Người miền Tây kéo nhau đi tắm, ngồi liên hoan giữa cánh đồng nước nổi
(Dân trí) - Đầu mùa nước nổi, hàng trăm người dân ở xã Vĩnh Lộc (tỉnh An Giang) rủ nhau đi tắm đồng khi lũ về. Những "bãi tắm" xuất hiện khoảng 3 tháng, thu hút rất đông người dân đến vui chơi vào mỗi buổi chiều.
Suốt 2 tuần nay, cứ đến tầm 16-18h trên bờ kênh Vĩnh Lộc (đoạn qua cống Bùn Rền thuộc ấp Vĩnh Lợi, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang) có hàng trăm người dân từ khắp nơi đổ về tắm đồng mùa nước nổi.
Tắm đồng được xem là một trong những hoạt động đặc sắc mùa nước nổi ở miền Tây và thường chỉ diễn ra từ tháng 8 đến tháng 10 Âm lịch, khi nước sông Mê Kông đổ về gây ngập những cánh đồng vùng biên giới phía Tây (An Giang). Các "bãi tắm" từ đó được hình thành.
Cứ chiều về, xung quanh cống Bùn Rền, có hàng trăm người dân địa phương đổ về, mang theo áo phao, đồ bơi, háo hức tắm gội trên "bãi tắm" chỉ xuất hiện không quá 3 tháng.
Đưa con gái 2 tuổi ra bờ kênh Vĩnh Lộc tắm, ông Bùi Thanh Phùng (48 tuổi, ngụ An Phú) hào hứng: "Tôi làm phụ hồ khoảng 5h chiều về, còn con gái tôi đi học về thì ở nhà đợi. Cháu nó rất mong, thấy các cháu ở xóm đều ra đây tắm nên cả ngày chỉ trông cha về để chở ra đây tắm".
Để đảm bảo an toàn, ông Phùng mua một chiếc áo phao mới toanh rồi mặc vào cho con. Còn mình ngồi trên bờ quan sát, hễ thấy con gái bơi ra khu vực nước ngập sâu, người cha này lại lên tiếng nhắc nhở con quay lại gần bờ.
Một gia đình còn chọn nơi ngập nước vừa phải, có phần đất chắc chắn để đặt bàn ghế tổ chức ăn uống trên cánh đồng nước nổi.
Thông thường, hoạt động tắm đồng sôi nổi từ tháng 9-10 Âm lịch, khi mực nước đứng và chờ rút. Đây được xem là thời điểm tắm đồng thuận lợi nhất vì nước trong, mực nước có độ sâu khoảng 2m.
Các em nhỏ hào hứng tìm đến "bãi tắm" trên ruộng mùa nước nổi sau mỗi giờ tan học, nhiều em nhà khá xa bãi tắm nhưng bố mẹ vẫn đưa đến để tập bơi, vui chơi.
Sau giờ tan học, em Nguyễn Thị Ngọc Yến (17 tuổi, ở giữa) cùng nhóm bạn thân đi xe đạp hơn 4km từ trường đến bờ kênh Vĩnh Lộc để tắm đồng. Yến cho biết, hoạt động này giúp em giải tỏa căng thẳng sau những giờ học tập kéo dài trên lớp.
"Nước ở đây ngập đến lưng em, năm nay nước lên chậm hơn các năm trước. Em thấy người dân cũng ra tắm sớm hơn mọi năm", Ngọc Yến nói.
Tại các "bãi tắm" còn có điểm bán đồ ăn vặt, nước uống phục vụ người dân. Đây không chỉ là nơi để tắm, mà nó trở thành địa điểm vui chơi, hóng mát buổi chiều của người dân địa phương mỗi dịp nước tràn đồng.
Ông Đào Văn Phi - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc cho biết, địa phương đã và đang tuyên truyền cho người dân tuyệt đối phải mang áo phao, trẻ em phải có người lớn giám sát khi tắm đồng.
"Công an xã và các lực lượng chức năng thường xuyên có mặt tại khu vực này để vận động người dân đảm bảo an toàn, phòng tránh tai nạn đuối nước. Đặc biệt không trèo lên đỉnh cống để nhảy xuống", ông Phi nói.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND xã Vĩnh Lộc còn cử lực lượng rào chắn các thang bộ dẫn lên cống Bùn Rền, không để người dân lên cống lấy đà nhảy xuống nước, nguy hiểm tính mạng.
Chính quyền xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú, tỉnh An Giang) kêu gọi người dân không tổ chức tắm đồng mùa lũ ở khu vực vắng người, nước xiết, có thể xảy ra tai nạn đuối nước bất cứ lúc nào. Công an xã Vĩnh Lộc cũng đã bố trí lực lượng trực, tuần tra nhắc nhở người dân, đồng thời cảnh báo các điểm ngập sâu trên địa bàn.