(Dân trí) - Dù tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc bảo hộ nhưng để loại trừ các nguy cơ lây nhiễm, thành viên đội truy vết F0 đều "tắm" cồn, dung dịch sát khuẩn gần như hàng ngày...
Dù tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc bảo hộ nhưng để loại trừ các nguy cơ lây nhiễm, thành viên đội truy vết F0 đều "tắm" cồn, dung dịch sát khuẩn gần như hàng ngày...
"Có trường hợp F0, tại khu cách ly khách sạn H.K. Tổ truy vết F0 cho anh em lập tức lên đường", mệnh lệnh được Thượng tá Trần Đình Vinh - Phó trưởng Công an TP Vinh (Nghệ An), Tổ trưởng tổ truy vết đưa ra lúc gần 22h đêm.
Trung úy Nguyễn Công Vượng và Trung úy Phạm Đức Chính lao ra xe, chạy thẳng tới khách sạn, nơi được TP Vinh trưng dụng làm khu cách ly tập trung. Các thành viên còn lại vẫn chúi vào máy tính nhập số liệu truy vết hay điện thoại cho các trường hợp được xác định là F1 của các ca mắc Covid-19 công bố trước đó. Khung cảnh này đã quá quen thuộc đối với 38 cán bộ, chiến sĩ Đội truy vết Công an TP Vinh gần một tháng nay.
Trùm bộ bảo hộ kín mít, lấy băng dính dán phần cổ và chân, "tắm" thêm một lượt hóa chất khử khuẩn, hai cán bộ công an và một cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An di chuyển bằng thang máy lên tầng 6. Trường hợp F0 này là một người phụ nữ làm nghề buôn bán, được cách ly từ trước.
"Chị cố gắng bình tĩnh nhé. Tôi sẽ gợi ý để chị nhớ lại lịch trình, địa điểm đã đến, những người đã gặp trong 21 ngày qua", Trung úy Chính động viên. Hành lang hẹp của khách sạn như đặc quánh lại trong mùi sát khuẩn nồng nặc. Tờ giấy trên tay Trung úy Vượng đặc kín chữ. "Chị cố nhớ lại xem nào. Hôm đó là ngày Tết Đoan ngọ đấy, chị cố nhớ xem có đi chợ hay gặp gỡ ai không?", Trung úy Vượng vẫn ôn tồn dù đứng lâu, hai chân đã tê cứng. Thỉnh thoảng khoảng không trước mặt lại được cán bộ CDC bổ sung thêm một lớp diệt khuẩn như sương mù. Dẫu mang 2 lớp khẩu trang, tôi vẫn cảm nhận được mùi hóa chất xộc vào tận mũi...
Hơn một tiếng đồng hồ sau, việc lấy thông tin truy vết cũng hoàn tất. Cởi bỏ lớp khẩu trang, quần áo bảo hộ theo đúng quy trình được hướng dẫn, vẫn chưa yên tâm, các thành viên hỗ trợ nhau "tắm" dung dịch khử khuẩn một lần nữa trước khi di chuyển về đơn vị thực hiện các giai đoạn truy vết tiếp theo. "Như thế này là nhanh đó chị. Có những trường hợp phải mất 3-4 tiếng đồng hồ đứng giữa trời nắng. Thêm bộ bảo hộ này nữa thì không khác gì đang ở trong lò nung. Quần áo tưởng như vắt ra được trong khi miệng đắng nghét vì khát", Trung úy Vượng nói. Toàn bộ dữ liệu thông tin thu thập được chụp lại, gửi về đơn vị. Giấy, bút cùng đồ bảo hộ phải tiêu hủy, tránh nguy cơ phát tán mầm virus ra ngoài.
