1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Phát triển điện khó như điều hành... trứng và gà

(Dân trí) - “Tôi vẫn nói ngành điện hiện nay như trứng và gà. Phải đủ điện thì mới có thị trường, mới có cạnh tranh nhưng không có thị trường, không cạnh tranh thì không thể đủ điện…” - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải phân trần với báo chí.

Hiện đang có nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh của đời sống xã hội bị ảnh hưởng không nhỏ của việc thiếu điện. Bộ trưởng có thể cho biết, chúng ta thiếu điện đến bao giờ?

 

Điện thiếu là điều không ai mong muốn vì nó ảnh hưởng đến phát triển kinh tế. Trong khi nguồn vốn đầu tư đang đổ vào rất mạnh thì việc thiếu điện là rất gay… Điều này đòi hỏi chúng ta phải đẩy dự báo cao hơn (17%) và cao hơn nữa.

 

"Các nhà máy Uông Bí, Cà Mau dù đang được thi công cố gắng, nhưng nếu không đưa vào vận hành đúng thời hạn thì chúng ta sẽ vẫn thiếu khoảng 800 triệu kwh điện.

 

Với mức thiếu như vậy thì vào tháng 5 này, mỗi ngày thiếu 5-6%. Số phần trăm không lớn nhưng với hệ thống điện hiện nay cũng ảnh hưởng không tốt đến phát triển kinh tế…"

Trong tổng sơ đồ 6 mà Thủ tướng đã phê duyệt, chúng ta dự kiến cần đạt 3.800MW/năm (cần 4 tỉ USD) thì giờ phải  cao hơn nữa. Đồng thời tiến độ triển khai thực hiện dự án phải nhanh hơn. Việc cam kết hợp đồng, thưởng phạt cần nghiêm hơn để gắn trách nhiệm các chủ đầu tư với hợp đồng đã ký kết. Nhu cầu vốn đối với ngành điện hiện nay cũng đòi hỏi lớn hơn: nếu trước tổng đầu tư ngành điện chiếm 10% tổng đầu tư toàn xã hội thì giờ đây phải lớn hơn, nếu không chúng ta sẽ vẫn thiếu điện.

 

Nước ta mới đạt 600kwh/đầu người. Để đạt mức 10.000kwh/đầu người là rất chông gai. Chúng ta dự kiến đến 2020 đạt 3000kwh/đầu người. Như thế còn một thời gian khá dài nữa chúng ta mới có thể đạt mức bão hòa về điện.

 

Hệ thống điện của chúng ta luôn đặt trong tình trạng thiếu điện như vậy. Có phải khâu dự phòng của chúng ta yếu, thưa ông?

 

Chúng ta luôn muốn có dự phòng. Các dự án đầu tư hiện nay khá nhiều, với hơn 30 nhà máy lớn, chưa kể các nhà máy nhỏ. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất hiện nay là tiến độ triển khai dự án chậm. Trước đây là do vốn dành cho các nhà máy nhỏ thiếu, gần đây thị trường vốn mở ra, vốn cho các nhà máy nhỏ đỡ khó khăn hơn nhưng lại vướng giải phóng mặt bằng và “khớp” tiến độ thi công. Ai cũng biết, một công trình cần tính đồng bộ nhưng các nhà đầu tư đang bị  vướng ở thiết bị, mặt bằng…

 

Có ý kiến cho rằng, công tác qui hoạch là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu điện hiện nay?

 

Mọi người vẫn nói do qui hoạch sai dẫn đến thiếu điện. Tuy nhiên, nếu các dự án trong qui hoạch đều đưa vào hoạt động mà thiếu điện thì mới có thể nói do qui hoạch. Cũng phải thấy rằng, qui hoạch phát triển điện lực phải phù hợp với qui hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Phát triển kinh tế, xã hội dự báo 8% thì ngành điện không thể nâng tốc độ cao vống lên được. Thứ nữa, đã là qui hoạch, dự báo là bất định và không thể đạt độ chính xác 100%.

 

Đã từ lâu việc thu hút đầu tư vào ngành điện đã được nói đến, nhưng dường như ngành điện vẫn đang loay hoay với việc mở cửa thị trường điện?

Bộ Công nghiệp đã phê duyệt qui định về thị trường thí điểm và EVN đang thực hiện. Quá trình này phải làm tới 2009 và trong quá trình đó phải chạy các nhà máy trong nội bộ EVN để hoàn thiện các qui định. Để phát triển thị trường điện đòi hỏi phải có sự phát triển đồng bộ hệ thống và thể chế pháp luật. Một điều kiện quan trọng nữa là vấn đề cung cầu phải đáp ứng. Anh đã vận hành  trong thị trường thiếu thì không thể có cạnh tranh.

 

Tôi vẫn nói ngành điện hiện nay như trứng và gà. Phải có đủ điện thì mới có thị trường, mới có cạnh tranh. Nhưng chưa có thị trường, chưa có cạnh tranh thì không thể đủ điện vì ai bỏ tiền, ai làm. Chính vì thế điều hành trứng và gà là rất khó.

 

Việc đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp ngành điện có tầm quan trọng thế nào đến việc đầu tư nguồn điện?

 

Đó là bước quan trọng của lộ trình hình thành và phát triển thị trường ngành điện, tạo cạnh tranh và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, ngành điện không giống các ngành khác nên trong quá trình cổ phần hoá cần phải xem xét, có bước đi phù hợp để đảm bảo việc cung cấp điện không bị ảnh hưởng. Ở đây đang có mâu thuẫn giữa việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp với việc thực hiện nghĩa vụ công ích của doanh nghiệp ngành điện. Vì doanh nghiệp ngành điện không thể thấy lãi thì làm, thấy lỗ thì thôi.

 

Chúng ta sẽ phải chờ các giải pháp phát huy tác dụng. Nhưng trong lúc nước sôi lửa bỏng thế này cả người dân và báo chí thường nhắc đến tên Bộ trưởng?

 

Tôi vẫn có ước mơ phát triển ngành điện để đến lúc thiên hạ không còn biết đến ngành điện nữa, tức là điện sẵn như không khí. Chứ bây giờ, Quốc hội với dân chúng suốt ngày thấy mặt tôi lên báo xin lỗi thì không ổn.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Cấn Cường (ghi)