“Chân cây đèn thường là chỗ tối nhất”

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã nói như vậy khi được hỏi về các vấn đề đặt ra xung quanh đề án 112. Cũng theo ông Quốc, quan liêu và vụ lợi là nguyên nhân chính khiến cho đề án kém hiệu quả và bị “sa lầy”.

Đề án tin học hoá quản lý hành chính nhà nước (tức Đề án 112) tiêu tốn cả ngàn tỉ đồng, nhưng đã phải đình lại khi mà hầu hết các mục tiêu đều không đạt được. Ông có ý kiến gì về việc này?

 

Đương nhiên đó là điều rất đáng tiếc và đáng lên án nữa. Bởi lẽ không chỉ là mất mấy nghìn tỉ. Nhưng cũng phải tính toán kỹ là giá trị số thiết bị mua sắm vẫn có thể sử dụng được và những người được đào tạo, cho dù có vấn đề chất lượng thì vẫn có thể được tận dung. Nói như thế để ta cần công bằng tính toán tỉ mỉ số tiền thất thoát thực chứ không phải là tổng số đầu tư. Nhưng cái đáng nói hơn cả tiền bạc là ngần ấy thời gian chúng ta chưa ứng dụng được công nghệ tin học vào công tác của Chính phủ có hiệu quả. Tiền bạc có thể kiếm ra, còn thời gian thì không thể. Tụt hậu luôn là nguy cơ lớn nhất.

 

Theo ông tại sao một đề án lớn, tiêu tốn nhiều tiền của như vậy, nhưng suốt quá trình 5 năm thực hiện không thấy hiệu quả mà vẫn không có sự điều chỉnh lớn nào (cho dù đã có những ý kiến cảnh báo) và đề án tiếp tục lao về hướng làm thiệt hại lớn cho nhà nước? Có phải chúng ta đã phản ứng chậm hay do chưa có thông tin kịp thời?

 

Có 2 loại nguyên nhân, theo tôi là quan liêu và vụ lợi. Vụ lợi thì để các cơ quan điều tra làm rõ đến mức nào. Nhưng quan liêu là điều đáng nói hơn vì nó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Giáo sư Phan Đình Diệu vừa công bố bức thư viết từ năm 2001 cảnh báo thất bại của đề án này khi nó mới triển khai. GS Diệu từng là thành viên chỉ đạo, từng là đại biểu Quốc hội và đương nhiên là một nhà chuyên môn giỏi… Nhưng như ông cho biết “thư gửi đi mà chẳng thấy hồi âm”. Chắc hẳn nếu nhà lãnh đạo lúc đó lắng nghe thì chắc đã không đến nỗi… Mà theo tôi được biết không chỉ GS Diệu phản đối.

 

Dự án thực hiện từ 2001 đến 2005, trong nhiệm kì Quốc hội khoá trước. Vậy đề án này đã bao giờ được bàn luận tại một cuộc họp nào ở Quốc hội?

 

Tôi tham gia Quốc hội từ khoá XI tức là từ giữa năm 2002 nên không biết trước đó Quốc hội có bàn trước khi triển khai đề án hay không. Nhưng tôi có được biết rằng Văn phòng Quốc hội cũng từng được “mời” tham gia vào đề án này, nhưng những người phụ trách công tác tin học của Quốc hội đã từ chối và cảnh báo với lãnh đạo Quốc hội về những bất cập của đề án. Có lẽ vì thế việc triển khai tin học hoá trong Văn phòng Quốc hội đã phát triển tốt. Lúc bạn phỏng vấn là lúc tôi đang dự lễ trao thưởng cho những CIO (lãnh đạo ngành CNTT) thành công, trong đó có người phụ trách công tác ứng dụng tin học của Văn phòng Quốc hội.

 

Có ý kiến đặt ra rằng, chúng ta phải chuẩn hoá được một nền hành chính trước khi đặt ra vấn đề tin học hoá việc quản lý nền hành chính. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

 

Tôi không phải là chuyên gia về lĩnh vực này nên xin không bình luận sâu. Nhưng theo tôi 2 vấn đề mà bạn nêu lên nó có quan hệ biện chứng với nhau, không nên tách cái nào trước cái nào sau. Trong nội dung cải cách hành chính có việc ứng dụng tin học và việc ứng dụng tin học là một giải pháp hữu hiệu để cải cách hành chính.

 

Đương nhiên có làm thì có thể sai, nhất là ứng dụng một công nghệ mới, một công nghệ cao, nhưng quan trọng là phải luôn biết điều chỉnh. Muốn vậy, cấp thực hiện phải công khai, minh bạch còn cấp lãnh đạo phải sâu sát, không quan liêu. Và nói chung, người tiêu tiền phải biết xót xa với tiền của dân, còn người đại diện cho dân phải biết giám sát việc chi tiêu ngân sách…

 

Đấy là nói theo lý thuyết, còn thực tiễn thì việc tiêu “tiền chùa” hình như vẫn dễ dãi quá nên không chỉ vấn nạn tham ô mà lãng phí còn ghê gớm hơn nhiều.

