1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Luật nuôi con nuôi: Vì mái ấm của trẻ chứ không vì cha mẹ nuôi

(Dân trí) - Đáp lại băn khoăn của nhiều đại biểu cho rằng dự luật Nuôi con nuôi quá khắt khe về điều kiện cho con nuôi người nước ngoài, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường lý giải: “đạo lý của luật là tìm mái ấm cho trẻ em chứ không tìm trẻ cho cha mẹ”.

Dự thảo luật Nuôi con nuôi lần thứ 2 ra Quốc hội đã được chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung. Theo đó, việc thành lập Hội đồng tư vấn giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài được loại bỏ vì trách nhiệm không rõ ràng.

Luật nuôi con nuôi: Vì mái ấm của trẻ chứ không vì cha mẹ nuôi - 1
Đại biểu băn khoăn nhiều về Hội đồng tư vấn giới thiệu trẻ làm con nuôi người nước ngoài (ảnh: Việt Hưng).

UB Thường vụ Quốc hội phân tích, hiện tượng cơ sở nuôi dưỡng vừa là nơi tiếp nhận trẻ, vừa nhận tài trợ từ nước ngoài, đồng thời cũng là nơi giới thiệu trẻ em dẫn đến tình trạng thiếu vô tư, khác quan, thường “nhắm” hướng giới thiệu trẻ làm con nuôi người nước ngoài nhằm hưởng lợi. Cần tổ chức lại quy trình này, tách việc giới thiệu trẻ làm con nuôi với việc tiếp nhận tài trợ và quản lý nhà nước là cần thiết nhưng mô hình Hội đồng tư vấn trong thực tế không hiệu quả, trách nhiệm không rõ ràng.

UB Thường vụ vì vậy đã chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, tổ chức trong từng khâu công việc. Theo đó, cơ sở nuôi dưỡng đảm đương việc tiếp nhận trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi và thông báo cho Sở Tư pháp những trường hợp cần tìm gia đình thay thế. Bộ Tư pháp làm khâu thông báo tìm người nuôi, kiểm tra xử lý hồ sơ người nhận nuôi. Sở Tư pháp kiểm tra hồ sơ trẻ, giới thiệu trẻ làm con nuôi người nước ngoài, trình UBND tỉnh quyết định. Công an tỉnh xác minh hồ sơ trẻ bị bỏ rơi.

Về nguyên lý, chỉ cho trẻ làm con nuôi người nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế trong nước. Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) thắc mắc: “luật dự liệu nước ngoài nhiều rủi ro hơn trong nước?”. Thực tế nhiều con nuôi người Việt được cha mẹ người nước ngoài nuôi dưỡng trong điều kiện tốt đã trở thành những nhà khoa học, chính trị gia nổi tiếng thế giới.

Luật nuôi con nuôi: Vì mái ấm của trẻ chứ không vì cha mẹ nuôi - 2

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: “Phí nuôi dưỡng giống việc bắt nhà chồng nộp tiền nuôi con gái mình từ lúc dạm ngõ đến khi cưới xin xong” (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng nêu, quy định không “chào đón” này có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trong quan hệ ngoại giao.

Gạt đi những băn khoăn này, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường  giải thích, đây là nguyên tắc quan trọng trong tập quán, luật quốc tế, vì với sự phát triển của trẻ em không môi trường nào tốt bằng gia đình trong nước nơi trẻ được sinh ra.

Chính vì vậy, điều kiện quy định để đưa trẻ em đi làm con nuôi người nước ngoài rất khắt khe. “Đạo lý của việc này là nhà nước chăm lo việc tìm mái ấm gia đình cho trẻ em có điều kiện đặc biệt chứ không phải tìm trẻ em cho cha mẹ nuôi, để đáp ứng nhu cầu của cha mẹ nuôi. Phải đặt lợi ích của trẻ lên trên hết” - Bộ trưởng Tư pháp khẳng định.

Với lý lẽ đó, ông Cường hoàn toàn đồng tình với đề nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) xét lại điều kiện cho người đã được xóa án tích về một trong các tội “ngược đãi trẻ em”, “mua bán trẻ em”, “sử dụng trẻ em vào việc làm phi pháp”… được nhận con nuôi. Ông Thuyết lo ngại, chỉ sau một vài năm ngồi tù, được xóa án tích mà lại được nhận con nuôi thì chưa an toàn cho trẻ, chưa chắc đã “cải biến” được.

Vấn đề chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phản đối khoản tiền xác minh nguồn gốc, thẩm định hồ sơ của trẻ vì đây là việc nhà nước giao cho cơ quan công an, tư pháp mà lại đi thu tiền của bố mẹ nuôi.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phú Thọ) nêu quan điểm “bài” thêm 2 loại chi phí khác là “kinh phí nuôi trẻ từ khi được giới thiệu, làm thủ tục đến khi giao nhận” và khoản “thù lao hợp lý cho người nuôi dưỡng”. Bà Huyền cho rằng, đây chính là những kẽ hở đã bị nhiều người lợi dụng trục lợi dẫn đến nhiều vụ tiêu cực bị phát hiện vừa qua. 

Luật nuôi con nuôi: Vì mái ấm của trẻ chứ không vì cha mẹ nuôi - 3
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định Luật Nuôi con nuôi được làm chuẩn (ảnh: Việt Hưng).
 
Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết bỏ một phiếu thuận cho ý kiến này. Ông Thuyết ví von: “Quy định này có khác gì việc bắt nhà chồng nộp lại khoản tiền nuôi con gái mình từ lúc dạm ngõ cho tới khi cưới xin xong”.

Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) kiến nghị tách hẳn các khoản chi phí với nguồn hỗ trợ nhân đạo bằng một quỹ tài chính phi lợi nhuận, công khai, do nhà nước quản lý với nguồn kinh phí hoạt động từ ngân sách. Quỹ này sẽ ngăn việc thỏa thuận “tiền vào - trẻ ra” trực tiếp giữa các tổ chức con nuôi nước ngoài với cơ sở nuôi dưỡng, giới thiệu trẻ trong nước.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường một lần nữa phân trần, các loại chi như dự thảo luật hoàn toàn phù hợp công ước La Haye về hoạt động cho nhận con nuôi quốc tế mà Việt Nam sắp tham gia. Các nước thành viên La Haye cũng chỉ mong Việt Nam quy định thật rõ ràng, minh bạch các khoản.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm