Sông Mekong biến động: Làm sao hài hòa với mùa nước nổi kiểu mới ở miền Tây?
(Dân trí) - Sự biến động nguồn nước sông Mekong gây ra nhiều hệ lụy cho ĐBSCL. Đó có thể là việc tăng, giảm dòng chảy khiến cát không về, phù sa ít hay gây ngập lụt, tạo ra tình huống lũ chồng lũ ở hạ lưu.
Biến động mùa nước nổi Đồng bằng sông Cửu Long
Nằm cuối lưu vực sông Mekong, tiếp giáp với biển, 90% lượng nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là từ thượng nguồn chảy về. Lượng nước này phụ thuộc vào lượng mưa ở các quốc gia trong lưu vực gồm: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, và Campuchia.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu những năm gần đây, lượng mưa trong lưu vực biến động mạnh giữa các năm theo chu kỳ ENSO (El Nino Southern Oscillation - dao động Nam El Nino). Đây là chu kỳ thời tiết khí hậu lặp lại khoảng 2-7 năm. Theo đó, năm nào có pha nóng El Nino thì mưa ít, năm nào ENSO trung tính thì mưa bình thường, còn năm nào La Nina sẽ mưa nhiều.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL và sông Mekong, cho biết, ENSO là chu kỳ khí hậu tự nhiên, nhưng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày nay thì El Nino và La Nina cực đoan xuất hiện thường xuyên hơn. Gần đây chúng ta đã chứng kiến các sự kiện El Nino cực đoan như mùa mưa năm 2015 và 2019. El Nino cực đoan làm cho lượng mưa rất ít, nước sông Mekong rất thấp trong mùa mưa, kéo theo sự cạn kiệt trong mùa khô kế tiếp năm 2016 và 2020.
Năm 2024, El Nino nắng nóng, cực đoan xuất hiện trong mùa khô và lấn sang nửa đầu mùa mưa làm cho lượng mưa đầu mùa 2024 thấp hơn trung bình. Vì lẽ đó, mùa nước nổi năm nay đến rất muộn.
Đến đầu tháng 10, mực nước ở Tân Châu, Hồng Ngự mới lên mức trung bình, một phần nhờ có lượng nước của cơn bão Yagi đổ trên đất Lào, Đông bắc Thái Lan, Myanmar theo dòng Mekong xuôi về ĐBSCL.
Trong bối cảnh đó, các đập thủy điện Mekong càng làm cho tình hình phức tạp thêm. Sự vận hành các đập thủy điện tạo ra các tình huống khác nhau cho ĐBSCL.
Đối với đa số các năm có lượng mưa trung bình, vào đầu mùa mưa, nước mưa sẽ bị chứa trong các hồ cho đầy trước. Khi các hồ đầy, nước mới chảy về hạ lưu. Do đó, ngày nay mùa nước nổi luôn bị muộn hơn từ 2 tuần đến một tháng so với tự nhiên trước đây.
Như năm nay, mùa nước nổi về muộn cũng một phần vì các đập thủy điện tích cực lấy nước mưa đầu mùa vào hồ. Đến đầu tháng 10, 55 đập chính trong lưu vực đã tích gần đầy, được 45 tỷ m3, so với 37 tỷ m3 cùng kỳ năm ngoái.
Năm nào có El Nino cực đoan mưa ít, mực nước thấp khiến các đập thủy điện không đủ độ sâu để chạy tua bin phát điện (cần khoảng 22m sâu) nên đập phải đóng lại chờ đủ nước mới xả ra phát điện. Đập trên đóng buộc đập dưới phải chờ, đập kế tiếp cũng chờ.
Nước đi qua chuỗi đập rất lâu. Tình huống này đã xảy ra mùa khô năm 2016 và 2020, khi bên dưới khô hạn khiến các đập thủy điện càng làm chậm đường đi của nước.
