1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Giải phẫu" PMU 112:

“Rút ruột” tiền tỷ từ đề án 112

(Dân trí) - Quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đình Thuần được đọc ngay tại gia đình “nhân vật” này nêu rõ, bị can đã ký hơn 20 hợp đồng trái quy định trong việc in ấn tài liệu triển khai đề án 112.

>> Tạm giam nguyên Phó Chủ nhiệm VP Chính phủ

Nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm khi kê giá cao sơn so với thực tế số phần mềm mua cho đề án. Gần chục tỉ đồng đã được “nâng khống” để chia “hoa hồng” cho những người thực hiện…

Chi phí in tài liệu lên đến tiền tỉ

Theo yêu cầu điều tra, cơ quan công an sẽ tập trung làm rõ một số tài liệu thu giữ được về việc in ấn sách, giáo trình tập huấn tin học trong đề án 112. Thông tin ban đầu cho thấy việc in ấn, mua bản quyền phần mềm tin học đã được đẩy “thượng” lên hơn 3 tỉ đồng.

Chuyên viên Văn phòng Chính phủ - Thư ký Ban điều hành Đề án 112 Lương Cao Sơn hiện mang “nghi án” là người đã tham mưu cho Trưởng ban Vũ Đình Thuần hợp đồng in sách với Nhà xuất bản Tư pháp và Tổng công ty phát hành sách. Theo đó, ông Thuần đã ký hơn 20 hợp đồng với hai đơn vị được “quy hoạch” này với tổng giá trị hơn 9 tỉ đồng.

Giám đốc Nhà xuất bản Tư pháp Nguyễn Đức Giao sau khi “lọt mắt” bên chi tiền, nhận hợp đồng lại “bán cái” cho các đơn vị khác (cả nhà xuất bản khác và cơ sở tư nhân) thực hiện việc in ấn. Với “chiêu” bán lại hợp đồng, NXB Tư pháp đã “ăn không” 800 triệu đồng.

Giá trị các hợp đồng theo đánh giá ban đầu đã “thượng” lên khoảng 30%.

Các lãnh đạo của “nhà thầu” thứ 2, Tổng công ty Phát hành sách cũng áp dụng “chiêu” tương tự - hợp đồng được bán qua nhiều cầu. Theo đó, chi phí thất thoát cho việc in ấn giáo trình, tài liệu đào tạo tin học đã vượt qua con số 3 tỉ đồng. Số tiền này có dấu hiệu chia chác giữa các cá nhân, trong đó có phần “hoa hồng” xứng đáng (khoảng 2,1 tỉ) cho Trưởng ban điều hành Vũ Đình Thuần và thư ký - “tư vấn viên” Lương Cao Sơn.

Kết cục, cả hai “thầy trò” bị khởi tố cùng về 2 tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Giám đốc NXB Tư pháp Nguyễn Đức Giao và hai Phó Tổng giám đốc Tổng công ty phát hành sách Nguyễn Minh Thiệu và Nguyễn Thị Phương Hoa cùng bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ.

Phần mềm “bỏ không”

Phần mềm dùng chung là một nội dung lớn được Đề án 112 triển khai thời gian qua nhưng đến nay gần như không thể đưa vào sử dụng.

Một ví dụ cụ thể được đưa ra trong báo cáo giám sát việc thực hiện đề án là, thời gian đầu, Ban điều hành Chính phủ hướng dẫn chọn phần mềm Lotus để xây dựng ứng dụng trong khi nhiều bộ, ngành không tán thành, tự chọn phần mềm Window.

Vậy là, rất nhiều đơn vị đã trang bị xong hạ tầng phần cứng nhưng cũng chưa có phần mềm dùng chung để sử dụng, trong khi có nhiều phần mềm tương tự bán bên ngoài rất rẻ mà cũng không thể mua được.

Tỷ lệ đầu tư cứng - mềm đến nay đã lệch pha tới 85% cho phần cứng - 15% cho phần mềm, có đơn vị thậm chí dồn 100% cho phần cứng rồi… bỏ không luôn.

Theo thông tin ban đầu, CQĐT đã thu khoảng 3 tỉ đồng tại trụ sở Công ty cổ phần công nghệ tin học ISA, do Nguyễn Thúy Hà làm giám đốc. “Tư vấn viên” Lương Cao Sơn tiếp tục đóng vai trò cố vấn cho “sếp” Vũ Đình Thuần ký hợp đồng mua phần mềm Microsoft từ Công ty ISA với giá 9 tỉ đồng.

Thực chất bản hợp đồng này có giá trị khoảng 6 tỉ nhưng Lương Cao Sơn, Vũ Đình Thuần và Nguyễn Thúy Hà đã thống nhất “nâng giá” để hưởng chênh lệch.

Việc bắt tạm giam ông Vũ Đình Thuần diễn ra như thế nào?

21h ngày 13/9, ông Thuần được đưa trên một chiếc xe 7 chỗ của cơ quan cảnh sát về đến nhà riêng là 1 căn nhà 3 tầng ở ngõ 4, đường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội. Ông dùng chìa khoá riêng tự mở cổng.

Trước sự chứng kiến của một số cán bộ địa phương, một cảnh sát đọc lệnh khám xét nhà riêng, trong đó nêu rõ ông Thuần đã có hành vi vi phạm quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng.

Vợ ông Thuần không tỏ ra quá bất ngờ, bà không khóc, khá bình tĩnh dẫn các cán bộ đi khám khắp 5-6 phòng trong căn nhà. Cuộc khám xét diễn ra trong khoảng 1 giờ đồng hồ, cơ quan điều tra không phát hiện ra nhiều tiền bạc, tài sản, chỉ thu giữ một số sổ sách.

Sau cuộc khám xét, trước lúc cán bộ điều tra đưa ông Thuần rời khỏi nhà về trại tạm giam của Bộ Công an, vợ ông có một đề nghị: Cho con ông xuống ôm bố. Các cán bộ công an chấp thuận, hai con ông Thuần, một bé gái SN 1993 và một bé trai SN 1996 xuống ôm hôn từ biệt bố. Vợ ông Thuần mang ra một bát cháo cho ông ăn trước khi lên xe cơ quan công an.

Nhóm phóng viên

Dòng sự kiện: Đề án 112