1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão

(Dân trí) - Trước những diễn biến của bão số 4, nhiều tỉnh miền Trung đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống; gấp rút kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú.

Ngư dân Quảng Bình ứng phó với bão

Sáng 29/8, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện khẩn chỉ đạo các địa phương, các ban ngành liên quan chủ động các biện pháp phòng chống bão số 4.

Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 1

Các tàu cá về nơi neo đậu tránh trú bão.

Trong đó nhấn mạnh, khẩn trương thu hoạch toàn bộ diện tích lúa hè thu, kiểm tra và bảo đảm an toàn hồ đập, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, công trình, tàu cá tại các khu neo đậu, chủ động phương án sơ tán người dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở ven biển… nhằm giảm thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, vào sáng nay (29/8), tại nhiều khu neo đậu tại Quảng Bình, các tàu cá đang hối hả chạy vào bờ trú bão. Không chỉ có tàu cá địa phương mà nhiều tàu cá của các tỉnh khác cũng đang neo đậu tránh trú bão tại các cảng của Quảng Bình.

Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 2
Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 3

Ngư dân giằng néo tàu, tránh va đập, hư hỏng.

Ngoài việc giằng néo ghe thuyền, các chủ thuyền còn dùng lốp ô tô buộc vào thuyền để tránh va đập trong trường hợp sóng to, gió lớn. Nhiều tàu vừa cập bờ cũng hối hả vận chuyển những thùng cá vừa đánh bắt được lên bờ bán cho thương lái trước khi bão đổ bộ.

Cùng với đó, trên các tuyến đường của TP Đồng Hới và nhiều địa phương khác của tỉnh Quảng Bình, công tác chặt tỉa cây xanh tránh gãy đổ trong bão cũng đang được triển khai gấp rút.

Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 4
Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 5

Ngư dân khẩn trương các biện pháp đảm bảo an toàn cho tàu trước lúc bão đổ bộ,

Hàng loạt nhà hàng nổi trên sông Nhật Lệ cũng đang được đưa về nơi tránh trú an toàn. Cùng với đó, nhiều người dân cũng đang hối hả mua bao cát, dây thừng giằng néo nhà cửa cũng như nhiều vật dụng cần thiết để phòng chống bão.

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đến sáng nay còn 677 tàu cá, với 4.325 lao động của địa phương này vẫn đang hoạt động trên biển và đã nhận được thông tin về cơn bão số 4.

Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 6

Cắt tỉa cây xanh tránh gãy đổ trong bão.

Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 7

Các nhà hàng nổi trên sông Nhật Lệ, TP Đồng Hới cũng đang được di chuyển về nơi an toàn.

Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 8

Tại cửa biển Nhật Lệ (TP. Đồng Hới) các ngư dân đang khẩn trương đưa tàu, thuyền neo đậu nơi an toàn, nhiều xe cẩu đã di chuyển đến khu vực gần cửa biển để cẩu thuyền lên bờ

Đặc biệt có 151 tàu cá đang ở vùng biển nguy hiểm (phía bắc vĩ tuyến 15) đang tăng tốc để thoát ra khỏi khu vực đó. Thông tin về hướng di chuyển của cơn bão đang được thông báo liên tục cho các tàu cá để nắm bắt và chủ động di chuyển an toàn.

Hội An: Tạm dừng đưa khách ra Cù Lao Chàm

Trưa 29/8, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch TP Hội An – cho biết, sáng nay thành phố Hội An đã yêu cầu tạm dừng các chuyến ca-nô cao tốc đưa du khách từ bến Cửa Đại ra Cù Lao Chàm trong ngày 29/8 do thời tiết xấu, ảnh hưởng của cơn bão số 4 đang đổ bộ vào đất liền.

Tạm dừng đưa khách ra Cù Lao Chàm do mưa bão

Hội An tạm dừng đưa khách từ bến Cửa Đại ra Cù Lao Chàm do mưa bão

Theo đó, ngành chức năng đã tạm dừng tất cả 152 phương tiện đưa khách ra Cù Lao Chàm và ngược lại. Tùy vào tình hình diễn biến của thời tiết, ngành chức năng thành phố Hội An sẽ có hướng dẫn tiếp theo.

Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, nếu thời tiết như ngày hôm nay thì ngày mai (30/8) vẫn tạm dừng việc đưa khách ra Cù Lao Chàm.

