1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kết quả kiểm toán đề án 112:

Thất thoát hơn 200 tỉ đồng trong “cơn say” chi tiền

Hôm qua 26/10, Kiểm toán Nhà nước đã có kết luận chính thức về kết quả kiểm toán việc quản lý và sử dụng kinh phí của đề án 112. Hơn 200 tỉ đồng đã bị thất thoát và làm trái, tương đương 20% tổng kinh phí đã sử dụng cho đề án. Cả năm nhóm mục tiêu của đề án đều không đạt.

Tiền ở đề án 112 đã lọt qua cơ man những “lỗ thủng” được vẽ ra để moi tiền của Nhà nước, đặc biệt là chủ trương phân bổ vốn theo tốc độ giải ngân. Không có sản phẩm cũng chi tiền, không có đơn giá cũng bán hàng, không có dự án cũng giao vốn, khách hàng bất hợp pháp cũng ký kết, không có nhiệm vụ cũng chi hộ, tiền chưa chi cũng đã được quyết toán và tự vẽ ra các sản phẩm, hạng mục để chi tiền rồi bỏ xó...

 

Giải ngân theo tốc độ... xài tiền

 

“Một trong các căn cứ để phân bổ vốn là tốc độ giải ngân của từng đề án”. Đó là một tiêu chí “kinh hoàng” của Ban điều hành 112 Chính phủ đã thừa nhận. Thay vì phân bổ vốn theo dự toán và quyết định đầu tư thì Ban điều hành 112 Chính phủ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch - đầu tư “treo giải” cho các đề án: ở đâu tiêu tiền nhanh thì ở đó sẽ được cấp thêm tiền. Đại học Quốc gia TPHCM, Viện Thi đua khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước, Quĩ Hỗ trợ phát triển, Hội Cựu chiến binh, UBND tỉnh Lai Châu... không có đề án hoặc có đề án nhưng chưa được duyệt cũng được nhận tiền.

 

Dự án xin ít nhưng lại được cấp nhiều. Có đơn vị được cấp nhiều tiền quá không biết chi vào đâu nên chi lung tung và thành ra... vi phạm. Đó là trong 116 đơn vị đầu mối được cấp vốn đầu tư (64 tỉnh, thành và 52 bộ, ngành) có tới 43 đơn vị được cấp vốn vượt mức tổng đầu tư của đề án được thẩm định. Số tiền “bắt phải tiêu” này lên đến gần 110 tỉ đồng.

 

Có nhiều khoản tiền tuy chưa chi nhưng vẫn được các ban điều hành từ cơ sở đến Chính phủ “hồn nhiên” quyết toán “để dành” sau này chi. Đó là hơn 8 tỉ đồng (trích cước đường truyền tải) thuộc nguồn chi thường xuyên từ ngân sách trung ương. Tương tự như vậy, trong khoản tiền vay Ngân hàng Phát triển châu Á cũng có tới gần 30 tỉ đồng đã được quyết toán sẵn dù chưa hề được đụng đến dự án.

 

Không có gì... cũng chi

 

Theo kết quả của Kiểm toán Nhà nước: tổng mức đầu tư được duyệt cho đề án 112 là hơn 3.836 tỉ đồng. Tổng kinh phí đã được cấp phát là hơn 1.534 tỉ đồng. Tổng kinh phí đã sử dụng là gần 1.160 tỉ đồng.

 

Tại khoản chi xây dựng cơ bản từ ngân sách trung ương, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện: gần 56 tỉ đồng chi sai nguyên tắc. Khoản chi thường xuyên từ ngân sách trung ương có gần 44 tỉ đồng phải loại khỏi quyết toán, nộp ngân sách nhà nước do chi chưa có đơn giá, chi sai nhiệm vụ, chi nhưng không có sản phẩm... Nguồn vay Ngân hàng Phát triển châu Á có gần 104 tỉ đồng cũng có tình trạng như trên. Nguồn ngân sách địa phương có hơn 1 tỉ đồng chi vượt định mức, sai chế độ...

Ban điều hành 112 Chính phủ cũng “năng động” trong chi tiền khi cố tình chi cho dự án, hạng mục không thuộc trách nhiệm của mình ở tất cả ba nguồn vốn (xây dựng cơ bản và chi thường xuyên của ngân sách trung ương và vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á) hết hơn 5 tỉ đồng.

 

Đề án 112 có rất nhiều hợp đồng chưa có đơn giá, định mức chi, tức là chưa thể được phép chi nhưng vẫn được Ban điều hành 112 Chính phủ vung tới gần 140 tỉ đồng. Tiền này chủ yếu tiêu cho các hạng mục vô hình, khó nghiệm thu, khó kiểm tra. Đó là đào tạo cán bộ ứng dụng tin học: gần 104 tỉ đồng; đào tạo quản trị mạng: hơn 17 tỉ đồng và triển khai dịch vụ cơ bản: hơn 15 tỉ đồng...

