Bộ trưởng Xây dựng trả lời chưa “mặn mà”

(Dân trí) - Không ngoài dự tính, tình trạng xây nhà sai phép, không phép là vấn đề nóng nhất được đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân. Chỉ có điều, phần trả lời của Bộ trưởng khiến cho nhiều người có cảm giác… hỏi nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu!

“Loay hoay” với nhà sai phép, không phép

“Tỉ lệ nhà xây dựng không phép hiện nay là bao nhiêu, ngoài các nguyên nhân đã được đề cập, có nguyên nhân từ sự nhũng nhiễu của cán bộ hay không?” là câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết. Bộ trưởng Trần Hồng Quân cho rằng, số công trình có phép tăng lên, nhưng số công trình không phép vẫn còn là vấn đề bức xúc. Tiếp đó ông Quân đưa ra tỉ lệ không phép ở Hà Nội là khoảng 30%.

Cho rằng Bộ trưởng trả lời thiếu mất nửa vế của câu hỏi cũng như không trúng nửa vế còn lại nên đại biểu Tuyết phải bật khỏi ghế lần thứ hai. Ông Quân vẫn chưa thể nói chính xác khi đưa ra con số mỗi năm có khoảng 300-400 ngàn nhà được xây dựng mới, trong đó có “khoảng” 60% có phép. 

Về sự nhũng nhiễu, ông Quân cho rằng ở nơi nào người dân còn thấy khó khăn, vô lí thì nhất định còn vướng ở khâu nào đó. Ông Quân thừa nhận nhũng nhiều là có; còn việc tham ô, đút tiền vào túi mình có hay không thì phải xem xét. Nếu có thì người quản lí trực tiếp phải có thái độ và biện pháp xử lí.

Đại biểu Đặng Văn Xướng nối dài vấn đề: “Bộ trưởng cho biết biện pháp cụ thể xử lí nhà vi phạm để cử tri có niềm tin”. Ông Quân đưa ra quan điểm là trước hết phải giữ kỉ cương. Cụ thể là xử phạt công trình theo hướng khôi phục tình trạng ban đầu, bồi thường thiệt hại do lỗi gây ra. Nhưng ông Quân cũng cho rằng, những ngôi nhà này là tài sản công cộng bởi vì “nếu tạo ra diện mạo bản sắc đẹp thì đó cũng là của công cộng rồi”.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết không chấp nhận cách trả lời này: “Nếu nói đó cũng là tài sản, là vẻ đẹp, tôi không đồng ý”. Đại biểu Thuyết ví von rằng, cái tai dù rất đẹp nhưng đặt ở cằm thì cũng không ổn!

Ông Quân chữa rằng, đó là ông nói một ví dụ cụ thể. Cũng theo ông Quân, ông đã tham gia với lãnh đạo Hà Nội là nên mời các hội đồng chuyên môn về kiến trúc qui hoạch để họ phát biểu, còn người quản lí không nói nhà này đẹp nhà kia không đẹp. Nhà quản lí chỉ dùng các qui định pháp luật để điều chỉnh vi phạm.

Đề cập đến nguyên nhân tình trạng xây dựng sai phép, đại biểu Trương Hữu Chí cho rằng thủ tục để xây dựng nhà ở rất khó khăn, quy trình chuẩn là 1 tháng nhưng thực tế cứ “thêm tháng”, có khi kéo dài đến 2, 3 năm. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân “chỉnh” lại rằng, việc này có cả vấn đề của cơ quan cấp phép, có cả nguyên nhân từ chủ đầu tư. Ông xác nhận có trường hợp cơ quan cấp phép yêu cầu chủ đầu tư xin hàng loạt văn bản thoả thuận, tới 5-7 loại thoả thuận, với đủ thứ cơ quan: điện, nước, quy hoạch… làm khó dân.  

Có tiền là nắn được quy hoạch?

“Bắt” vào vấn đề bán nhà công, đại biểu Trương Hữu Chí (Đồng Nai) “tỉa” ngay một câu khá gay gắt: “Có 2 câu hỏi của tôi thì Bộ trưởng đều hiểu không đúng”. Ông Chí nhắc lại câu chuyện Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân tới thăm GS Chuyên trong một căn hộ tầng 2 bé tí, xập xệ, luôn luôn phải chịu cảnh va chạm với hộ dưới và nêu lại câu hỏi: “Trường hợp của GS Chuyên cũng chỉ là 1 trong hàng vạn gia đình ở Hà Nội hiện nay. Vấn đề ở đây là việc người thuê nhà và chủ nhà cùng ở chung. Bộ trưởng có ý kiến gì về việc bán nhà để sau đó chủ nhà tự giải quyết với người thuê?”.

Đến đây, người trả lời chất vấn tỏ ý hoàn toàn đồng tình với việc phải bán lại để người ở có quyền tự chủ với nhà của mình.

Xoay qua vấn đề quản lý quy hoạch xây dựng, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết tiếp tục “lấn tới”. Ông nói về việc một cống ngầm ở Hà Nội chỉnh dần cho đến khi lớn hơn cả quy hoạch và việc này làm lợi lớn cho một doanh nghiệp. “Có phải cứ có tiền, có quyền là nắn được quy hoạch?” - ông Thuyết chốt lại.

“Chắc chắn là không thể làm được như vậy” - ông Quân đáp lại. Ông đã đề nghị đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cung cấp rõ trường hợp cử tri hỏi câu này để Bộ xem xét lại.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thiết (Vĩnh Phúc) “bồi” luôn: “Cách trả lời của Bộ trưởng không được mặn mà và không rõ trách nhiệm”. Vì không thoả mãn, hài lòng với phần trả lời này, ông muốn nhắc lại câu hỏi đã nêu nhiều lần về vấn đề làm nhà bám theo đường, không có quy hoạch, Bộ đề ra hướng giải quyết thế nào?

Ông Quân gật đầu xác nhận và chia sẻ việc cơ quan quản lý rất đau đầu vì cứ có đường là có nhà. Ông ví dụ trường hợp quốc lộ 5, bây giờ nên gọi là “phố đường 5” mới đúng. “Hướng phát triển này tiềm ẩn sự bất ổn định và hiện chúng tôi vẫn chưa giải quyết hiệu quả được” - vị Bộ trưởng nhận trách nhiệm.

Cấn Cường - Phương Thảo (ghi)