"Trong tình huống khô hạn cực đoan này việc ngăn mặn ven biển ở ĐBSCL là vô ích vì ngăn mặn từ biển vào thì bên trong cũng không có nước. Cách tốt nhất với tình huống này là dịch chuyển mùa vụ để né hạn thay vì đối đầu", theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện.
Những hệ lụy của sự biến động nguồn nước ở ĐBSCL
Thạc sĩ Thiện đánh giá, sự biến động của nguồn nước sông Mekong gây ra hàng loạt hệ lụy cho ĐBSCL về mọi mặt.
Với những năm có lượng mưa bình thường, thủy điện lấy nước trữ vào hồ để sang mùa khô phát điện làm giảm mực nước mùa nước nổi và tăng dòng chảy mùa khô lên 20-30%. Điều này giảm hạn, mặn vùng ven biển ĐBSCL nhưng làm cho hệ sinh thái tự nhiên của dòng sông bị rối loạn vì tín hiệu của dòng sông bị thay đổi.
"Tôm, cá không còn nhận tín hiệu rõ của dòng sông, biết lúc nào di cư ngược dòng để sinh sản. Việc làm giảm dòng chảy mùa nước làm dòng sông yếu đi, không tải nổi cát về nữa, phù sa về cũng ít, ảnh hưởng nặng nề đến dinh dưỡng đất đai, thiếu cát và phù sa gây sạt lở khắp nơi", thạc sĩ Thiện chia sẻ.
Với những năm hạn cực đoan, mặn lấn sâu vào đất liền, thủy sản trong lưu vực không có nơi sinh sản. Do đó, đến mùa nước nổi thủy sản về cũng ít. Một năm khô hạn, sau đó cần nhiều năm có đủ nước tôm cá tự nhiên mới phục hồi được.
Theo ông Thiện, lâu nay chúng ta trải qua nhiều lần El Nino cực đoan gây hạn, mặn nhưng không nên quên ở phía ngược lại. La Nina cực đoan có thể xảy ra trong thời gian tới đây.
Khi La Nina mưa nhiều gây ngập lụt khắp nơi, các đập thủy điện quá đầy sẽ xả khẩn cấp vì an toàn đập, tạo ra tình huống lũ chồng lũ ở hạ lưu. Khi đó, ở ĐBSCL càng có nhiều đê bao khép kín thì sự tàn phá của lũ dữ dội hơn vì nước không có không gian lan tỏa sẽ trở nên hung hãn, tức nước vỡ bờ.
Giải pháp để thích ứng với tình hình mới
"Giải pháp cho ĐBSCL đối với tình hình mới đã có và rất tốt nữa. Từ năm 2017, Chính phủ đã triệu tập một diễn đàn chưa từng có để bàn quyết sách cho ĐBSCL, gọi là Hội nghị Diên Hồng về ĐBSCL. Sau đó Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 với tinh thần thuận thiên xem nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên, chuyển hướng nền nông nghiệp từ thuần túy chạy theo số lượng sang chất lượng.
Trong đó sắp xếp lại ưu tiên nông nghiệp từ lúa - cây trồng khác - thủy sản sang thủy sản - cây trồng khác - lúa, tức là cây lúa không còn ưu tiên một mà thu nhập người dân mới là ưu tiên", chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.
4 năm sau, Chính phủ đã cho soạn thảo Quy hoạch tích hợp ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120 và Luật quy hoạch 2017. Quy hoạch này đã được Thủ tướng công bố cuối năm 2022 tại Cần Thơ.
Quy hoạch tích hợp ĐBSCL với tư duy mới, tầm nhìn mới, tận dụng cơ hội mới đã chia làm 3 vùng với ký hiệu là vùng N (ngọt), L (lợ), và M (mặn). Ba vùng này lại được chia nhỏ thành 14 tiểu vùng. Trong đó, vùng N là vùng luôn luôn có nước ngọt. Điều này đã được chứng minh qua các năm khô hạn cực đoan. Vùng này ưu tiên phát triển hệ thống canh tác nước ngọt như lúa, cây ăn trái, thủy sản nước ngọt.