 

“Lỗ hổng” lớn thể hiện trong quá trình triển khai đề án này là công tác quản lý, để Ban điều hành dự án có thể thoải mái “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Ông có nghĩ rằng việc quản lý chi tiêu của chúng ta hiện nay vẫn còn rất “lỏng tay”, nguy cơ thất thoát lớn?

 

Thực ra không phải tất cả là như vậy. Có chỗ quá lỏng, lại có chỗ quá chặt. Người ta thường nói rằng ở chân cây đèn thường là chỗ tối nhất.

 

Đã có không ít những đề án, chương trình lớn của chúng ta bị thất bại hoặc không đạt được các mục tiêu ban đầu. Theo ông, bài học nào có thể rút ra từ những thất bại này?

 

Tôi cũng đồng ý rằng Đề án 112 không phải là cá biệt. Nhân dịp này nên giám sát tình hiệu quả của các đề án khoa học, tôi nhấn mạnh về hiệu quả hơn là giám sát hiện tượng tham nhũng. Nói cách khác là vấn đề lãng phí còn nghiêm trọng hơn cả tham nhũng.  Tôi chưa đủ khả năng để nói đến một bài học nào đó. Nhưng tôi muốn nói rằng đề án 112 đã phá sản, nhưng những tài sản nó để lại (thiết bị, kết quả đào tạo) vẫn cần phải được tận dụng, kẻo rồi “xoá đi làm lại từ đầu” lại thêm tốn kém. Hơn thế phải coi vụ việc này là một bài học sâu sắc nhưng đừng vì thế mà nhụt ý chí trong việc ứng dụng công nghệ tin học vào đời sống trong đó có công tác quản lý của nhà nước.  

 

Theo ông có nên đưa đề án này ra kỳ họp tới đây của Quốc hội?

 

Tôi tin rằng ở kỳ họp này nó sẽ được đề cập tới như một vấn đề thực tiễn cũng như nhiều vấn đề khác. Còn có trở thành một nội dung phải bàn không thì nó tuỳ thuộc vào chương trình nghị sự của mỗi kỳ họp. Vấn đề không phải là tạo sự ồn ào mà phải tìm ra những bài học sâu sắc cho những vấn đề chung. Còn vụ việc tiêu cực thì để các cơ quan điều tra thực hiện chức năng. Quốc hội và dư luận là những người giám sát mà thôi. 

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Lê Văn Cuông:

Đề án 112 không minh bạch ngay từ đầu

 

“Chân cây đèn thường là chỗ tối nhất” - 1

 Đề án 112 ngay từ khi bắt đầu triển khai đã thấy nhiều điểm không minh bạch như việc những chuyên gia giỏi không được mời tham gia vào Ban điều hành trong khi lại mời một số thành viên không thực sự nắm được chuyên môn, không đi vào thực chất vấn đề mà chỉ nhằm vào mục tiêu mua thiết bị ồ ạt, cấp phát cho các địa phương ào ào để giải ngân. Ngay từ khâu lập đề án cũng được thực hiện vội vã, sơ sài, chủ yếu để được phê duyệt, thông qua. Dư luận vì thế đặt nhiều nghi ngờ về dự án này từ nhiều năm nay chứ không phải cho đến bây giờ mọi việc vỡ lở ra mới gây bất ngờ.

 

Ngay từ những ngày đầu Quốc hội khoá XI, tại kỳ họp thứ 2 của UB Khoa học công nghệ môi trường (năm 2003, ở TPHCM), nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ý rất băn khoăn về hiệu quả của việc thực hiện đề án 112. Đề án chỉ tập trung vào việc cung cấp trang thiết bị, máy tính cho các cơ sở và đào tạo cho một số cán bộ việc sử dụng máy tính. Nhiều cá nhân, nhất là lãnh đạo các cấp chính quyền không biết sử dụng nhưng vẫn được trang bị máy, có những người được trang bị cả máy để bàn và máy xách tay mà chỉ để ở phòng như một vật trang trí vì đây là sản phẩm “cấp phát không” nên không lấy cũng… thiệt. Một số phòng ban thậm chí chỉ sử dụng để chơi cờ hoặc thay cho chiếc máy đánh chữ là chính.

 

Hiệu quả mang lại từ việc đầu tư là không có, không tăng cường được hoạt động quản lý, không giảm được biên chế mà thậm chí là phải tăng thêm cho công tác hướng dẫn, bảo trì thiết bị, mạng máy tính. 

 

Phương Thảo - Cấn Cường

(thực hiện)

Dòng sự kiện: Đề án 112