1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Nới” luật để tuyển viên chức người Việt ở nước ngoài

(Dân trí) - “Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, không lý do gì ngăn cấm 300.000 người Việt định cư ở nước ngoài có trình độ đại học, trên đại học trở thành viên chức trong nước” - UB Pháp luật của Quốc hội ủng hộ quy định mới trong dự Luật viên chức.

“Nới” luật để tuyển viên chức người Việt ở nước ngoài - 1

Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn: “Nới” quyền của 1,6 triệu viên chức hiện nay theo hướng mở hơn so với cán bộ, công chức (ảnh: Việt Hưng)
 
Trình bày dự thảo Luật viên chức, Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn khái quát, tính đến thời điểm năm 2009, tổng số viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập là 1,6 triệu người, làm việc trong hơn 50.000 đơn vị sự nghiệp từ Trung ương đến cấp huyện.

Thực tế quy định quản lý “cập nhật” nên trong nhiều lĩnh vực, hoạt động nghề nghiệp của viên chức còn tình trạng vi phạm về chất lượng, đạo đức và kỷ luật nghề nghiệp. Tư duy về các hoạt động nghề nghiệp của viên chức vẫn mang dấu ấn của thời kỳ kế hoạch hóa tập trung. Năm 2003, dù nhà nước đã đổi mới việc tuyển dụng viên chức từ hình thức tuyển dụng lâu dài sang hình thức hợp đồng làm việc nhưng cách thức tuyển dụng theo hợp đồng gắn với chỉ tiêu biên chế chưa đáp ứng yêu cầu giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Xây dựng Luật viên chức, Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh quan điểm “nới” quyền của 1,6 triệu viên chức hiện nay theo hướng mở hơn so với cán bộ, công chức.

Quy định mở cho phép công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được tham gia dự tuyển làm viên chức vẫn nhận 2 luồng ý kiến đối lập. Quan điểm ủng hộ cho rằng dù định cư ở nước ngoài, những người này vẫn là công dân Việt Nam, có quyền và nghĩa vụ như công dân trong nước.

UB Pháp luật cho rằng, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay thì không lý do gì ngăn cấm 300.000 người Việt định cư ở nước ngoài ở nước ngoài được đào tạo ở trình độ bậc đại học, trên đại học hoặc công nhân kỹ thuật bậc cao trở thành viên chức ở trong nước. Tuy nhiên, điều kiện tuyển dụng với nhóm nhân sự tiềm năng này cũng cần quy định chặt chẽ hơn.

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đề nghị cho phép viên chức được tham gia góp vốn, thành lập (nhưng không được trực tiếp điều hành) công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, được làm thêm ngoài giờ.

“Gật đầu” toàn diện, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng đó là quyền của viên chức, giúp viên chức sử dụng tối đa năng lực chuyên môn, mang lại lợi ích cho bản thân và xã hội. Ông Thuận nêu lý lẽ, việc hạn chế viên chức trong một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định tham gia hoạt động kinh doanh, nghề nghiệp ngoài đơn vị sự nghiệm công lập hiện đã được quy định trong nhiều luật chuyên ngành như Luật khám chữa bệnh, Luật phòng chống tham nhũng…

Để chặn tình trạng viên chức vì thực hiện các hoạt động nghề nghiệp ngoài giờ làm giảm chất lượng cung cấp các dịch vụ công thì luật cần có cơ chế đánh giá, quản lý viên chức một cách có hiệu quả. Yêu cầu đặt ra là đảm bảo viên chức phải hoàn thành nhiệm vụ được giao cả về thời gian và chất lượng công việc cũng như có biện pháp xử lý đối với các viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.

UB Pháp luật nêu quan điểm ủng hộ xu thế tăng quyền cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, việc phân cấp, giao quyền như dự thảo luật là quá nhiều, quá mạnh, có thể dẫn đến sự độc đoán, lạm quyền thậm chí cố ý làm trái để trục lợi.

Chủ nhiệm UB Nguyễn Văn Thuận đề nghị nên phân cấp, giao quyền từng bước cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đồng thời có cơ chế chịu trách nhiệm tương xứng với thẩm quyền được giao.

Đặt ra cơ chế Hội đồng quản lý tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính như đề xuất trong dự thảo luật là một phương án tích cực song cũng cần giải trình làm rõ về thành phần Hội đồng, cách thức thành lập, quyền hạn cũng như mối quan hệ với người đứng đầu để Quốc hội xem xét quyết định.

P.Thảo