DMagazine

Xót xa những câu chuyện buồn ở xóm chạy thận thời dịch Covid-19

(Dân trí) - Lợi là cư dân trẻ nhất xóm chạy thận này. Kể từ khi có dịch, Lợi không được về thăm con, chồng cũng chẳng thể lên thăm Lợi. Giờ điều Lợi mong nhất là bao giờ hết dịch để được về nhà ôm con một đêm...

Bệnh nhân chạy thận lay lắt trong dịch Covid-19

Với những người lấy bệnh viện làm nhà, bác sĩ còn hơn cả người thân. Khi bệnh tật và dịch dã bủa vây, họ là điểm tựa để bệnh nhân chạy thận bấu víu và hi vọng.

Bệnh nhân chạy thận lay lắt trong "cơn bão" Covid-19.

Nương tựa vào nhau chống chọi với dịch bệnh

Xóm chạy thận đối diện Bệnh viện Giao thông vận tải Vinh (phường Quán Bàu, TP Vinh, Nghệ An) vốn là trụ sở cũ của một công ty, nay được cải tạo thành các phòng cho thuê. 15 bệnh nhân tá túc ở đây, chờ đợi mỗi tuần 3 lần vào bệnh viện lọc máu để duy trì sự sống.

Xót xa những câu chuyện buồn ở xóm chạy thận thời dịch Covid-19 - 1

Đã gần một tháng nay, xóm bệnh nhân chạy thận đối diện Bệnh viện giao thông vân tải Vinh trở nên ảm đạm hơn trước bởi nỗi lo dịch bệnh bao trùm. Đây là nơi 15 bệnh nhân suy thận mạn thuê trọ để tiện vào viện lọc máu tuần 3 lần (Ảnh: Hoàng Lam).

Từ hồi dịch Covid-19 xuất hiện, họ được xếp vào nhóm "nguy cơ cao" nên tâm trạng lo lắng, bất an luôn thường trực. Khi TP Vinh bắt đầu áp dụng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 thì nỗi lo lắng và khó khăn đến cùng cực càng hiển hiện rõ trên từng khuôn mặt xám xịt đặc trưng của bệnh nhân chạy thận lâu năm.

Thực ra, cư dân xóm chạy thận cũng đã bị "dọa" một phen khi có người bệnh đến Bệnh viện Giao thông khám và cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Với riêng bà Vang Thị Huyến (64 tuổi), vợ của bệnh nhân Lô Vĩnh Tình (trú xã Tam Thái, Tương Dương, Nghệ An) đó là một trải nghiệm đáng sợ.

Xót xa những câu chuyện buồn ở xóm chạy thận thời dịch Covid-19 - 2

Đây là năm thứ 11, ông Lê Hường bỏ quê vào thành phố ở trọ để chạy thận. Bệnh suy thận và đa nang khiến bụng ông như chiếc trống, đi lại khó khăn. Mỗi chiều, khi cái nắng dịu bớt, ông ra thềm ngồi hóng mát (Ảnh: Hoàng Lam).

Bà Huyến kể: "Chiều ngày 25/6, tôi vào nhận tiền hỗ trợ của bệnh viện cho chồng. Hơn 5h chiều, nhận được thông báo tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải ở lại bệnh viện để chờ xét nghiệm vì có người mắc Covid-19 đi khám ở đây. Lúc đi không mang theo điện thoại, không có cách nào gọi về báo cho ông ấy. May hai ngày một đêm "nhốt" trong bệnh viện, có kết quả âm tính cả, tôi được về. Về đến xóm, mọi người xúm lại trêu, bảo ông nhà tôi lo quá, ngồi khóc như trẻ con".

Nghe vợ kể, ông Tình ngượng ngùng: "Khóc đâu, tôi lo cho bà thôi. Hồi trẻ tôi đi công tác, về già mới được sống bên nhau. Tôi đi viện chạy thận, bà ấy xuống đi chăm, hai vợ chồng cả ngày rủ rỉ với nhau. Dịch bệnh, cả tháng nay không về trên nhà được, con cháu cũng không thể xuống thăm. Lỡ bà ấy "dính" Covid-19 thì già rồi có vượt qua nổi không, còn tôi một thân một mình cũng không biết xoay xở thế nào".

Xót xa những câu chuyện buồn ở xóm chạy thận thời dịch Covid-19 - 3

Từ nửa tháng nay, bà Khả không đi nhặt ve chai được, hai ông bà sống bằng những bữa cơm được các nhóm tình nguyện đưa đến (Ảnh: Hoàng Lam).

