1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Sẵn sàng cho ngày hội non sông

(Dân trí) - Ngày 20/5, công tác chuẩn bị bầu cử ĐBQH và HĐND tại TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam đã hoàn tất, sẵn sàng cùng cả nước bước vào ngày hội toàn dân tham gia bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Những ngày này, đi trên các tuyến đường của TPHCM, từ trung tâm (Q.1, Q.3, Q.5)... đến các quận huyện ngoại thành (Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ...), đâu đâu cũng rợp bóng cờ phướn, băng rôn, tranh ảnh tuyên truyền cho ngày bầu cử 22/5.
 
Sẵn sàng cho ngày hội non sông - 1
Đẩy mạnh tuyên truyền bầu cử bằng tranh cổ động (Ảnh: Công Quang)

Dọc đường Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (ngay trước trụ sở UBND TPHCM, Q.1) các baner, tranh cổ động được treo bắt mắt. Ngay cả các hẻm nhỏ như hẻm 243, Ngô Tất Tố (P.22, Bình Thạnh), hẻm 198 Đinh Tiên Hoàng (P.Đa Kao, Bình Thạnh)... danh sách ứng cử viên và danh sách cử tri tham gia bầu cử cũng được niêm yết công khai, trang trọng. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trước, trong và sau bầu cử được thắt chặt.

Bà Phùng Thị Chính (50 tuổi, ngụ P.1, Bình Thạnh) hồ hởi: “Nhờ công tác tuyên truyền trực tiếp tại các buổi họp tổ dân phố, qua báo, đài... nên người dân chúng tôi thấy được tầm quan trọng của từng lá phiếu. Tôi sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để chọn mặt gửi vàng đối với ứng cử viên mà tôi tin tưởng nhất. Bà con ở đây ai cũng hồ hởi mong đến ngày cầm lá phiếu đi bầu...”.

Khảo sát thực tế công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử sắp tới tại Q.5, chúng tôi nhận thấy được niềm hồ hởi, phấn chấn và sự tất bật của những cán bộ và người dân nơi đây. Toàn quận 5 hiện có 15 phường với 90 điểm bỏ phiếu và 267 thùng phiếu đã sẵn sàng cho ngày bầu cử. Các đường truyền mạng nội bộ và hộp thư điện tử 15 phường cùng được thường xuyên kiểm tra, đảm bảo thông suốt để phục vụ cho công tác bầu cử.

Ông Sử Ngọc Anh, Chủ tịch UBND quận, kiêm Trưởng Ban bầu cử quận 5 cho biết, tính đến nay, toàn quận đã hoàn tất việc phát thẻ cử tri và các khâu chuẩn bị đã đâu vào đấy. Tất cả đang sẵn sàng cho ngày hội lớn.
 
Sẵn sàng cho ngày hội non sông - 2
Băng rôn rợp các tuyến đường (Ảnh: Công Quang)

Những ngày qua, cùng với các hoạt động văn hóa - văn nghệ cổ động, tại các khu vực quận, huyện của TPHCM cũng phát động các phong trào thi đua, kiểm tra công tác bầu cử, tập huấn kỹ năng và nghiệp vụ về công tác bầu cử, đồng thời thực hiện các hoạt động cổ động trực quan, diễu hành cổ động cho bầu cử.

Ông Dương Quan Hà, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM cho biết, tính đến nay, tất cả các công việc liên quan đến bầu cử đã được thực hiện, đảm bảo đúng theo pháp luật và dân chủ. Các khâu tổ chức tiếp xúc của các ứng viên với cử tri, công tác giám sát của mặt trận; công tác tuyên truyền trong tầng lớp nhân dân về mục đích ý nghĩa của bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cũng đã được tổ chức sâu rộng xuống các cơ sở phường, xã, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng, đóng góp tâm huyết của nhân dân và cử tri thành phố.

Không riêng gì TPHCM, các tỉnh thành khác thuộc khu vực phía Nam như Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Long An, Bình Dương, Lâm Đồng... cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho ngày bầu cử. Tại các địa phương này hầu như đã tổ chức xong hoạt động tiếp xúc cử tri cho các ứng viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Không chỉ cử tri là nhân sĩ, trí thức, phụ nữ, các lực lượng vũ trang... mà bà con các tín đồ tôn giáo trên địa bàn cũng hoan hỉ mừng ngày hội toàn dân đi bầu. Các hoạt động tuyên truyền, vận động bầu cử; tập huấn về cách tổ chức bầu cử tại các điểm bầu cử cho cán bộ, nhân viên, các lực lượng phối hợp bảo vệ bầu cử được thực hiện sâu rộng đến tận các cơ sở vùng sâu, vùng xa. Công tác tuyên truyền bầu cử đã được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường... 
 
Sẵn sàng cho ngày hội non sông - 3
Các tỉnh, thành phía Nam đã sẵn sàng cho ngày hội non sông (Ảnh: Công Quang)
 
Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch HĐND kiêm Phó Ban bầu cử tỉnh An Giang cho biết, hiện tỉnh đã hoàn thành cơ bản công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử; công tác kiểm tra giám sát, kiểm tra các khu vực bầu cử được tăng cường.
 
