Quy trách nhiệm việc “tự do ngắt cầu dao” điện
(Dân trí) - “Tăng trưởng kinh tế thì nằm trong dự liệu, kế hoạch. Nắng hạn năm nào cũng có, không có gì bất ngờ với việc thủy điện thiếu nước” - bác những lý do biện minh cho tình trạng cắt điện trầm trọng, đại biểu QH quy lỗi do cơ chế độc quyền ngành điện.
Địa phương cắt điện nhiều gấp 20 lần
Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) phản ánh bức xúc của cử tri, đến hè nhu cầu sử dụng điện cao thì lại bị cắt. Theo ông Mạo, việc cắt điện cách đây 5-7 năm không mấy ảnh hưởng đến xã hội vì các doanh nghiệp chưa sử dụng nhiều điện lưới quốc gia, còn dân không có điện thì dùng đèn dầu, không có quạt điện thì sử dụng quạt mo.
Đại biểu Mạo đặt vấn đề thiếu điện và thiếu nhiều năm liền có phải là việc đương nhiên, không thể tránh khỏi hay do cơ chế điều hành. Lý lẽ ngành điện giải thích do tăng trưởng kinh tế, nhu cầu dùng điện tăng cao; do trời nắng nóng, hạn hán, thiếu nguồn nước cho thủy điện… theo ông Mạo chưa thỏa đáng.
“Tăng trưởng kinh tế thì nằm trong dự liệu, kế hoạch của chúng ta. Nắng hạn thì năm nào cũng có, dù ít nhiều khác nhau nhưng không có gì bất ngờ với việc thủy điện thiếu nước” - đại biểu phân tích theo hướng loại trừ.
Một trong những nguyên nhân được chỉ thẳng tên là ngành điện chưa phải chịu trách nhiệm gì về việc cắt điện ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của xã hội nên chưa tính mọi cách để bù nguồn thủy điện thiếu hụt.
Đại biểu Mạo trích báo cáo của Cục điều tiết điện - Bộ công thương mới kết luận, đáng ra tình trạng cắt điện thời gian qua không quá trầm trọng nếu Tập đoàn điện lực VN huy động hết mạng lưới nhà máy điện chạy dầu để hỗ trợ cung ứng.
Ông Mạo “kết tội” ngành điện đang “né” áp lực trách nhiệm. Giải pháp tình thế là “hi sinh cục bộ”, ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM chỉ tiết giảm 0,8-2% trong khi các địa phương khác lại thả cửa đến 10-15, thậm chí 20%, khiến người dân càng bức xúc.
Chia sẻ bức xúc, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu một loạt thông tin cập nhật từ các địa phương. Ngư dân ở miền Trung khốn khổ sau những chuyến đánh bắt lênh đênh cả tháng trời về mà không có điện, không có đá để bảo quản, hàng trăm tấn hải sản hư hỏng. Những hộ nông dân sống bằng nghề ấp trứng gà vịt vừa qua khóc dài đổ bỏ những mẻ trứng ấp dở thì bị cắt điện. Người dân trồng chè vùng núi phía Bắc cũng mất hàng trăm tấn sản phẩm…
Ông Tiến truy vấn không thấy ngành điện đền bù thiệt hại cho dân. “Không có điện thì không có phát triển kinh tế. Cần “dẹp” lại các dự án đường cao tốc, xây dựng các trung tâm hành chính thương mại để giải quyết dứt điểm hiện tượng thiếu điện, không để tình trạng “tự do ngắt cầu dao” như hiện tại” - ông Tiến kiến nghị.
Đại biểu Quảng Trị cũng phân tích thêm bất cập, đầu tư mỗi nhà máy điện hiện ngốn cả nghìn tỷ đồng cũng chỉ đóng góp được thêm 2-4% năng lực phát điện trong khi thất thoát truyền tải, đường dây cũng tới hàng chục %.
Giá điện nước, nhà ở, thuốc trị bệnh biểu đồ “dốc đứng”
Đánh giá chung báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, những con số tăng trưởng đạt được những tháng đầu năm 2010, đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) “chọc” thẳng vào mảng tối: mức sống của đại bộ phận công nhân, nhân dân lao động chưa được cải thiện đáng kể.
Nguyên nhân giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng cao được lý giải do bị chi phối bởi giá thế giới. Đại biểu Việt “vặn”, Chính phủ cần xem xét mức thu nhập trung bình của dân cư lao động còn thấp xa, không đủ sức gánh vác theo giá cả thế giới.
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng nêu nghịch lý, năm 2009, cả nước tăng thu trên 34% nhưng đời sống nhân dân hết sức khó khăn. 5 tháng đầu năm 2010, chỉ số giá tiêu dùng đã lên ngưỡng 5%. “So với chỉ tiêu kiềm chế lạm phát cả năm không quá 7% QH đặt ra làm sao đạt được?” - đại biểu đặt câu hỏi.
Việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu, than… ngay từ đầu năm, ông Minh nhấn mạnh, đã ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Ông Minh không phủ nhận chủ trương xóa bao cấp giá cả trong đời sống kinh tế nhưng đòi hỏi có biện pháp điều hành, định hướng của nhà nước.
Đại biểu kiến nghị phải xóa độc quyền nhà nước trong điều hành, phân phối một lĩnh vực hàng hóa.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cũng cảnh báo trong tình hình tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm phát cần điều hành chặt chẽ việc nhập các loại hàng hóa trong nước sản xuất được, hàng hạn chế nhập khẩu. Thực tế, mức sống người dân chưa cao nhưng xe hơi đắt tiền, điện thoại hiện đại… vừa qua vẫn vô tư nhập khẩu, càng gây áp lực tăng giá tiêu dùng.
P.Thảo