Giám sát giáo dục Đại học “thiếu lửa” trách nhiệm
(Dân trí) - “Kết quả giám sát mới chỉ vẽ lên được bức tranh có mảng tối, mảng sáng phân biệt. Còn phần nguyên nhân được đề cập vẫn “thiếu lửa”, tránh né, ngại va chạm, chưa vạch ra trách nhiệm cụ thể nên vẫn… hòa cả làng”.
Đại biểu Lê Văn Cuông đặt vấn đề trong phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội hôm nay về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục Đại học.
Bộ GD-ĐT phải gương mẫu và trong sáng
Dù thế, quy mô lại vượt xa năng lực đào tạo. Từ năm 1987 - 2009, số sinh viên tăng gấp 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Năm 2009, hơn 300 trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu được duyệt với tổng số lên tới 15.000 chỉ tiêu mà không bị xử lý.
“Với điều kiện như vậy mà đặt mục tiêu đào tạo chất lượng cao thì sao khả thi?” - ông Lượng day dứt.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu logic ngược: “Sao một đất nước học trò nổi tiếng thông minh, cần cù; một đất nước mà gia đình nào cũng sẵn lòng nhịn ăn bỏ tiền cho con đi học; một đất nước nghèo mà dám đầu tư cho giáo dục tới 20% GDP… mà vẫn chưa có trường ĐH lọt top 200 thế giới?”.
Chất lượng không cao đi kèm với đào tạo, lập mới trường tràn lan. Ông Nghĩa yêu cầu làm rõ động cơ thành lập trường, chỉ duy nhất vì động cơ kinh doanh. Đại biểu cho rằng, cần quan niệm hoạt động trong lĩnh vực này trước hết để “quy anh” xã hội, không thể chỉ chạy theo siêu lợi nhuận.
Ông Nghĩa truy nguyên nhân sự rối ren trong giáo dục ĐH hiện nay là từ công tác điều hành của Bộ GD-ĐT. Theo đó, để hổng việc lập trường tràn lan, cơ quan quản lý hẳn “có vấn đề”. “Sự gương mẫu và trong sáng của Bộ là điều kiện tiên quyết. Bộ phải người thầy của người thầy về sự công tâm” - đại biểu Đà Nẵng nhấn mạnh.
Ông Cuông lưu ý: “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Đại biểu kiến nghị Quốc hội ra nghị quyết sau phiên thảo luận này để tìm ra gốc của những yếu kém, nghịch lý cũng như quy trách nhiệm cá nhân cho hiện tượng buông tay cho lập trường.
Chưa có “cửa” cho trường ĐH lọt top 200 châu Á
Bàn về chất lượng đào tạo ở bậc học ĐH, đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) xoáy vào nội dung chương trình, nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, lạc hậu, chậm đổi mới. Thời gian dành cho đào tạo ĐH khá dài, nặng nhưng dàn trải, thiếu định hướng chuyên môn.
Đại biểu lấy ví dụ ngành học kinh tế, sinh viên Việt Nam có 410 đơn vị học trình liên quan nhưng dung lượng kiến thức cần thiết chỉ bằng khoảng 1/3 thời lượng đào tạo tại Mỹ. Số tiết học chia đều cho quá nhiều môn, không đủ đi vào chuyên sâu bất cứ vấn đề gì.
Giáo trình giảng dạy thì tất thảy các trường ĐH đều thiếu cập nhật. Thư viện trường nào cũng có 5-7 đầu sác giáo trình xuất bản từ những năm 60 của thế kỷ trước trong khi các nước có nền giáo dục tiên tiến đều thay toàn bộ giáo trình 5 năm/lần.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thuyết: “Không thể có trường ĐH tiên tiến khi quy mô đầu tư chưa tiên tiến” (ảnh: Việt Hưng).
“Không thể có trường ĐH tiên tiến khi quy mô đầu tư chưa tiên tiến. Không thể tăng sinh viên gấp hàng chục lần nhưng mức đầu tư vẫn… dậm chân” - ông Thuyết khẳng định.
Đại biểu Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) cảnh báo, kế hoạch đào tạo 2 vạn tiến sỹ vào năm 2020 đã “treo” sẵn kết quả về chất lượng. Mong muốn có trường ĐH lọt tốp 200 thế giới là chính đáng nhưng bài toán trước mắt là top 200 châu Á vẫn chưa có “cửa”.
Báo cáo kết quả giám sát
5 năm gần đây (2005-2009), việc cho phép thành lập mới các trường CĐ, ĐH có phần dễ dãi khi các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giảng viên không đảm bảo, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, nhất là ở các trường ngoài công lập và các trường địa phương.
Hội đồng thẩm định thành lập trường thường phải châm chước các điều kiện thành lập dẫn đến tình trạng phần lớn các trường ngoài công lập đều phải thuê, mượn cơ sở vật chất và rất thiếu giảng viên cơ hữu. Quy trình thành lập trường cũng không quy định tổ chức hậu kiểm nên các trường không đủ điều kiện vẫn được tuyển sinh và rổ chức đào tạo mà không bị xử lý.
Từ 1987-2009, số sinh viên cả nước tăng 13 lần nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần, tỷ lệ 28 sinh viên/giảng viên, quá cao so với quy định. Một số trường, tỷ lệ này còn lên tới 40 sinh viên/giảng viên. Số giờ giảng của giảng viên quá cao, nhiều người dạy tới 1.000 tiết/năm trong khi chuẩn quy định là 260 tiết/năm.
Về cơ cấu trình độ, trong số hơn 61.000 giảng viên mới có 6.200 tiến sỹ, 22.800 thạc sỹ và 2.300 giáo sư – phó giáo sư trogn khi mục tiêu đặt ra đến 2015 phải có ít nhất 50% giảng viên ĐH có trình độ tiến sỹ. |
P.Thảo