Siêu thị dã chiến không có người bán, khách mua tự giác trả tiền ở TPHCM
(Dân trí) - Một siêu thị dã chiến mini, không có nhân viên bán hàng, người mua tự chọn hàng hóa, sau đó tự giác thanh toán bằng cách bỏ tiền vào hộp để tránh tiếp xúc.
Trong những ngày siết chặt giãn cách xã hội, Sở Công Thương TPHCM phối hợp với doanh nghiệp triển khai mô hình "Cửa hàng tự động - thanh toán không tiếp xúc" tại các khu dân cư. Ngày 26/8, một lều dã chiến được dựng trước chung cư Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh để cung ứng thực phẩm cho người dân.
Sáng sớm mỗi ngày, các nhân viên của siêu thị không người bán vận chuyển hàng từ xe tải vào sắp xếp vào bên trong lều dã chiến. Các sản phẩm được phân loại, sắp xếp lên các kệ.
Hàng hóa ở cửa hàng không người bán khá đa dạng từ rau củ, thịt cá, đồ khô... đóng gói thành các combo, hiện nay cửa hàng có khoảng 7 combo các loại và khách được chọn theo combo với giá từ 120.000 đến 360.000 đồng.
Siêu thị dã chiến có diện tích khoảng 30 m2, hàng hóa đặt theo kệ tạo thành 2 lối đi để người mua di chuyển một chiều. "Trong thời gian TPHCM siết chặt giãn cách, chúng tôi phát triển mô hình này với mục đích liên kết với các phường hỗ trợ đi chợ hộ người dân. Cửa hàng không người bán nhỏ gọn nên có thể đi đến từng cụm dân cư, sử dụng hình thức thanh toán không tiếp xúc đảm bảo phòng chống dịch", Ông Nguyễn Hoàng Nhã, đại diện chuỗi cửa hàng cho biết.
Trung tâm điều khiển đặt cách cửa hàng 10 mét, các nhân viên chia ca làm việc bằng 2 màn hình máy tính kết nối camera, micro nói chuyện để trao đổi với khách hàng.
Khi đến cửa hàng, người đi mua thực phẩm sẽ trao đổi với các nhân viên thông qua màn hình máy tính để được tư vấn, hỗ trợ lựa chọn các combo phù hợp.
Bảo vệ dân phố Nguyễn Thành Đạt lựa chọn các gói combo rau củ 3 kg với giá 120.000 đồng. "Tôi đi mua hộ cho các hộ dân trong khu phố, cửa hàng đóng gói sẵn các gói từ nhỏ tới lớn nên tùy theo nhu cầu của các hộ dân tôi lựa chọn đủ cho họ dùng trong vài ngày, khi nào hết lại tiếp tục mua", bảo vệ dân phố này nói.
Sau khi lựa chọn xong hàng hóa, người mua đến quầy tính tiền đưa sản phẩm lên camera để nhân viên bán hàng quan sát và báo giá.
Người mua hàng theo dõi nhân viên tính tiền qua màn hình máy tính, nhận hóa đơn kiểm tra trước khi thanh toán. Dự kiến, cửa hàng không người bán cung cấp khoảng 4 tấn hàng hóa mỗi ngày, đảm bảo cung ứng kịp thời nguồn thực phẩm đến người dân. Theo đại diện cửa hàng, điểm bán này có thể giải quyết gần 300 đơn mỗi ngày, nhưng đang gặp khó khăn trong việc đi lại của nhân viên trong thời gian giãn cách, sau khi có đầy đủ giấy tờ đi đường thì số đơn bán sẽ tăng cao hơn.
Sau khi đã kiểm tra đầy đủ hóa đơn, xác nhận đồng ý thanh toán, người mua hàng sẽ tự động bỏ tiền vào hộp ở quầy thanh toán. "Tôi thấy hình thức này rất tiện, vừa gần khu dân cư lại dễ thanh toán, mua vài combo ăn được cả tuần, khi nào hết có thể mua tiếp", chị Thắm (ngụ phường 19) cho biết.
Cửa hàng hoạt động từ 8h sáng đến 17h chiều hằng ngày. Hiện tại, có 2 cửa hàng không người bán đặt tại số 169 Cô Bắc, Quận 1 và 79 Phạm Viết Chánh, quận Bình Thạnh.