 

Trong “cơn say” chi tiền, Ban điều hành 112 Chính phủ còn gọi cả các cá nhân có quan hệ riêng tư để ký các hợp đồng sai nguyên tắc. Đó là ông Bùi Thế Hồng với nội dung: tổ chức theo dõi, giám sát và đánh giá các khóa huấn luyện và ứng dụng công nghệ thông tin của đề án 112.

 

Với ông Đặng Hữu Đạo để: triển khai thí điểm trung tâm tích hợp dữ liệu với dịch vụ thư điện tử... Các địa phương cũng ồ ạt “nhân rộng mô hình” này khi thuê các cá nhân tư vấn đủ thứ trên đời và cuối cùng vẫn không có sản phẩm nghiệm thu. Điều này khiến TPHCM tốn hết 898 triệu đồng, Đà Nẵng hết 292 triệu và Thừa Thiên - Huế hết 125 triệu.

 

Tiền về một cách vô tội vạ, nhiều đơn vị không kịp chi vì đề án được lập với nhiều mục tiêu, nội dung... quá viển vông, xa thực tế. Ngay tại Văn phòng Chính phủ thì 16 dự án được lập nhưng khi kết thúc giai đoạn 1 mới có hai đề án triển khai. TP Cần Thơ có 13/19 dự án vẫn nằm đó dù hơn 12 tỉ đồng đã được chuyển về. Đồng Nai còn “ôm” 762 triệu, còn TPHCM thì “kinh ngạc” hơn với 27/27 dự án đều chưa thể triển khai.

 

Theo báo cáo của Ban điều hành 112 Chính phủ, riêng nguồn vốn xây dựng cơ bản mà các địa phương, bộ ngành không dùng hết là gàn 70 tỉ đồng.

 

“Hết biết” về câu chuyện tiêu tiền nhà nước

 

Tiền về tới đơn vị với khối lượng và tốc độ cao, các cơ sở bắt đầu tung “pháp thuật” để... tiêu. Đầu tiên là khâu thầu khoán. Tại Bộ Giáo dục - đào tạo, chưa cần phê duyệt dự án, chưa cần phê duyệt thiết kế kỹ thuật tổng dự toán hay kế hoạch đấu thầu thì đã chỉ định thầu, đấu thầu đâu vào đó. Tại Đồng Nai, Cần Thơ và nhiều địa phương khác cũng tổ chức phân chia gói thầu nhắm theo số tiền được nhận. Nhiều công việc được lặp đi lặp lại ở các gói thầu, làm một lần nhưng tính tiền hai ba lần. Ở Yên Bái chỉ định thầu không cần thủ tục đấu giá, không cần báo giá hay chào hàng cạnh tranh, thậm chí không thèm xét đến tư cách pháp nhân của đơn vị nhận thầu.

 

“Đáng nể” nhất vẫn là Cần Thơ với dự án mua sắm thiết bị do Cục Thống kê làm chủ đầu tư. Ban đầu, UBND tỉnh hủy kết quả đấu thầu của ba nhà thầu vì kết luận họ không đủ năng lực. Nhưng ngay sau đó, khi tổ chức đấu thầu lại thì cũng vẫn chỉ ba anh này dự thầu. “Chịu chơi” hơn, trong ba nhà thầu đó có nhà thầu còn đợi khi đóng thầu xong rồi mới có hồ sơ gửi thầu mà vẫn được chấp nhận. Đơn vị trúng thầu được Sở KH-ĐT ra quyết định phê duyệt là HTX vi tính Mekong.

 

Hết giai đoạn thầu, đến phần mua sắm. Ban điều hành 112 Hải Phòng ký hợp đồng với Công ty tin học ISA cung cấp thiết bị trị giá hơn 1 tỉ đồng do Mexico sản xuất, nhưng khi kiểm tra hóa ra của Đài Loan.

 

Có tiền các đơn vị thoải mái chi, kể cả mua sắm những sản phẩm để... ném đi. Đó là các khoản tiền đào tạo, in ấn, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, văn phòng phẩm tại 64 tỉnh thành vượt định mức, trái qui định tới hơn 16 tỉ đồng. Điển hình là gần 25.000 cuốn giáo trình đào tạo tin học trị giá gần 300 triệu đồng hiện đang tồn kho, mục nát từng ngày.

 

Nhưng có lẽ hãi hùng nhất là những khoản tiền cứ được vung ra mà không cần lấy gì về. Đó là 234 triệu đồng chi cho Cục Tin học Bộ Tài chính về nghiên cứu xây dựng định mức đào tạo, chi cho Học viện Hành chính quốc gia và chi cho Ban cơ yếu Chính phủ. 20% tổng kinh phí của đề án 112 đã theo những “con đường” do các ban điều hành lớn nhỏ ấy vẽ ra mà đi.

 

Theo Quang Thiện
Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Đề án 112