Hà Tĩnh:
Những ký ức của người lính cảnh vệ 10 năm bảo vệ Bác Hồ
(Dân trí) - Hơn 10 năm làm lính cảnh vệ bảo vệ Bác Hồ với biết bao kỷ niệm, những ký ức đẹp đẽ ấy không bao giờ phai mờ trong tâm trí người lính cảnh vệ Nguyễn Ngọc Châu.
Trong căn nhà nhỏ nép mình ở một con hẻm thuộc tổ 4, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh, chúng tôi được người lính cảnh vệ năm xưa kể lại những năm tháng vinh dự khi được nằm trong đội cảnh vệ bảo vệ Bác Hồ.
Khóc vì không được nhập ngũ
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Diễn Phú, của huyện Diễn Châu (Nghệ An), 13 tuổi cậu bé Châu đã mồ côi cha, một mình mẹ ông lam lũ nuôi các con. Ông là con đầu trong gia đình có 3 anh em.
Năm 1953, lúc đó ông chỉ mới 17 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ông xin nhập ngũ. Nhưng do chưa đủ tuổi cộng với thân hình nhỏ bé (cao 1,5m, nặng chỉ 40kg) nên ông không trúng quân. Không được nhập ngũ, ông khóc òa giữa đám đông rồi chạy khắp nơi tìm gặp chỉ huy trình bày nguyện vọng được nhập ngũ, được cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
“Cha của tôi cũng tham gia cách mạng giai đoạn 1930 - 1931. Ông mất khi tôi mới 13 tuổi. Từ nhỏ tôi đã mong muốn được trở thành người chiến sỉ, cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”, ông chia sẻ.
“Lúc nhận kết quả không trúng tuyển tôi đã khóc. Sau khi gặp được chỉ huy, trình bày mong muốn, cuối cùng tôi cũng được chấp nhận”, ông Châu cười nhớ lại.
Ông được phân vào Trung đoàn 44, huấn luyện tại huyện Yên Thành (Nghệ An).
Sau một thời gian huấn luyện, ông Châu cùng đồng đội được lệnh hành quân ra Quảng Xương (Thanh Hóa) rồi ra Nghĩa Lộ (Sơn La) để tập hợp lực lượng chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Lúc đó các lữ đoàn đã tập hợp tại đây. Lúc chúng tôi đến nơi, rất nhiều chiến sĩ nhìn tôi cười rồi gọi tôi là cu con, vì tôi nhỏ quá”.
Nhưng với ý chí sắt đá, bản tính nhanh nhẹn, ông Châu đã nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của các chỉ huy, đồng đội trong đơn vị. Ông tiếp tục được phân vào đại đội súng cao xạ thuộc Trung đoàn 165.
Những ký ức bên Bác Hồ
Ông là một trong những người tham gia chiến đầu trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, từng tham gia chiến đấu 9 năm tại mặt trận Campuchia nhưng có lẽ những năm tháng được làm lính cảnh vệ, được bảo vệ Bác Hồ là những ký ức đẹp nhất trong cuộc đời ông.
Ông kể, năm 1954, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành được thắng lợi thì có chủ trương thành lập trung đoàn để bảo vệ Ban Trung ương, Chính phủ và Bác Hồ về tiếp quản thủ đô.
Tháng 7/1954, Trung đoàn 600 được thành lập. Được đặt tên là trung đoàn 600 vì đơn vị này gồm 600 cán bộ chiến sĩ được tuyển chọn từ các sư đoàn. Và ông Châu là một trong số những người được tuyển chọn. Và ông đã có 10 năm được làm lính bảo vệ Bác Hồ.
Ông kể: “tháng 12/1954 khi đang làm bảo vệ tại Phủ toàn quyền. Lúc ấy Bác đi ngang qua, nhìn thấy tôi Bác liền dừng lại tiến lại gần nhẹ nhàng nói: "Ở đây không chỉ có mình Bác mà còn có các lãnh đạo, quan khách quốc tế nên quân phục, quân trang phải chỉnh tề". Nói xong Bác ân cần cài lại cúc áo cho tôi rồi mới đi tiếp. Lúc đó tôi mới biết có một cái cúc áo tôi chưa cài”.
Lúc Bác về làm việc tại Phủ toàn quyền, mặc dù có chỗ nghỉ ngơi đàng hoàng nhưng rất nhiều lần Bác xuống ngủ dưới phòng căn nhà cấp 4, nơi ở của một công nhân để cùng nói chuyện và ngủ.
Có một kỷ niệm mà ông Châu còn nhờ mãi. Đó là vào năm 1958, Bác tổ chức ăn tết cho anh em, ông Châu cũng được tham dự.
“Lúc đó tôi ít tuổi nhất và cũng là người nhỏ nhất trong buổi tiệc đó. Tôi được ngồi đối diện với Bác. Bác nói “Mấy năm qua, các cô, các chú đã làm được nhiều việc tốt rồi. Năm tới các cô, các chú phải làm được nhiều việc tốt hơn nữa”. Rồi Bác đi bắt tay từng người. Khi đến lượt tôi, lúc đó trong người tôi tim đập nhanh lắm và có phần hơi run. Bác nhẹ nhàng bắt tay tôi rồi nói “chú cẩn thận kẻo làm đổ ly nước trên tay”. Rồi lúc thấy tôi ngại ngùng không ăn, Bác liền gắp cho tôi một miếng thịt gà. Bác nói chú cứ tự nhiên ăn đi. Ăn mới có sức khỏe”, những câu chuyện nhỏ về Bác luôn được ông khắc ghi để kể lại cho con cháu nghe.
Sau 36 năm tham gia quân đội, hết kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sang chiến đấu ở Campuchia, ông Nguyễn Ngọc Châu trở về đời thường với một cuộc sống hết sức giản dị, tham gia các hoạt động của xóm, phường.
Thời gian rảnh rỗi ông còn se hương trầm bán giúp gia đình có thêm thu nhập.
Ông tâm sự: “Được sống và chứng kiến phút giây đất nước thống nhất là điều tôi cảm thấy đã quá hạnh phúc và một may mắn đối với cuộc đời tôi”.
Song từ trong sâu thẳm, ông vẫn còn canh cánh một nỗi niềm. Người con đầu của ông là Nguyễn Văn Ngọc (SN 1964) đã hy sinh trên chiến trường Campuchia, người con thứ 2 là Nguyễn Thế Vinh (SN 1984) tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM chuyên ngành kế toán nhưng hiện đang làm công nhân tự do; cô con gái út Nguyễn Khánh Chi (SN 1989) tốt nghiệp Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) hiện cũng chưa xin được việc làm.
Một đời cống hiến cho Tổ quốc, đất nước, giờ ông chỉ mong các con có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Xuân Sinh