Vùng L là vùng trước đây trong tự nhiên có nước ngọt vào mùa mưa và nước lợ vào mùa khô khi nước mặn pha với nước ngọt thành nước lợ. Còn vùng M là vùng mặn quanh năm thì ưu tiên cho hệ thống canh tác nước mặn.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, vùng L hiện nay tồn tại rất nhiều đại công trình ngọt hóa theo tư duy chống thiên nhiên, chống nước lợ, ưu tiên cây lúa trước đây. Quy hoạch tích hợp đề ra tầm nhìn sau 2030 sẽ chuyển các vùng ngọt hóa này trở lại điều kiện ngọt - lợ luân phiên theo tự nhiên.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi hệ thống canh tác ở các vùng ngọt hóa này sẽ không dễ dàng vì người dân không đủ nguồn lực để chuyển đổi. Do đó, để chuyển đổi được theo quy hoạch thì Nhà nước cần có một chương trình lớn để hỗ trợ người dân trong một thời gian tương đối dài từ nay đến 2030.
"Định hướng quy hoạch là như thế, nhưng cho đến nay gần như chưa có sự chuẩn bị nào cho việc thực hiện tư duy mới của Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đối với vùng L. Trong bối cảnh ngày nay nếu không chuyển đổi theo định hướng đúng đắn của quy hoạch tích hợp thì về lâu dài vẫn sẽ phải chuyển đổi và phải trả giá đắt hơn khi thiên nhiên lên tiếng", Thạc sĩ Thiện nêu ý kiến.
Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, trong những năm gần đây, các vùng ngọt hóa đã bộc lộ hàng loạt vấn đề. Đơn cử trong mùa khô năm 2024, khi sông Mekong không hề cạn kiệt nhưng vùng ven biển lại hạn gay gắt vì ngăn mặn.
Trong mùa khô năm 2020, 2 vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) và Trần Văn Thời (Cà Mau) bị khô hạn dữ dội gây xẹp tầng đất mặt, hư hại đường xá nhà cửa. Mùa khô năm 2024 vùng ngọt hóa Trần Văn Thời lại một lần nữa bị khô hạn, sụt lún và vùng Hồng Dân (Bạc Liêu) trong vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau cũng bị sụt lún.
Nếu thực hiện đúng phân vùng theo Quy hoạch tích hợp ĐBSCL và tinh thần Nghị quyết 120 xem nước mặn, nước lợ đều là tài nguyên thì nước mặn không còn là vấn đề nữa mà là cơ hội kinh tế. Mỗi mùa khô đến ĐBSCL không còn bị ám ảnh bởi hạn mặn nữa.
Một khi đã chuyển đổi hệ thống canh tác ở vùng L (vùng lợ) thuận theo mùa tự nhiên thì vấn đề còn lại là giải quyết nước sinh hoạt cho người dân vùng này. Việc thiếu nước sinh hoạt ở vùng L đã lặp lại nhiều lần mỗi khi có hạn gay gắt cần phải có chuẩn bị, không thể trông chờ vào lòng tốt cứu trợ của cộng đồng mãi được.
"Giải quyết nước sinh hoạt có 2 cách là dùng kinh nghiệm truyền thống do người dân tự làm và cách hiện đại do Nhà nước làm. Người dân có thể trữ nước mưa trong lu, ao, mương để sang mùa khô sử dụng như cách ông bà ta xưa làm ở vùng này. Những việc nào gia đình và cộng đồng không thể làm thì cần Nhà nước thực hiện như hệ thống đường ống cấp nước nơi nào gần nguồn nước ngọt, hệ thống ao hồ trữ nước ngọt, công nghệ màng lọc nano, bốc hơi nước biển, nhà máy lọc nước biển", Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nêu giải pháp.