1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hồ Chủ tịch: “Tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định”

(Dân trí) - Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của dân tộc.

Ngày 8/9/1945, đúng một tuần sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14 triệu tập Quốc dân đại hội và quy định những nét lớn về tổ chức bầu cử Quốc hội.

 

Ngày 16/9/1945, Hồ Chủ tịch chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ thông qua Sắc lệnh Tổng tuyển cử và ấn định ngày Tổng tuyển cử là ngày 23/12/1945.
 
Hồ Chủ tịch: “Tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định” - 1

Bức ảnh ghi lại cảnh Bác Hồ tận tay bỏ lá phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960

 

Để công việc chuẩn bị được chu đáo hơn, Hội đồng Chính phủ đã quyết định hoãn cuộc Tổng tuyển cử đến ngày 6/1/1946. Ngày 17/10/1945, Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh ấn định thể lệ Tổng tuyển cử. Trên báo Cứu quốc lúc bấy giờ có đăng kiến nghị của đồng bào ngoại thành Hà Nội về việc cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử và suy tôn cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch vĩnh viễn nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Cũng trong thời gian đó, Bác Hồ nhận được điện của nhân dân Nghệ An mời về ứng cử ở tỉnh nhà. Một số tỉnh khác cũng có nguyện vọng như thế, Bác Hồ đã viết một bức thư trả lời chung: “Tôi rất cảm động được đồng bào quá yêu mà đề nghị tôi không phải ra ứng cử, đồng bào các nơi khác cử tôi vào Quốc hội. Nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định! Tôi ra ứng cử ở Hà Nội, nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa.

 

Xin cảm tạ các đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”.

 

Sáng ngày 5/1/1946, các báo đều đăng lời kêu gọi quốc dân đi bầu cử của Bác Hồ.

 

“... Ngày mai, mồng 6/1/1946, ngày mai là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ.

 

Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.

 

Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: về mặt quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.

 

Ngày mai, dân ta sẽ lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước.

 

Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.

 

Những người trúng cử sẽ  phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng...”

 

Chiều ngày 5/1/1946, tại buổi lễ ra mắt của các ứng cử viên trước các đoàn thể nhân dân Hà Nội tại khu học xá, Bác Hồ thay mặt các ứng cử viên phát biểu ý kiến:

 

“... Vừa rồi đây, ta vừa tranh được độc lập. Một số người, một số ít thôi, đã quên cái khó nhọc của dân chúng. Ta phải hy sinh nhiều mới có cái quyền cầm lá phiếu ngày nay đó. Cụ Phan Đình Phùng, cụ Hoàng Hoa Thám đã khó nhọc vì cái quyền dân chủ ấy lắm. Biết bao người đã bị bắn, bị chém, đã đeo cái tên chính trị phạm và bị nhốt đầy các nhà từ Sơn La, Côn Đảo, Buôn Ma Thuột mới đòi được cái quyền dân chủ ngày nay...”

 

Phát biểu xong, Bác quay sang phía các ứng cử viên nhắc nhở: “... Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ đến lợi chung...”.

 

Nhìn về phía các cử tri, Bác nói: “Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ của mình...”.

 

Bác vừa dứt lời thì tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô vang lên như sấm dậy.

 

Từ đó đến nay, đã là 65 năm ròng rã trôi qua (6/1/1946 - 2011) nhưng những lời dạy của Bác Hồ vẫn còn văng vẳng bên tai các cử tri trong ngày 22/5/2011, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII này.

 

Phạm Thành Nghi (sưu tầm)