1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quy hoạch chung Hà Nội: Đề phòng nhóm lợi ích gây đột biến giá đất

(Dân trí) - Bàn về đồ án quy hoạch chung Hà Nội, UB Kinh tế yêu cầu tổ chức lấy ý kiến người dân cả nước; tránh xáo trộn tâm lý; đề phòng những tác động xấu của các nhóm lợi ích gây đột biến về giá đất, về thị trường bất động sản như vừa qua.

Báo cáo ý kiến về đồ án quy hoạch chung Hà Nội, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn vào vấn đề 90 tỷ USD dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến 2050. Tính theo tỷ lệ 40-50% tổng vốn cho xây dựng khung hạ tầng thì đến 2030 cần 20-30 tỷ USD.

 

Quy hoạch chung Hà Nội: Đề phòng nhóm lợi ích gây đột biến giá đất - 1
Đại biểu băn khoăn mức huy động vốn 90 tỷ USD so với tốc độ tăng trưởng kinh tế Hà Nội (ảnh: Việt Hưng).

 

UB Kinh tế lưu ý tính toán kỹ hơn nhu cầu đầu tư vốn cho hạ tầng theo yêu cầu mức huy động phù hợp tốc độ tăng trưởng kinh tế thủ đô; cân đối với nhu cầu đầu tư tổng thể cả nước cho các công trình khác như điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc - Nam; căn cứ nội dung công việc cần làm để đạt mục tiêu quy hoạch chứ không chạy theo nội dung ước đoán “có thể làm”.

 

Ông Hiền cũng nêu yêu cầu tổ chức lấy ý kiến người dân cả nước theo đúng quy định của Luật quy hoạch đô thị. Trong đó, việc giải thích rõ định hướng đồ án để người dân nhận thức đúng, tránh xáo trộn tâm lý, tránh lợi dụng, tạo đột biến về giá đất, về thị trường bất động sản như vừa qua được chủ nhiệm UB kinh tế nhắc nhở.

 

“Cần đề phòng những tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích ảnh hưởng tới các định hướng của đồ án” - ông Hiền nói.

 

Về định hướng không gian đô thị theo bản quy hoạch chung, UB Kinh tế khái quát, đa số ý kiến đều đánh giá ý tưởng hình thành đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh được liên kết với nhau bởi các trục hướng tâm là phù hợp.

 

Quy hoạch chung Hà Nội: Đề phòng nhóm lợi ích gây đột biến giá đất - 2
Tham khảo thêm sa bàn, bản đồ đặt tại hội trường (ảnh: Việt Hưng).

 

Tuy nhiên theo đồ án, đến năm 2030, dân số 5 đô thị vệ tinh khoảng 1,3- 1,4 triệu người. Vấn đề là cần làm rõ những động lực chính thúc đẩy sự phát triển của các đô thị vệ tinh, từ đó cân nhắc lại quy mô dân số ở các đô thị này cho phù hợp cơ cấu lao động theo nhu cầu phát triển kinh tế khu vực.

 

Xoay quanh vị trí đặt Trung tâm hành chính quốc gia ở chân núi Ba Vì, các ý kiến thẳng thắn cho rằng không phù hợp cả về mặt yếu tố lịch sử, văn hóa và quốc phòng an ninh. UB Kinh tế đặt câu hỏi về cơ sở ý tưởng “di” trung tâm hành chính trong khi trung tâm chính trị vẫn ở Ba Đình.

 

UB Kinh tế nhận xét: “Đồ án chưa thể hiện rõ nét, kể cả bằng lời, sự gắn kết giữa Trung tâm hành chính và Trung tâm chính trị hiện nay” và kiến đề nghị cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước lập tách riêng khu vực hành chính có hiệu quả không?

 

Ngoài ra còn cả mối băn khoăn về định hướng một khu vực xây dựng tập trung các cơ quan của Chính phủ trong điều kiện một số bộ, ngành hiện đã và đang xây dựng trụ sở làm việc mới (xung quanh khu vực Mỹ Đình).

 

Các ý kiến trái chiều về trục Thăng Long tiếp tục được đề cập với ghi nhận của UB Kinh tế đây là điểm nhấn quan trọng trong bản quy hoạch. Trục sẽ đóng vai trò trục phát triển trung tâm của Hà Nội say này, đặc biệt có giá trị với trung tâm hành chính quốc gia khi định hình.

 

Quy hoạch chung Hà Nội: Đề phòng nhóm lợi ích gây đột biến giá đất - 3
Chủ nhiệm UB kinh tế Hà Văn Hiền: “Ý nghĩa, sự cần thiết xây dựng trục Thăng Long chỉ cách đường cao tốc Láng - Hòa Lạc 4km?” (ảnh: Việt Hưng).

 

Chủ nhiệm UB Hà Văn Hiền nhấn mạnh yêu cầu làm rõ ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng trục Thăng Long, cân đối với quy hoạch các trục giao thông chính song song, lân cận hiện có như quốc lộ 32, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, chỉ cách trục 4km. Bài toán đánh đổi diện tích đất lúa cần thu hồi để làm đường cũng là điểm phải lưu tâm.

 

Đi liền với trục Thăng Long, đài Độc lập theo ý tưởng quy hoạch là công trình văn hóa, biểu tưởng kiến trúc mới đặt tại “nút” trục, cần lựa chọn vị trí trên cơ sở phù hợp các tiêu chí chính trị, lịch sử, văn hóa.

 

Cũng bàn về yếu tố văn hóa, UB Kinh tế tỏ ý băn khoăn về định hướng giữ gìn bản sắc mảng phố cổ Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là việc phát triển các khu đô thị mới có bảo đảm vừa bảo tồn bản sắc của Hà Nội cổ cũng như những nét đặc trưng của Thủ đô văn hiến với tính đô thị hiện đại?

 

Cơ quan này đề nghị đơn vị làm quy hoạch cụ thể hóa “tính Hà Nội”, những nét bản sắc riêng của thủ đô so với các tỉnh thành khác, làm nổi bật định hướng bảo tồn các khu vực như Thăng Long cổ, vùng văn hóa phía Tây Hà Nội...

 

Một số vấn đề khác cũng được yêu cầu làm rõ là quy hoạch hành lang xanh thực chất là vùng nông nghiệp, làng mạc nông thôn; cơ chế sử dụng đất, quản lý với các cơ sở di dời theo quy hoạch; hiểm họa, diễn biến thủy văn khi quy hoạch thành phố bến sông Hồng...

 

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm