1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Giáo viên mắc “bệnh” nói đầy đủ chữ trong SGK

(Dân trí) - Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân chiều 30/3 đã không diễn tiến với sự gia tăng “nhiệt” như thường thấy ở các cuộc chất vấn về ngành này tại Quốc hội. Dẫu vậy, cả người hỏi và người trả lời đều không nề hà xoáy vào những tồn tại lớn, những vấn đề gai góc của ngành…

Học sinh “sợ” chữ, chui gầm bàn chơi

 

Đại biểu Điểu Điền đặt ra với Bộ trưởng vấn đề chất lượng giáo dục ở các vùng sâu, vùng xa, thậm chí theo ông học sinh giỏi ở vùng này chỉ bằng học sinh yếu hoặc trung bình ở các thành phố lớn, các thị xã. Bộ trưởng Nhân cho rằng, hiện các tỉnh đã biết tỉ lệ học sinh yếu kém nên phải báo cáo với UBND tỉnh, rà soát lại để có lộ trình khắc phục. Theo ông, tinh thần chung là sau 3 năm khắc phục tình trạng học nhầm lớp, trả lại đúng chỗ. Sau đó trên cơ sở tình hình để có thể đặt ra những mục tiêu tiếp theo.

 

“Tôi rất bức xúc khi được nghe việc hai học sinh lớp 6 mà vẫn không biết đọc, biết viết… Bộ trưởng đã tìm hiểu cụ thể hai trường hợp này chưa?”, đại biểu Phan Thanh Bình nêu câu hỏi. Ông Nhân thẳng thắn cho rằng chưa gặp các cháu nên chưa biết hoàn cảnh cụ thể, tuy nhiên những người trong ngành có thể “hình dung” được. Trước hết do sự thiếu quan tâm của gia đình vì lẽ ra học đến lớp 5 vẫn chưa biết đọc, viết thì gia đình phải đến cự nự với trường. Kế đến phải nói đến sự thiếu trách nhiệm của  giáo viên. Ông Nhân “bổ sung” thêm một dẫn chứng về điều này: có những học sinh hễ đến giờ học lại chui xuống bàn, cuối giờ lại về như bình thường mà giáo viên vẫn “bỏ qua”.

 

Bệnh “nói đầy đủ chữ trong sách giáo khoa”

 

Đại biểu Nguyễn Kim Cúc gửi đến Bộ trưởng phản ảnh “chương trình quá nặng” của các giáo viên đang dạy lớp 10 - cấp học mới thay sách. Theo đó, nếu giáo viên chuyển tải hết nội dung trong sách giáo khoa để học sinh hiểu bài thì không thể nào đủ thời gian. Điều này khiến cho chất lượng học sinh yếu kém và là một trong những nguyên nhân của hiện tượng dạy thêm, học thêm.

 

Đáp lại, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, khi Bộ làm đề tài đánh giá SGK mới đã nhận xét, hầu hết giáo viên tiểu học và THCS tìm cách “nói đầy đủ chữ trong sách giáo khoa”. Theo ông Nhân, vấn đề cốt lõi là giáo viên phải có năng lực để chọn những vấn đề trọng tâm và biết chỗ nào nên khoanh lại cho học sinh đọc. Dẫu vậy, hiện nay Bộ đang thiết kế chương trình đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên và phấn đấu đến năm 2010 bồi dưỡng được một vòng cơ bản cho một triệu giáo viên.

 

Chậm nhất đến năm 2009, sẽ bỏ kì thi đại học

 

Đại biểu Đặng Thị Ngọc Thịnh đề cập đến thông tin về việc năm 2008 sẽ không tổ chức riêng một kì thi đại học và muốn được nghe lời chính thức từ Bộ trưởng về dự định này cũng như giải pháp để đảm bảo tuyển sinh vào đại học đảm bảo công bằng? Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân xác nhận thông tin và khẳng định, chậm nhất đến năm 2009, Bộ sẽ bỏ kì thi đại học.

 

Để thực hiện mục tiêu này, trong năm 2007, Bộ Giáo dục phấn đấu tổ chức kì thi tốt nghiệp thật nghiêm túc. Dự kiến, trong kì thi này sẽ có các giảng viên đại học tham gia giám sát cùng với giáo viên phổ thông. Thêm vào đó có thể còn có sự tham gia của các tổ chức xã hội như hội Cựu chiến binh, hội Giáo chức.

 

Theo ông Nhân, dù kì thi tốt nghiệp năm 2008 có thật sự nghiêm túc thì cũng chưa thể coi đó là kì thi đại học bởi đại học tuyển học sinh theo chuyên ngành trong khi đó là kết quả 6 môn thi. Tuy nhiên, kết quả đó là căn cứ để các trường tuyển sinh và trong quá trình này các trường có thể tham khảo thêm học bạ THPT hoặc kiểm tra thêm. Những học sinh đã tốt nghiệp phổ thông có thể thi tốt nghiệp lại, lấy căn cứ để vào đại học.

 

Có thể tự gánh 10 ngàn nghiên cứu sinh

 

Người chất vấn kế tiếp là đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa đã bày tỏ sự “lăn tăn” đối với kế hoạch đạo tạo trong nước 10 ngàn nghiên cứu sinh (NCS) nhằm thực hiện mục tiêu 20 ngàn NCS. Theo bà Thoa, với kinh phí được cấp 5-7 triệu cho học viên/năm cộng với các phòng thí nghiệm thiếu thốn hoặc kém chất lượng thì rất khó mơ tới các luận án có chất lượng.

 

Ông Nhân “trấn an” mối lo của bà Thoa bằng một loạt các biện pháp. Về kinh phí, sẽ thực hiện kết nối nghiên cứu khoa học với nghiên cứu sinh, giúp nguồn tiền trở nên nhiều hơn. Đặc biệt, Bộ chủ trương tập trung việc đào tạo NCS cho các trường mạnh nhất như 2 ĐH Quốc gia, các trường đại học lớn có sẵn thiết bị. Cùng đó, thực hiện liên kết với Viện Khoa học Công nghệ để tận dụng đội ngũ giáo sư tham gia giảng dạy… Theo ông Nhân, 10 năm đào tạo 10 ngàn NCS, tức mỗi năm đạo tạo một ngàn, trong khi hiện tại chúng ta đào tạo 600 NCS/năm nên nếu nỗ lực chúng ta có thể làm được.

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trả lời thẳng thắn, không vòng vo, né tránh trách nhiệm.

 

Sáng 30/3, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm nhà GS Vũ Văn Chuyên ở 27 phố Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

GS Chuyên sinh năm 1922 đã có 50 năm giảng dạy, sau đó tiếp tục nghiên cứu. Hiện cả gia đình GS (gồm cả một đôi vợ chồng con trai, một đôi vợ chồng con gái) đang phải sống trong tầng 2 cùng gầm cầu thang của một căn nhà chật hẹp được xây từ năm 1954…

 

Bộ trưởng đã hứa với gia đình GS Chuyên, sẽ trở lại vào một dịp khác cùng với những người có trách nhiệm của Hà Nội để xem xét có cách nào giúp được gia đình GS.

 

Cấn Cường (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm