1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Kiểm toán Đề án 112, chúng tôi đã làm hết trách nhiệm”

(Dân trí) - “Chúng tôi đã làm với tinh thần độc lập, khách quan, không phụ thuộc, không chịu áp lực và không né tránh vấn đề gì...” - Tổng kiểm toán nhà nước, ông Vương Đình Huệ cho biết trong buổi báo cáo kết quả kiểm toán <a href="http://www1.dantri.com.vn/News/Event.aspx?EventID=1022"> Đề án 112.</a>

Kiểm toán ở tất cả các đơn vị “rót” vốn

 

Kết luận đưa ra trên cơ sở kiểm toán ở 23/116 đơn vị trong trong Đề án 112. Có thể đặt câu hỏi các đơn vị không được tiến hành kiểm toán còn lại là thoát trách nhiệm, thưa ông?

 

Với thời gian kiểm toán giới hạn, chúng tôi không thể làm hết ở hơn 100 đơn vị mà chỉ có thể chọn một số mẫu mang tính đại diện. Trong việc chọn mẫu, 4 cơ quan tổng hợp (Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ban điều hành Đề án 112 của Chính phủ) đều đã được kiểm toán chính, kiểm toán chi tiết. Tất cả nguồn vốn triển khai đề án là “chảy” ra từ đây. Còn về mặt chi tiết để đánh giá thì 8 bộ, ngành, địa phương được lựa chọn là những đơn vị được hưởng cơ chế lớn từ đề án.

 

Tôi cũng xin khẳng định không có đơn vị nào có thể nằm ngoài phạm vi điều tra vì kiểm toán nhà nước chỉ là một khâu trong quá trình kiểm tra, kiểm soát. Chúng tôi đã dự định đề nghị tiếp tục rà soát chi tiêu của các đơn vị chưa được kiểm toán.

 

Đề án 112 là một dự án nhóm A, đã diễn ra trong thời gian dài và thất thoát, sai phạm nhiều như vậy, trách nhiệm của các bộ liên quan đối với vấn đề này?

 

Về trách nhiệm của các bộ ngành, báo cáo của chúng tôi đã hết sức đầy đủ tất cả những nội dung, sai phạm phát hiện được. Trách nhiệm của Bộ KH&ĐT, Bộ tài chính với tư cách là ban điều hành của Bộ, họ có trách nhiệm với việc triển khai đề án tại đơn vị mình. Với tư cách là một đơn vị quản lý nhà nước, chúng tôi cũng đã đề nghị 2 bộ kiểm điểm trách nhiệm của mình đến từng cá nhân.

 

Kết luận của kiểm toán nhà nước lại chỉ đề cập chung chung kiểu có dấu hiệu thất thoát, thiệt hại trong khi CQĐT đã khởi tố vụ án tham ô và bắt nhiều đối tượng liên quan trong việc triển khai thực hiện đề án… Như vậy, có phải kiểm toán nhà nước không đồng tình với quan điểm của CQĐT hay do có liên quan đến rất nhiều bộ ngành lớn, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ nên có sự e dè?

 

Chúng tôi đã làm với tinh thần độc lập, khách quan, không phụ thuộc, không chịu áp lực và không né tránh vấn đề gì.

 

Vậy sau khi có kết quả kiểm toán, liệu kiểm toán nhà nước có gửi báo cáo lên CQĐT?

 

Khi vừa hoàn thành xong báo cáo này chúng tôi đã tức khắc gửi cho Tổng cục cảnh sát - Bộ Công an, Cục phòng chống tham nhũng, UB Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ. Tất cả những tình trạng nắm được trong quá trình kiểm toán chúng tôi đều báo cáo hết. Còn vấn đề sai phạm đến đâu thì phải chờ những khâu khác, như quyết toán theo thủ tục của dự án nhóm A và kết luận của cơ quan công an.

 

10 đồng bỏ ra, 6 đồng chi sai?