17h, nhiệt độ có vẻ "dễ thở" hơn, ông Lê Hường (SN 1950, quê ở Diễn Hải, Diễn Châu, Nghệ An) chậm chạp ra thềm hóng mát. Bụng to như cái trống, cảm tưởng nó có thể rơi ra khỏi thân hình gầy guộc của ông bất cứ lúc nào. "Tôi bị suy thận mãn, đa nang, ngoài tuần chạy thận 3 lần thì một vài tháng phải đi hút dịch ở bụng một lần, không thì nặng nề lắm, đi đứng cũng khó", ông Hường tâm sự bằng cái giọng hụt hơi của người không có sức.

Bà Ngô Thị Khả từ quê theo vào thành phố để chăm sóc chồng. Các con sinh đẻ nhiều, lại không khá giả gì, thỉnh thoảng hỗ trợ bố mẹ già được ít nhiều. Bởi vậy, bà Khả đi nhặt phế liệu, hai vợ chồng túc tắc đắp đổi qua ngày. Từ khi có dịch Covid-19, bà cũng chẳng dám đi đâu xa, quanh quẩn ngày vài tiếng đồng hồ nhặt phế liệu ở gần khu nhà trọ.

Xót xa những câu chuyện buồn ở xóm chạy thận thời dịch Covid-19 - 4

Trời nắng, trong phòng nóng như lò nung, cư dân xóm chạy thận phải gia cố phòng trọ bằng những tấm bạt để mong ngăn cái nóng từ bên ngoài vào (Ảnh: Hoàng Lam).

"Từ hôm thành phố có lệnh cách ly là nghỉ hẳn, không dám đi đâu. Mình giữ cho mình, giữ cho các bệnh nhân ở đây nữa", bà Khả nói. Không dám đi đâu, đồng nghĩa khoản thu nhập ít ỏi của hai vợ chồng già cũng không có nữa, số tiền tích trữ cũng chẳng nhiều nhặn gì, trong khi ngày vẫn phải ăn đủ 3 bữa để ông Hường còn có sức chữa bệnh.

"Cả chục ngày nay ăn cơm từ thiện đó cháu. Có hôm thì của phường, hôm thì của bệnh viện, hôm của các nhóm thiện nguyện. Cũng có bữa đủ suất, có bữa không đủ, mấy anh em lại san sẻ cho nhau. Thời buổi dịch giã khốn khó, phải nương tựa vào nhau mà sống thôi", bà Khả tâm sự.

Xót xa những câu chuyện buồn ở xóm chạy thận thời dịch Covid-19 - 5

Với họ, mỗi tuần 3 lần lọc máu chạy thận mới dám đi ra khỏi nhà trọ (Ảnh: Hoàng Lam).

Cơm không nuốt được, thèm một hộp sữa thôi

Căn phòng vợ chồng bà Trương Thị Minh (SN 1950, quê xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) nằm ở hướng tây, cuối chiều rồi vẫn nóng như lò nung. Phòng nhỏ xíu, bừa bộn, vợ chồng bà thuê chung với một bệnh nhân chạy thận khác để tiết kiệm chi tiêu.

Bà Minh ra thềm ngồi hóng gió, ông Trương Công Bảy (SN 1946, chồng bà) đánh trần, nằm trên giường, hai chiếc quạt điện bật hết cỡ, chĩa vào người. Bà bị suy thận mạn, còn ông bị tiểu đường, men gan cao, phù thủng cả hai chân, nay đến lịch khám bệnh nhưng chưa vào viện được.

Xót xa những câu chuyện buồn ở xóm chạy thận thời dịch Covid-19 - 6

Vợ là cư dân xóm chạy thận, ông Bảy cũng vào ở cùng. Trước đây ông đi nhặt phế liệu, nay tuổi già, lại thêm bệnh tiểu đường, ông hầu như chỉ làm bạn với bệnh viện và chiếc giường. Trời nắng nóng, cơm không nuốt nổi, ông Bảy chỉ mong có hộp sữa mà uống (Ảnh: Hoàng Lam).

Trên bàn đầy vỏ các loại thuốc, hai hộp cơm vẫn còn nguyên, mấy miếng thịt đã bầm màu. Ông Bảy rầu rĩ: "Cơm từ thiện đó, có rau, có thịt, có canh, chu đáo lắm. Nhưng nắng quá, với lại tôi mệt, nuốt không vào. Bà nhà tôi gắng lắm cũng ăn được vài thìa. Nói thật, trời này chỉ ước có hộp sữa mà uống...".