Trung tá Phạm Thế Anh - Tổ phó tổ truy vết Công an TP Vinh cho biết: "Từ khi TP Vinh ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên, anh em chỉ được ngủ khoảng 2 tiếng mỗi ngày. Bất kỳ lúc nào có thông tin về ca F0 là lên đường, bất kể 2h sáng hay 12h trưa. Ngoài nhiệm vụ phòng, chống dịch, anh em vẫn phải thực hiện công tác chuyên môn, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn trong bối cảnh dịch hoành hành. Đảm trách khối lượng công việc khổng lồ, ăn ngủ thất thường nên nhiều người suy kiệt sức khỏe. Nhưng từ thông tin truy vết công an thu thập, các cơ quan chức năng đã kịp thời đưa ra các quyết định phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả trên địa bàn". Bản thân Trung tá Phạm Thế Anh cũng vừa trải qua 4 ngày liên tiếp phải truyền dịch để tiếp tục "chiến đấu".
Lần đầu tiên thực hiện một nhiệm vụ "chưa từng có tiền lệ", Công an TP Vinh đã huy động những cán bộ tinh nhuệ nhất của các đội nghiệp vụ. Với tinh thần khẩn trương, chính xác, chỉ trong một thời gian ngắn các tổ đã truy vết 96 F0, 2.611 F1 và 8.984 F2.
"Riêng ổ dịch chợ đầu mối TP Vinh mỗi ngày có xấp xỉ 1.500 người đến mua bán, trao đổi hàng hóa. Tại ổ dịch này, chúng tôi truy vết 33 F0, nếu không kịp truy vết, xác định các F1, F2 để từ đó tham mưu cơ quan chức năng có biện pháp cách ly, khoanh vùng, nguy cơ lây lan dịch là rất lớn. Chỉ trong một thời gian ngắn, cùng với sự hỗ trợ của công an và tổ truy vết cộng đồng các phường xã, chúng tôi đã xác định được hơn 3.300 F1 và F2. Khẩn trương, kịp thời nhưng phải đảm bảo chính xác các trường hợp để tránh cách ly sót, cách ly nhầm", Trung tá Trần Trung Kiên cho hay.
Khó khăn nhất là các thành viên chưa có kinh nghiệm trong truy vết dịch, hơn nữa, cũng chưa từng có giáo trình điều tra nào liên quan. Bởi vậy, họ bước vào nhiệm vụ đặc biệt này trong tâm thế vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm.
Thượng tá Trần Đình Vinh - Phó trưởng Công an TP Vinh chia sẻ: "Không có một công thức chung nào cho việc thu thập thông tin truy vết. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có kỹ năng và linh động trong từng tình huống. Thực ra, khi biết mình là F0 hay có nguy cơ lây nhiễm, tâm lý chung là hoang mang, lo lắng, mặt khác áp lực từ dư luận, họ không nhớ hoặc không khai báo một cách đầy đủ, gây khó khăn cho việc truy vết. Khi đó, ngoài việc trấn an, động viên, các thành viên tổ truy vết phải có kỹ năng gợi mở để người dân hợp tác. Có những trường hợp khai báo quanh co, thiếu trung thực, phải kết hợp, vận dụng sáng tạo nghiệp vụ khai thác thông tin của ngành y tế và nghiệp vụ điều tra của công an".
Nhắm mắt, xịt thẳng lọ cồn vào mặt sau hơn 2 tiếng đồng hồ lấy thông tin từ ca F0 mới phát hiện tại khu cách ly tập trung Trường cao đẳng sư phạm Nghệ An, Thiếu tá Trần Hồng Quân - Tổ phó Tổ truy vết F0 nói: "Chúng tôi trực tiếp tiếp xúc với các F0, dù khoảng cách 2 m nhưng nguy cơ lây nhiễm rất cao bởi virus SARS-CoV-2 có thể lơ lửng trong không khí. Dù tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc bảo hộ nhưng để loại trừ các nguy cơ lây nhiễm, anh em đều "tắm" cồn, dung dịch sát khuẩn gần như hàng ngày đến nỗi quần áo bạc phếch do bị hóa chất bào mòn, da nổi mẩn cả lên...".