Thanh Hóa - một tỉnh miền Trung - cho đến hôm nay cũng đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử. Mường Lát dù là một huyện vùng cao biên giới song không khí trước ngày bầu cử khá sôi động. Dọc khắp các tuyến đường từ bản làng đến các cơ quan, công sở, trường học rực màu cờ Tổ quốc, băng rôn, khẩu hiệu chào mừng ngày hội lớn của toàn dân. Nhiều cử tri huyện Mường Lát đã lặn lội vượt hàng chục cây số đường rừng để đến hội nghị tiếp xúc cử tri, nói lên nguyện vọng của mình với các ứng cử viên.

Cử tri Vi Thanh Dũng, xã Tén Tằn (Mường Lát) chia sẻ: “Tôi tin tưởng và yên tâm về các ứng cử viên. Qua các ứng cử viên, tôi mong muốn kiến nghị tới đây, Nhà nước sẽ quan tâm đầu tư xây dựng giao thông, trường học, trạm y tế và đưa điện lưới… về với bản làng nhiều hơn nữa cho bà con nhân dân huyện Mường Lát chúng tôi”.
 
Sẵn sàng cho ngày hội non sông - 4
Bà con các dân tộc huyện Quan Hóa đang nghiên cứu để "chọn mặt gửi vàng"

Là huyện biên giới, điều kiện địa hình đi lại rất khó khăn, có những nơi cách xa trung tâm xã hàng chục km, nhưng đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Huyện Mường Lát cũng đã chỉ đạo các cơ quan công an, quân sự huyện xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, an toàn để ngày bầu cử diễn ra an toàn tuyệt đối.

Ông Trịnh Đình Thắng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Mường Lát cho biết: “Toàn huyện có 72 tổ bầu cử với gần 20.000 cử tri. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đã được hoàn tất và các cử tri sẵn sàng cho ngày bầu cử”.
 
Tại huyện Quan Hóa, tiếng loa truyền thanh tuyên truyền bầu cử râm ran nơi phố núi. Hầu hết ý kiến, nguyện vọng của cử tri Quan Hóa tập trung vào việc mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để nâng giá trị các sản phẩm từ cây luồng, có chính sách hỗ trợ bảo vệ phát triển rừng, nâng cao đời sống đồng bào.

Cử tri Hà Thị Xuân, xã Phú Nghiêm (Quan Hóa) bày tỏ: “Với bà con chúng tôi, cây luồng là cây trồng mũi nhọn, nhưng để giúp bà con làm giàu được từ cây luồng thì mong Quốc hội có chính sách đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông và chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng luồng, hỗ trợ các doanh nghiệp để họ đến với chúng tôi”.
 
Sẵn sàng cho ngày hội non sông - 5
Hướng dẫn bà con xem danh sách các ứng cử viên
 
Sẵn sàng cho ngày hội non sông - 6
Học sinh huyện Bá Thước hưởng ứng ngày bầu cử (Ảnh: Đức Đỗ)
 
Còn tại huyện miền núi Quan Sơn, không khí cũng đã sổi động hơn từ nhiều ngày qua. Bà con đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Mông ở nhiều địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Các chiến sĩ Bộ đội biên phòng ở Đồn biên phòng cửa khẩu Quốc tế Na Mèo cũng bận rộn hơn với các phương án tăng cường bảo vệ trật tự an ninh vùng biên dịp trước, trong và sau bầu cử.

Nguyện vọng của cử tri huyện Quan Sơn là mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa để cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông và các công trình thủy lợi nhỏ, cải thiện thu nhập từ vườn rừng, hướng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ đời sống của cán bộ bán chuyên trách ở xã, thôn bản, giải quyết việc làm cho sinh viên miền núi...

Sẵn sàng cho ngày hội non sông - 7
Bà con bản Bôn, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn treo cờ hưởng ứng bầu cử (Ảnh: Duy Tuyên)

Cử tri Phạm Thi Cẩm, thị trấn Quan Sơn (Quan Sơn) tha thiết: “Chúng tôi mong các vị đại biểu nếu trúng cử sắp tới sẽ kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa vấn đề nước sạch vệ sinh môi trường. Ngoài ra, cần quan tâm đến trường, lớp kiên cố cho các cháu học tập, có nhiều trạm y tế. Đường đi cũng rất cần được đầu tư, bây giờ nhiều bản ô tô chưa vào được. Có bản có đường ô tô vào nhưng khi trời mưa thì không đi được”.

Còn tại thành phố Thanh Hóa, không khí bầu cử đã thật sự rộn rã.
 
Sẵn sàng cho ngày hội non sông - 8
Đường phố Thanh Hóa được trang hoàng chuẩn bị cho ngày bầu cử (Ảnh: Duy Tuyên)

Qua các cuộc tiếp xúc với các ứng cử viên, hầu hết ý kiến của các cử tri tập trung bày tỏ mong muốn những chính sách đối với người cao tuổi, người có công và vấn đề vệ sinh môi trường đang là những vấn đề cử tri quan tâm.