 

Kết luận kiểm toán đưa ra con số hơn 200 tỉ đồng đã bị thất thoát và làm trái. Số tiền này tương đương 20% tổng số vốn tiến hành kiểm toán. Tỷ lệ thất thoát như thế được khái quát là cứ 10 đồng bỏ ra thì có 6 đồng chi sai. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

 

Không thể đưa ra đánh giá tỷ lệ sai phạm trên số lượng kiểm toán là 20% vốn mà bao giờ có được định mức quyết toán thì mới tính được cụ thể sai phạm, thiệt hại. Ví dụ số tiền 55 tỷ sai phạm khi triển khai xây dựng mạng LAN không phải là thất thoát mà là sai phân cấp vì theo quy định, việc xây dựng mạng LAN là do ngân sách địa phương các tỉnh phải bỏ ra nhưng thực tế các tỉnh lại sử dụng ngân sách TƯ rót về. Sai ở đây là nguồn chi, không phải thất thoát.

 

Về nội dung quản lý sử dụng và chất lượng thiết bị mua sắm - hai nội dung được xác định là rất nhạy cảm, có khả năng phát hiện dấu hiệu tham ô, tại sao kiểm toán nhà nước không hề đề cập?

 

Nội dung đánh giá chất lượng thiết bị đầu tư cho dự án thì trong khả năng của mình, chúng tôi cũng có giới hạn. Việc đánh giá này không phải đơn giản, ví dụ xác định giá cả thế nào rất khó khăn. Trong khả năng có thể và thời gian cho phép, chúng tôi đã kiểm tra, đánh giá ở tính đúng đắn và chân thực, ví dụ nhãn mác hàng hóa không đúng như kê khai, nghiệm thu thiếu… Và đặc biệt, chúng tôi đánh giá về hiệu quả sử dụng, bao nhiêu thiết bị còn đắp chiếu nằm chờ, bao nhiêu phần mềm mua rồi không dùng…

 

Trong các khoản chi cho Đề án 112, phần triển khai mua thiết bị phần cứng rất lớn nhưng nếu kiểm toán nhà nước không xác định được vấn đề chất lượng thiết bị mua sắm thì có thể xác định được việc nâng khống giá thiết bị để ăn chênh lệch?

 

Việc mua sắm thiết bị phần cứng, trong kết luận kiểm toán chúng tôi đã báo cáo những việc đã làm được. Những gì chưa làm được thì chúng tôi trình bày trong phần giới hạn kiểm toán. Còn muốn có kết luận chính xác cần có sự kiểm tra, đối chiếu, chức năng của cơ quan điều tra. Đây không phải là thoái thác trách nhiệm mà thuộc về vấn đề chuyên môn.

 

Kiểm toán nhà nước có báo cáo một trong những kết quả đạt được của đề án là xây dựng được cổng thông tin điện tử Chính phủ nhưng đến nay dư luận vẫn cho rằng cổng thông tin này đã không hoạt động được, không có chức năng tổng hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ. Ông có đánh giá gì về khả năng và hiệu quả sử dụng của cổng thông tin này?

 

Việc xây dựng cổng thông tin Chính phủ này có hiệu quả thế nào là do cơ quan chuyên môn đánh giá. Nhưng dù sao, đề án cũng đã làm được rất nhiều việc trên 4 khía cạnh chúng tôi đã đánh giá trong báo cáo. Theo quan điểm của kiểm toán nhà nước, việc triển khai đề án 112 là cần thiết và phải tiếp tục.

 

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước: tổng mức đầu tư được duyệt cho Đề án 112 là gần 3.837 tỉ đồng. Tổng kinh phí đã được cấp phát là hơn 1.534 tỉ đồng. Tổng kinh phí đã sử dụng là gần 1.160 tỉ đồng.

 

Tại khoản chi xây dựng cơ bản từ ngân sách trung ương, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện: gần 56 tỉ đồng chi sai nguyên tắc. Khoản chi thường xuyên từ ngân sách trung ương có gần 44 tỉ đồng phải loại khỏi quyết toán, nộp ngân sách nhà nước do chi chưa có đơn giá, chi sai nhiệm vụ, chi nhưng không có sản phẩm...

 

Trong 3 phần mềm dùng chung thuộc hệ điều hành tác nghiệp thì mới có 1 được sử dụng còn 2 phần mềm hầu như không sử dụng được. 45 phần mềm dùng chung còn lại thì đa số chưa triển khai được diện rộng trong khi kinh phí đã ứng gần 23 tỷ đồng. “Nếu các phần mềm trên không được triển khai, sử dụng sẽ là một thất thoát, lãng phí lớn của ngân sách Nhà nước.

 

Phương Thảo

Dòng sự kiện: Đề án 112