1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Đề án 112: Thất thoát, “ăn chia” vì quản lý chưa tốt

(Dân trí) - “Nhìn về tổng thể đề án vẫn đúng yêu cầu, nhưng trong đó có một số điểm quản lý chưa tốt, để thất thoát, để cá nhân lợi dụng làm hợp đồng ăn chia” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời trước các câu hỏi dồn dập về Đề án 112.

Ngay từ ban đầu thành lập, Thủ tướng quyết định có một thành viên của Bộ Tài chính trong ban điều hành này với mục tiêu là để giám sát vốn. Nhưng sau khi kiểm toán nhà nước công bố bản kết luận, thì dường như yêu cầu về giám sát vốn đó chưa được như ý?

 

Ban điều hành không phải là giám sát chi tiết, cụ thể. Ban điều hành này là để triển khai thực hiện một chương trình, một chủ trương rất lớn của nhà nước, điều phối các hoạt động và các dự án lớn về chủ trương. Còn thành viên và một thành viên mang cấp lãnh đạo thì không thể giám sát từng khoản chi tiêu một.

 

Giám sát cái đó có các cơ quan chức năng. Trước hết là chủ đầu tư, người nào phụ trách việc đó là phải chịu trách nhiệm. Thứ hai là những người thực hiện các dự án cụ thể. Thứ ba là cơ quan giám sát. Chứ không phải ban này làm hết tất cả các việc chi tiết. Cũng phải nói thẳng là, việc điều phối của ban này không được chặt chẽ, không thường xuyên.

 

Sau khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân về Hải Dương, Bộ Tài chính không có ai tham gia để quản lý, giám sát chi tiêu?

 

Tôi nói rằng Ban điều hành đó hoạt động không chặt chẽ. Người lãnh đạo của Ban đó lẽ ra nếu thấy thiếu cán bộ thì phải đề xuất để củng cố, kiện toàn tham gia cho đầy đủ nhưng không ai nhắc đến rồi thôi.

 

Dưới góc độ về quản lý tài chính nhà nước, ông đánh giá như thế nào về việc chi tiêu của ban điều hành này?

 

Để đánh giá thì phải đi sâu vào và hiện tại Chính phủ đang cho đánh giá. Để nói hiệu quả hay không hiệu quả thì phải xem xét, nhưng về tổng thể mà nói Chính phủ kết luận rồi, không phải tất cả dự án sai, chỉ có một số điểm nào trong đó thôi. Cái nào sai mình phải sửa, phải nhận khuyết điểm.

 

Nhìn về tổng thể mà nói đề án vẫn đúng yêu cầu, nhưng trong đó có một số điểm anh quản lý chưa tốt, để thất thoát, để cá nhân lợi dụng việc đó rồi làm hợp đồng “ăn chia”. Cái đó là cái sai cá biệt của những điểm cụ thể.

 

Tiền nhà nước bị thất thoát rất lớn, Bộ trưởng có thấy Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc này?

 

Tôi nghĩ rằng trước hết, về cơ chế chính sách thì đúng là Bộ Tài chính phải nghiên cứu nhưng không phải mình Bộ Tài chính có thể làm được việc này. Tôi lấy ví dụ định mức chuyên ngành chẳng hạn như trong xây dựng là định mức vật liệu, nguyên vật liệu thì phải chuyên ngành làm.

 

Trong lĩnh vực công nghệ thông tin cũng thế, định mức về những chuyên ngành, Bộ Tài chính không thể hiểu tường tận được, ví dụ như là loại này thì cần máy gì, phần mềm gì, kết cấu của nó như thế nào? Trên cơ sở đó Bộ Tài chính mới ra định mức chi tiêu được căn cứ vào định mức kinh tế kỹ thuật. Định mức kinh tế kỹ thuật thì hiện các ngành đang làm.

 

Thực ra cũng có những cái bất cập vì nó là cái mới quá và công nghệ thông tin trong thời đại chúng ta phát triển, thay đổi liên tục nên thực sự mà nói tôi được biết là các ngành cũng lúng túng. Sắp tới đây các ngành phải có tổng kết và đánh giá. Phải làm lại các bộ chuẩn, trên cơ sở đó có định mức chi tiêu phù hợp với đặc thù của lĩnh vực công nghệ thông tin này để vận hành chặt chẽ hơn.

 

Thủ tướng đã yêu cầu kiểm điểm, Bộ trưởng có thấy Bộ Tài chính có trách nhiệm gì?

 

Hiện nay thì Thủ tướng yêu cầu và các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình cũng phải đánh giá, tổng kết, kiểm điểm. Chúng tôi đang cho rà soát lại

 

Nhưng Bộ Tài chính đáng ra phải có ý kiến bởi Bộ mình quản lý tài chính?

 

Tôi không rõ lắm vì lúc bấy giờ tôi không phụ trách Bộ Tài chính. Lúc đó tôi còn ở UBND TP Hà Nội.

 

Ông có nghĩ, đề án này nằm ở Văn phòng Chính phủ nên các Bộ, ngành có ngần ngại trong việc thanh kiểm tra không?

 

Tôi cho không phải như vậy.

 

Mạnh Cường (ghi)

Dòng sự kiện: Đề án 112