Trên chiếc bếp ga kê chỗ lối vào chật chội là nồi canh lõng bõng nước và một ít thịt dư từ các bữa ăn trước dồn lại để nấu, nhỡ hôm sau không có cơm từ thiện...

Xót xa những câu chuyện buồn ở xóm chạy thận thời dịch Covid-19 - 7

Ông Lô Vĩnh Tình bị "dọa" một phen khi vợ vào bệnh viện và mắc kẹt trong đó hai ngày một đêm do một bệnh nhân ở đây được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 (Ảnh: Hoàng Lam).

Chị Chu Thị Lợi (SN 1987, quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là "công dân trẻ tuổi" nhất xóm chạy thận, vừa mới vào được 9 tháng. Đôi mắt Lợi như nhìn vô định xuống khoảng sân trống trước mặt.

"Bình thường các chú trong xóm ra đây đánh bóng, xóm trở nên huyên náo được một lúc. Nay dịch, chả ai đến, người trong khu nhà trọ cũng chẳng đi được đâu, chỉ loanh quanh từ phòng ra thềm, xa nhất là qua bên kia đường, vào bệnh viện chạy thận", Lợi buồn bã trước khung cảnh thê lương, hiu hắt nơi xóm chạy thận này.

Xót xa những câu chuyện buồn ở xóm chạy thận thời dịch Covid-19 - 8

Phần đời dài dằng dặc phía trước của Lợi gắn với bệnh viện và xóm chạy thận này, cô chỉ mong hết dịch để về thăm con một bữa cho đỡ nhớ (Ảnh: Hoàng Lam).

Cả tháng nay vướng dịch, Lợi không thể về quê thăm chồng con, chồng cũng chẳng vào được. Chiều chiều, trong khung cảnh thê lương này, Lợi lại nhớ con, thương chồng ứa cả nước mắt. Từ hồi cô bị bệnh, gánh nặng kinh tế và chăm sóc hai đứa con nhỏ chồng phải cáng đáng hết. Thi thoảng nhớ con quá, Lợi bắt xe buýt về, ngủ được một hôm lại vào, vò võ một mình trong xóm chạy thận.

Cô còn trẻ quá, cả một quãng đường đằng đẵng phía trước phải gắn với máy lọc máu và cái xóm chạy thận này. Với Lợi bây giờ, điều quan tâm nhất bao giờ cho hết dịch để về với con...

Ông Lương Văn Chánh, quê mãi xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An), cách mấy trăm cây số. Năm năm trước, ông Chánh xuống TP Vinh chạy thận, vợ và 2 con ở quê. Nay đứa lớn gần 18 tuổi, có thể tự lo liệu, vợ ông quyết định xuống phố làm thuê, lo cho chồng con. Bà làm việc ở một xưởng gạch, ở mãi cuối thành phố. Thành thử, hai vợ chồng phải thuê hai nơi.

Xót xa những câu chuyện buồn ở xóm chạy thận thời dịch Covid-19 - 9

Ông Lương Văn Chánh nói, nếu không có bác sĩ, có lẽ ông cũng như các bệnh nhân chạy thận ở đây khó trụ qua đợt dịch này. Không chỉ chữa bệnh, các bác sĩ còn kêu gọi hỗ trợ cơm ăn, kinh phí test SARS-CoV-2 cho bệnh nhân mỗi khi vào viện lọc máu (Ảnh: Hoàng Lam).

"Cô ấy làm ăn lương theo sản phẩm, mùa này nắng nôi không làm được mấy, nay lại trúng dịch nữa, không biết có việc mà làm không? Tôi ở đây không có bệnh viện thì chết rồi. Bác sĩ vừa chữa bệnh, vừa lo cơm ăn, còn xin cho bệnh nhân chi phí "tét Cô vít" khi vào viện chạy thận. Nói thật, với chúng tôi, mỗi lần vào chạy thận mà mất thêm hơn 200 nghìn để "tét" nữa, chắc trụ không nổi", ông Chánh tâm sự.

Những người lấy bệnh viện làm nhà như ông Chánh, bác sĩ còn hơn cả người thân. Khi bệnh tật và dịch dã bủa vây, họ là điểm tựa để bệnh nhân chạy thận bấu víu và hi vọng!