"Khi tham gia vào nhiệm vụ này, anh em xác định có thể là mắc Covid-19 bất kỳ lúc nào và chuẩn bị tâm lý cho cả mình và người thân. Hôm kia, một đồng chí trong tổ lên cơn sốt, anh em đặt trong tình trạng báo động, bởi nếu một người "dính", công tác điều tra, truy vết sẽ ảnh hưởng rất lớn. Rất may, sau một lần test nhanh và một lần xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Có khả năng nhiều giờ bọc kín cơ thể làm nhiệm vụ truy vết dưới cái nắng trên 40 độ C, đồng chí ấy bị cảm nắng" - Thiếu tá Quân nhớ lại.
Từ thông tin cá nhân, số điện thoại liên quan đến ca F0 đã được thu thập, Tổ truy vết F1 gọi điện cho từng người ghi lại cụ thể các thông tin liên quan đến lịch trình di chuyển, tiếp xúc... Nhiệm vụ có bớt hiểm nguy hơn nhưng không có nghĩa là kém phần vất vả. Chiếc điện thoại với những dãy số dài dằng dặc, những cuộc gọi kéo dài hàng chục phút, cũng có những cuộc gọi bị từ chối hoặc không thể kết nối.
"Có những trường hợp khi chúng tôi gọi điện đến để thu thập thông tin truy vết, người dân không tin mà cứ nghĩ đang bị các đối tượng giả danh công an thực hiện hành vi lừa đảo. Cũng có trường hợp, sau khi tôi giới thiệu thì nhất quyết không trả lời, thậm chí còn yêu cầu cung cấp thẻ ngành, quyết định thành lập tổ truy vết. Chúng tôi kiên trì thuyết phục để người dân hiểu rằng phối hợp cung cấp thông tin là đang tự bảo vệ mình, bảo vệ người thân và cộng đồng trước đại dịch nguy hiểm này", Thượng úy Vũ Dương Quỳnh Nga - "bóng hồng" duy nhất của tổ truy vết tâm sự.
Dù mạnh mẽ đến đâu, nữ chiến sĩ an ninh này cũng đã nhiều lần rơi nước mắt bởi sự thiếu phối hợp, thậm chí xúc phạm từ đầu dây bên kia. "Thực ra cũng phải thông cảm cho người dân, có khi họ đang bị sốc tâm lý, cũng có khi sợ phải đi cách ly nên không hợp tác. Vì nhiệm vụ truy vết thần tốc, có những cuộc gọi được thực hiện lúc 2-3h sáng. Bị đánh thức vào giờ đó và thông báo một tin không mấy vui thì khó ai có thể bình tĩnh được. Thậm chí sau nhiều lần bị bấm từ chối cuộc gọi liên tiếp, thậm chí là tắt máy, chúng tôi phải cùng công an phường đến tận nhà gõ cửa để lấy thông tin truy vết", Thượng tá Trần Đình Vinh tiếp lời.
Gần một tháng trôi qua, "bộ máy truy vết" Công an TP Vinh dù mới hình thành nhưng đã thực sự "vào guồng", phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh tại TP Vinh đang tạm thời lắng xuống nhưng nguy cơ vẫn tiềm ẩn. Đã có những quãng thời gian trên địa bàn không phát hiện ca nhiễm mới nhưng phần việc của tổ truy vết vẫn rất nặng nề. Những căn phòng vẫn sáng điện suốt đêm, thỉnh thoảng nỗi nhớ con, nhớ gia đình ập đến rồi chìm lấp trong những công việc nối dài từ ngày này qua ngày khác.
"Vất vả, hiểm nguy chúng tôi không sợ, nỗi nhớ thương gia đình có thể tạm gác sang một bên. Chỉ mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi, để cuộc sống của người dân sớm bình yên trở lại", Thiếu tá Trần Hồng Quân tâm sự khi màn đêm đã loãng ra, phía hừng đông, những mảng mây màu hồng phớt đang dần ló rạng....