Cũng theo ông Hùng, trong sáng nay, ngành chức năng đã giải quyết 3 ca-nô từ đảo Cù Lao Chàm vào bờ gồm 125 người. Trong đó có 56 khách du lịch. Trên đảo hiện nay không còn khách du lịch nào ở lại.

Trong một diễn biến khác liên quan, tính đến 6h ngày 29/8, tổng số tàu thuyền của tỉnh Quảng Nam đang hoạt động trên biển là 118 tàu/2.826 lao động. 

Để phòng chống bão số 4, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các Đài thông tin tìm kiếm cứu nạn thường xuyên phát các bản tin về vị trí, diễn biến của bão cho các phương tiện tàu cá đang hoạt động trên biển chủ động phòng tránh hoặc di chuyển ra khỏi vùng ảnh hưởng.

Sáng nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Đinh Văn Thu cũng ra công điện khẩn gửi đến các địa phương, ngành liên quan và các chủ hồ chứa thủy lợi thủy điện yêu cầu theo dõi diễn biến chặt chẽ bão số 4 kèm theo mưa lớn để có thể ứng biến kịp thời, phòng trừ trường hợp bất trắc có thể xảy ra.

Hà Tĩnh: Nghiêm cấm mọi phương tiện ra khơi từ 13h hôm nay

Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 10

Ngư dân khẩn trương chằng nèo tàu thuyền vào nơi an toàn

Theo báo cáo của Tiểu ban An toàn nghề cá, đến thời điểm này, các đồn Biên phòng, Chi cục Thủy sản đã liên lạc được 3.960 tàu thuyền, với 15.753 lao động đang đánh bắt tại các vùng khơi, vùng lộng và vùng bãi ngang. 

Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 11
Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 12
Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 13

Các tàu thuyền được chằng néo, che bạt cận thận để hạn chế thiệt hại do bão

Tại khu vực Cảng Cửa Sót (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) hàng trăm chiếc tàu lớn nhỏ đã vào cập cảng để tránh bão. Các ngư dân đang khẩn trương chằng néo, che bạt, gom lưới vào nơi an toàn.

Anh Nguyễn Văn Toàn (chủ một tàu cá) cho biết: “Mấy ngày qua, chúng tôi đã nhận được thông tin cũng như diễn biến của cơn bão. Chúng tôi tính chiều tối mới vào, song để đảm bảo an toàn về người cũng như tài sản nên sáng nay (29/8) đã cho tàu vào Cảng Cửa Sót”.

Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc BQL các cảng cá Hà Tĩnh cho biết: “Tại tất cả các tàu thuyền đăng ký hoạt động tại cảng cá Cửa Sót đã nhận được thông báo. Có 159 tàu nội tỉnh, 39 tàu ngoại tỉnh đã vào neo đậu tại cảng và có 17 tàu đang trên đường vào. Các ngư dân đang khẩn trương chằng nèo, cố định tàu và ngư cụ để đối phó với bão”.

Tỉnh Hà Tĩnh cũng yêu cầu từ 13h ngày 29/8, nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi.

Các địa phương, các ngành cần bám sát công điện chỉ đạo của BCĐ TƯ về phòng chống thiên tai trong việc triển khai các phương án ứng phó với bão số 4; sẵn sàng thực hiện phương án “4 tại chỗ”. Đồng thời, hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung cho công tác phòng, chống bão; yêu cầu các trưởng đoàn công tác trực tiếp về các địa phương, chỉ đạo công tác phòng chống bão nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.

Quảng Ngãi: Hàng trăm tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm

Ảnh hưởng bão số 4, trong sáng 29/8 tại Quảng Ngãi đã có mưa kéo dài, thời tiết biển rất xấu. Do đó, tuyến đường biển từ đất liền ra đảo Lý Sơn, và tuyến từ đảo Lớn đi đảo Bé đã tạm ngừng hoạt động.

Theo ông Lê Tấn Hải - Giám đốc Ban Quản lý cảng Sa Kỳ, được thông báo trước ảnh hưởng của bão nên du khách tham quan đảo Lý Sơn đã về đất liền từ 2 ngày qua. Tuyến đường biển Sa Kỳ - Lý Sơn cũng đã tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn.