Xuôi xuống các huyện ven biển và vùng bãi ngang của tỉnh Thanh Hóa, không khí khác hơn so với những ngày thường, ngoài những dụng cụ đi biển hàng ngày, trên các tàu thuyền của ngư dân còn phấp phới màu cờ Tổ quốc và họ ra khơi những ngày này mang theo những tâm tư nguyện vọng về sự quan tâm của Nhà nước đối với bà con ngư dân.   
 
Sẵn sàng cho ngày hội non sông - 9
Những ngày này bà con ngư dân vùng ven biển cũng đang háo hức chờ ngày bầu cử (Ảnh: Lan Anh)
 
Để đảm bảo công tác bầu cử được diễn ra an toàn, Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã tăng cường hơn 300 cán bộ chiến sĩ thuộc các phòng nghiệp vụ xuống cơ sở bảo vệ bầu cử. Đồng thời tổ chức diễn tập phương án xử lý tình huống gây rối, gây bạo loạn, bắt cóc con tin bảo vệ bầu cử.
 
Về Hà Tĩnh những ngày này, đường về giáo xứ Vĩnh Phước xã Cẩm Phúc (huyện Cẩm Xuyên) cũng ngập tràn cờ đỏ, pa nô cổ động bầu cử. Vừa xem danh sách các ứng cử viên, linh mục Thân Văn Chất - quản xứ Vĩnh Phước, quản hạt Cẩm Xuyên - phấn chấn: “Đồng bào vùng giáo bây giờ có ý thức cao về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bầu cử, tham gia và có những ý kiến sát thực trong các hội nghị tiếp xúc giữa cử tri và các ứng cử viên”.
 
Ngoài giáo xứ Vĩnh Phước huyện Cẩm Xuyên còn có 6 xứ đạo khác, 14 họ đạo và hơn 14.000 nhân khẩu. Xác định đồng bào công giáo chủ yếu sống ở các thôn xóm vùng xa, trong đó có số đông làm nghề đi biển, trình độ dân trí không đồng đều, Ban dân vận huyện uỷ, cấp uỷ Đảng, chính quyền các xã, thị trấn có đồng bào theo đạo đã tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú đa dạng. 
 
Sẵn sàng cho ngày hội non sông - 10
(Ảnh: Hồng Phượng - Văn Dũng) 
 
Ông Lâm Xuân Len - Bí thư Đảng uỷ xã Cẩm Lộc - cho biết: “xã Cẩm Lộc có hơn 52% đồng bào theo đạo Thiên Chúa, đời sống bà con ở đây còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa cao, nhưng chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc với linh mục, ban hành giáo để tuyên truyền về ngày bầu cử, tăng cường tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, lồng ghép tuyên truyền bầu cử trong các sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức đoàn thể, nên bà con giáo dân ở đây đang hào hứng chờ đón ngày bầu cử”.
 
Sẵn sàng cho ngày hội non sông - 11
Ngư dân Cẩm Xuyên nô nức cổ động ngày bầu cử (Ảnh: Hồng Phượng - Văn Dũng)
 
Sẵn sàng cho ngày hội non sông - 12
Linh mục Thân Văn Chất, quản xứ Vĩnh Phước, quản hạt Cẩm Xuyên xem danh sách ứng cử viên (Ảnh: Hồng Phượng - Văn Dũng)
 
Ông Nguyễn Như Tâm ở giáo xứ Mỹ Hoà, xã Cẩm Hoà nói: “Bà con giáo dân của chúng tôi ở đây nhận thức rất rõ trách nhiệm của mình, đi bầu cử là nghĩa vụ của công dân đối với đất nước và đó cũng chính là thể hiện “kính chúa yêu nước” của chúng tôi và như lời Đức giáo hoàng đã nói “Một tín hữu công giáo tốt cũng là một công dân tốt”, chúng tôi rất kỳ vọng, tin tưởng vào các ứng cử viên đại biểu lần này”. 
 

Kiên Giang: Một xã  của huyện đảo Phú Quốc bầu cử sớm

 

Sáng nay 20/5, người dân xã Thổ Châu (huyện đảo Phú Quốc) tiến hành đi bầu cử. Xã Thổ Châu là xã đảo xa nhất của tỉnh Kiên Giang, cách trung tâm huyện Phú Quốc trên 150 km về phía Tây Nam. Xã này có khoảng 500 hộ dân với trên 2.000 nhân khẩu. 

 

Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Kiên Giang, sẽ có 5 khu vực bỏ  phiếu ở xã đảo Thổ Châu với 1.175 cử tri, trong đó bao gồm lực lượng biên phòng bầu để ĐBQH và ĐB HĐND các cấp. 

 

Giao thông đi lại ở xã Thổ Châu gặp nhiều khó khăn, 5 ngày mới có một chuyến tàu từ xã đảo về trung tâm huyện Phú Quốc và 7 ngày mới có chuyến tàu về thẳng đất liền. Vì thế, người dân xã Thổ Châu đi bầu cử sớm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp công tác bầu cử diễn ra đúng thời gian quy định. (Huỳnh Hải)

Nhóm PV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm