1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Phải tính tất cả rủi ro của đường sắt cao tốc Bắc - Nam”

(Dân trí) - “Đây là dự án rất lớn, chúng ta phải tính tất cả các yếu tố rủi ro. Nếu đạt được yêu cầu và có thể làm được thì chúng ta làm” - Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng nói về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng: Đường sắt cao tốc Bắc Nam sẽ phân phối lại cơ cấu vận tải của đất nước, kết nối một cách nhanh nhất hai trung tâm kinh tế lớn của đất nước, qua đó góp phần hình thành nên một trục đô thị ở dọc tuyến Bắc - Nam.

Với hơn 5 giờ từ Hà Nội tới TPHCM và ngược lại, tuyến đường sắt này sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí về thời gian. Cùng đó, tuyến đường này cũng góp phần giảm tải cho áp lực vận tải cá nhân trên đường bộ và góp phần cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông, giảm tỷ lệ về tai nạn giao thông, đặc biệt là tại nạn chết người.

Nhưng liệu dự án này có khả thi không, thưa Bộ trưởng?

Về tính khả thi báo cáo của Chính phủ có phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội và kinh tế tài chính. Hiệu quả kinh tế của dự án không phải là cao, nhưng xét về hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính thì dự án có thể lấy thu bù chi, hoàn trả được vốn.

Tổng đầu tư dự án là 55 tỷ USD đã được cho là quá lớn, nhưng nhiều ý kiến còn lo ngại, nếu thực hiện trong thực tế, dự án này có thể ngốn đến cả trăm tỷ USD?

Tính toán hiện nay tương đối chính xác bởi đầu vào dựa trên thông số của phía Nhật là tương đối cao và mức dự phòng 13% cũng là mức cao… Cho nên chúng tôi cho rằng, khả năng phát sinh không lớn, nhưng có thể tăng ở chỗ giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư.

Rất nhiều đại biểu băn khoăn về hiệu quả đầu tư và khả năng huy động nguồn vốn, bởi không phải tất cả vốn cho dự án lấy từ ngân sách mà chủ yếu là vốn đi vay, trong khi nợ của chúng ta đã rất lớn?

Lúc này Bộ mới trình báo cáo đầu tư và mới đạt được mấy nội dung để Quốc hội xem xét có cho tiếp tục làm hay không. Nếu Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì sắp tới phải bàn cụ thể với đối tác về khả năng vay được vốn như thế nào, lãi suất ra sao rồi thời gian vay như thế nào, các điều kiện ra sao.
 
“Phải tính tất cả rủi ro của đường sắt cao tốc Bắc - Nam” - 1
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng: "Đây là dự án cực kỳ lớn" (ảnh: Việt Hưng)

Đối tác cũng đang chờ xem Quốc hội có thông qua chủ trương đầu tư hay không và hiệu quả sơ bộ báo cáo đầu tư như thế nào họ mới trao đổi sâu về vấn đề này.

Tuy nhiên, có thể nói đây là một dự án cực kỳ lớn, chiếm 50% GDP một năm của đất nước. Tất nhiên, dự án trải dài đến năm 2035 và mỗi năm huy động hơn 4 tỷ USD và 10 năm đầu hơn 2 tỷ USD/năm .

Xét về tổng thế mà nói, đầu tư cho giao thông vận tải của ta mới chiếm 7% của tổng đầu tư xã hội mà theo kinh nghiệm quốc tế, đầu tư cho giao thông vận tải khoảng 15%. Nếu thêm đường sắt cao tốc, đầu tư cho giao thông vận tải chiếm khoảng 15%, tức là vẫn nằm trong giới hạn cho phép để đầu tư vào giao thông vận tải mà không ảnh hưởng đến các nội dung đầu tư khác của Chính phủ.

Có ý kiến cho rằng dự án này không hiệu quả, bởi đường  sắt cao tốc chỉ vận chuyển hành khách, không chuyên chở hàng hoá và các nước trên thế giới không sử dụng loại hình đường sắt  này, chỉ thực hiện mở rộng khổ đường để tăng lượng vận tải?

Chúng tôi cũng đưa ra 4 phương án, trong đó có phương án mở rộng đường. Tuy nhiên, nếu chúng ta mở rộng đường từ 1.000mm thành 1.435mm có nghĩa là chúng ta phải dừng đường sắt Bắc Nam.

Chưa hết, mở ra 1.435mm thì phải có một đường 1.435mm bên cạnh thành đường đôi. Với hành lang của tuyến đường sắt  hiện nay nếu làm thêm đường sắt 1.435mm nữa là bất khả thi vì rất tốn kém và cũng không thể nào giải phóng mặt bằng được.

Bộ trưởng có lo Quốc hội sẽ không thông qua chủ trương đầu tư tuyến đường sắt này?

Không! Đây là dự án rất lớn, mình phải tính tất cả các yếu tố rủi ro. Nếu đạt được yêu cầu và có thể làm được thì chúng ta làm.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!
 

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển: Không nên làm một mạch

Theo xu hướng phát triển chung, tới năm 2030, chúng ta phải có hệ thống hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. Trong khi đó, hệ thống vận tải Bắc - Nam, nhất là vận tải hành khách, hiện đang mất cân đối nghiêm trọng, kể cả đường thủy, đường không và đường bộ đều chưa đáp ứng được yêu cầu. Thế nên, lựa chọn phương án đầu tư để có tuyến đường sắt cao tốc là hợp lý, nhưng theo tôi dự án này phải được phân kỳ đầu tư để phù hợp với khả năng. Không nên làm một mạch mà có thể làm trước một số đoạn như Chính phủ đã đề xuất (đoạn Hà Nội - Vinh hoặc TP HCM - Nha Trang).

Về hiệu quả, đây là dự án kinh tế nhưng cũng mang ý nghĩa chính trị - xã hội. Nếu đặt vấn đề thu hồi vốn ngay trong những năm trước mắt hoặc đảm bảo hiệu quả ngay thì như trong báo cáo của Chính phủ cũng đã nói, chỉ đạt tỷ lệ nào đó thôi. Ở đây, ngân sách phải bỏ ra để đầu tư vào cơ sở hạ tầng của xã hội.

Về khả năng của người dân, tới năm 2030, khi công trình này đưa vào sử dụng (nếu được Quốc hội phê duyệt), mức thu nhập bình quân không phải 1.000 USD/người/năm mà sẽ là 3.000 USD/người/năm. Thêm nữa, so với hàng không, giá tàu chắc chắn vẫn thấp hơn nhiều và cao lắm cũng chỉ bằng 50% giá vé máy bay.  

 
Cấn Cường