"Hầu hết du khách đã rời đảo từ ngày 27/8, một số ít còn lại đã vào đất liền vào ngày hôm qua. Đến thời điểm này, toàn bộ khách du lịch tại Lý Sơn đã được vận chuyển về đất liền an toàn, tuyến đường biển ra đảo Lý Sơn cũng tạm dừng hoạt động trong sáng nay", ông Hải thông tin.

Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 14
Nhiều tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi được hướng dẫn tránh, trú bão số 4 an toàn.

Cũng trong sáng nay, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thông báo thông tin về bão số 4 cho 654 tàu với 6.369 ngư dân đang đánh bắt ở các vùng biển. Đồng thời hướng dẫn các phương tiện trong vùng ảnh hưởng tránh bão, đặc biệt là 79 tàu với 563 lao động đang đắnh bắt tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa.

Trong 2 ngày qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ngãi cũng đã vận động người dân khẩn trương thu hoạch lúa Hè - Thu với phương châm "xanh nhà hơn già đồng" nhằm tránh thiệt hại do bão số 4 gây ra.

Thanh Hóa: Không nghỉ lễ quốc khánh 2/9 để ứng phó bão số 4

Chiều ngày 29/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, hiện tại, trên địa bàn trời vẫn đang nắng. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ, để chủ động trong công tác phòng và ứng phó, huyện đã yêu cầu cán bộ, nhân viên không nghỉ lễ 2/9 để tập trung phòng, chống bão số 4.

Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 15

Mưa lũ đầu tháng 8 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề tại huyện Mường Lát.

Về phía huyện đã tổ chức họp ban chỉ đạo và thống nhất huy động 100% quân số các đơn vị như: Bộ đội Biên phòng, Công an, Quân sự, cán bộ huyện và UBND các xã, thị trấn để túc trực, ứng phó với diễn biến mưa bão số 4.

Theo ông Cường, mặc dù đến ngày 2/9, bão có thể đã vào đất liền và tan, tuy nhiên, hoàn lưu sau bão thường có mưa lớn kéo dài, gây nguy hiểm đặc biệt là đối với các địa phương ở khu vực miền núi.

Trong khi đó, tại huyện Mường Lát vừa trải qua đợt lũ đầu tháng 8 vừa qua gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cũng như các công trình, hạ tầng giao thông.

Để ứng phó với diễn biến mưa bão, huyện Mường Lát đã thành lập 8 tổ công tác gồm các lực lượng Quân sự, Biên phòng, Công an đến các xã để túc trực, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 4.

Đối với cấp xã trên địa bàn huyện cũng đã thành lập các tổ công tác để ứng trực 24/24h tại các thôn, bản có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Đồng thời, chuẩn bị phương tiện, máy móc, nhiên liệu sẵn sàng khắc phục các sự cố sạt lở đường.

Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 16
Huyện Mường Lát yêu cầu các đơn vị liên quan chuẩn bị phương tiện, máy móc, nhiên liệu sẵn sàng khắc phục các sự cố sạt lở đường.

Theo ông Cường, huyện đã lên phương án và chỉ đạo, theo dõi nếu khu vực nào có lượng mưa từ 100 mm trở lên, sẽ bố trí sơ tán người dân tới khu vực an toàn. Bắt đầu từ chiều nay (29/8), các tổ công tác cấp huyện và các xã  bắt đầu ra quân túc trực 24/24 ở những thôn, bản, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét để ứng phó với bão số 4.

Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay, ở các tỉnh Trung Trung Bộ có mưa, mưa vừa. Mực nước trên các sông thuộc khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa biến đổi chậm.

Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 17
Ngư dân Thanh Hóa hối hả trước khi bão vào.

Do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều và đêm nay (29/8) đến ngày 3/9 ở Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị: 250-400mm...

Các sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-8m. Mực nước đỉnh lũ thượng lưu lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; hạ lưu các sông chính lên mức BĐ1-BĐ2.

Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 18
Nhiều tỉnh miền Trung hối hả chống bão - 19
Tàu thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn và được chằng néo cận thận.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng các tại các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh Bá Thước, Thường Xuân, Như Xuân, Ngọc Lặc.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đã thực hiện cấm biển từ 5h ngày 29/8. Đến chiều ngày 29/8, tất cả các phương tiện nghề cá trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều đảm bảo thông tin liên lạc với bờ và đã nắm bắt được thông tin, vị trí và hướng di chuyển của bão số 4.

Nhóm PV miền Trung