào trong nhà lấy ra một hộp thuốc có nhãn hiệu “Ethrel”, trong hộp có 10 lọ dung dịch màu trắng đục. Trên vỏ của hộp thuốc ghi cả tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Phần tiếng Việt nêu đủ các loại công dụng của thuốc như: làm chín quả nhanh, đảm bảo không bị thối nát... tăng chất lượng. Còn tiếng Trung Quốc thì chỉ vài dòng sơ sài về ngày sản xuất và thời hạn sử dụng, không thấy đề nguồn gốc, xuất xứ.
Mỗi lọ thuốc có giá 800 đồng, nếu mua cả hộp thì được giảm giá còn 7.000 đồng. Sau khi giao “hàng”, ông chủ này còn nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng và không quên nhắc phải đeo bao tay khi xem thuốc.
Củ gì cũng chín
Theo hướng dẫn của người bán hàng, mỗi lọ thuốc pha loãng với 2-3 lít nước, dùng chổi quét sơn để quét lên phía ngoài của củ quả. Nếu phải ủ với số lượng lớn thì có thể đổ cả số củ đó vào nước, ngâm khoảng 5-10 phút, rồi vớt lên cho ráo nước và đem ủ (dùng lớp nilon mỏng hoặc bao tải phủ lên). Sáng hôm sau hoa quả sẽ chín vàng, chín đỏ như mong muốn, tuỳ theo từng loại củ. Cũng theo người bán hàng, loại thuốc này có tác dụng với hầu hết các loại củ, quả cần ăn chín.
Khi chúng tôi dò hỏi loại thuốc này được lấy từ đâu, ông chủ kia chỉ cười cười rằng: “Không tiết lộ được, đây là thuốc cấm, nếu phát hiện sẽ bị bắt”. Hỏi một người trồng cà chua ở thôn Thu Quế thì được cho biết: “Loại thuốc này “nhạy” lắm, chỉ cần một lọ dung dịch có thể “hoá phép” cho cả tạ đu đủ, hơn chục buồng chuối”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, loại thuốc này còn có thể dùng để làm chín cà chua. Sau khi được “tắm” bằng hoá chất, cà chua sẽ “lột xác” với màu đỏ sẫm, vỏ nhẵn bóng ít nhất tới 7-10 ngày sau khi ủ xong. Với chuối, một lọ thuốc nhỏ có thể “tắm” cho 10-15 buồng, bất kể loại chuối nào. Chuối sau khi ủ xong sẽ chuyển từ màu xanh thành chín vỏ vàng, nhẵn, trông cực kỳ bắt mắt.
15 buồng chuối sẽ được lột xác chỉ với 1 lọ thuốc nhỏ. Màu sắc chuối sẽ đẹp và vỏ sẽ trơn nhẵn. (Ảnh: NTNN) |
Không chỉ có các loại hoa quả trên mà cả hồng, dứa, xoài... cũng có thể được làm chín bằng cách tương tự. Thậm chí, theo nhiều người cho biết loại chất này còn có thể được dùng để... ướp thịt trong các nhà hàng với tác dụng làm cho thịt tươi lâu, không bị biến đổi màu.
Đã kiểm tra, nhưng chưa biết thuốc gì
Chiều 20/11, ngay sau khi mua được hộp thuốc nói trên, chúng tôi đã mang đến Cục BVTV để nhờ phân tích. Cầm trên tay lọ thuốc, ông Đỗ Hồng Khanh - Thanh tra viên, nói ngay: “Đây là loại thuốc nằm ngoài danh mục các loại thuốc BVTV được sử dụng và lưu hành tại VN do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành”.
Theo ông Khanh, có thể đây là loại thuốc thuộc nhóm kích thích sinh trưởng, thay thế được cho đất đèn vì chất này cũng có khả năng sản sinh ra khí ethynel với tác dụng làm chín quả trong thời gian ngắn.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, loại thuốc lạ đã lưu hành trên thị trường 2-3 năm nay và rộ lên hồi đầu năm 2008. Tuy nhiên, Thanh tra Cục BVTV mới phát hiện và lấy được một số mẫu để đưa đi trưng cầu giám định. Theo ông Trịnh Công Toản - Chánh Thanh tra Cục BVTV, do đây là một chất sinh ra khí nên rất khó phân tích các thành phần hóa học cụ thể, do đó đến nay vẫn chưa có kết quả giám định.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao không tịch thu các loại thuốc này, ông Toản nói: “Theo quy định, tất cảc các loại thuốc ngoài danh mục đều bị nghiêm cấm kinh doanh và bị tịch thu, tiêu huỷ. Việc này chủ yếu do các Chi cục (địa phương) thực hiện. Chúng tôi cũng có thanh, kiểm tra song khối lượng thu giữ chưa được nhiều, vì các cửa hàng thường bày bán lén lút, rất khó phát hiện”.
Cục BVTV đã thông báo và đề nghị Chi cục BVTV Hà Tây (cũ), Phòng Cảnh sát môi trường Công an Hà Tây (cũ) phối hợp thu giữ, song do các cửa hàng mua bán tinh vi, thuốc chủ yếu được nhập lậu... nên không bắt được nhiều.
Thuốc thúc chín hoa quả có hại cho sức khoẻ Ông Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tình trạng tẩm hoá chất để thúc chín và bảo quản hoa quả là có thật. Tác hại của việc này chưa được nghiên cứu nhưng ông Đáng khẳng định chắc chắn có hại cho sức khoẻ. Thực tế trên bao bì loại thuốc “Hoa quả thúc chín tố” - loại thuốc kích thích hoa quả chín nhanh, có phần tiếng Việt ghi rõ: “Loại thuốc này có khả năng ăn mòn kim loại; có chất kích thích với mắt và da nên cần tránh trực tiếp tiếp xúc với thuốc”. Thậm chí, bao bì nhiều loại thuốc bảo quản hoa, củ, quả còn được in hình đầu lâu xương chéo. Năm 2003, đã ghi nhận 9 người bị ngộ độc, 1 người chết do thuốc (bao bì có in hình đầu lâu xương chéo) dùng để bảo quản ngô không bị mọt trong vòng 2 - 3 tháng. Năm 2004, Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng I - Thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH&CN) đã công bố một số kết quả kiểm nghiệm cho thấy thành phần của một số thuốc bảo quản, kích thích tăng trưởng thực vật có chứa chất độc dioxin. |
Theo Nông Thôn Ngày Nay