1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nhiều kỷ vật của vua Hàm Nghi được đưa từ Pháp về Căn cứ thành Tân Sở

Nhật Anh

(Dân trí) - Ống điếu hút thuốc, bát và đũa ăn cơm, ống đựng tăm mà vua Hàm Nghi dùng trong thời gian ở Pháp và khi bị lưu đày tại Algeria, đã được đưa về trưng bày tại Căn cứ thành Tân Sở (Quảng Trị).

Ngày 7/11, tại Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sỹ Cần Vương, thuộc Di tích Quốc gia Căn cứ thành Tân Sở, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) diễn ra buổi tiếp nhận các hiện vật của vua Hàm Nghi.

Các hiện vật gồm ống điếu hút thuốc bằng gỗ, khảm xà cừ; bát và đũa ăn cơm; ống đựng tăm. Đây là những vật dụng vua Hàm Nghi dùng trong thời gian ở Pháp cũng như khi bị lưu đày ở Algeria.

Nhiều kỷ vật của vua Hàm Nghi được đưa từ Pháp về Căn cứ thành Tân Sở - 1

Hậu duệ của vua Hàm Nghi trao tặng kỷ vật cho lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và huyện Cam Lộ (Ảnh: Đức Tài).

Những hiện vật trên được hậu duệ của vua Hàm Nghi bảo quản tại Pháp, trước khi đưa về Việt Nam trao tặng, trưng bày ở Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sỹ Cần Vương. Ngoài các hiện vật, còn có 29 bức tranh (bản sao) do vua Hàm Nghi vẽ.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, cho hay, việc tiếp nhận các kỷ vật và ra mắt sách về vua Hàm Nghi là sự kiện quan trọng, nhằm tri ân vị vua yêu nước, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích Quốc gia Căn cứ thành Tân Sở, hướng đến Kỷ niệm 140 năm Ngày vua Hàm Nghi ban "Dụ Cần Vương" (13/7/1885 - 13/7/2025).

Đây cũng là dịp để tiếp nối và tăng cường mối quan hệ giữa huyện Cam Lộ với hậu duệ vua Hàm Nghi, nhằm sưu tầm, giới thiệu, quảng bá và làm phong phú tư liệu, hiện vật, giá trị lịch sử, văn hóa của Di tích Quốc gia Căn cứ thành Tân Sở.

Nhiều kỷ vật của vua Hàm Nghi được đưa từ Pháp về Căn cứ thành Tân Sở - 2

Bát và đũa ăn cơm và ống đựng tăm vua Hàm Nghi từng sử dụng (Ảnh: Đức Tài).

Gần 140 năm trước, triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng thành Tân Sở, với định hướng trở thành "kinh đô kháng chiến", phòng khi có biến cố ở Kinh thành Huế.

Ngày 5/7/1885, Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi cùng tùy tùng đã ra Căn cứ thành Tân Sở. Tại đây, vua Hàm Nghi đã ban "Dụ Cần Vương" hiệu triệu mọi tầng lớp nhân dân phò vua, chống Pháp.

Trải qua biến cố thăng trầm của lịch sử, các công trình thành lũy cùng những kiến trúc khác của thành Tân Sở xưa không còn dấu tích như những hiểu biết, tư liệu về tòa thành này.

Nhiều kỷ vật của vua Hàm Nghi được đưa từ Pháp về Căn cứ thành Tân Sở - 3

Ống điếu của vua Hàm Nghi (Ảnh: Đức Tài).

Huyện Cam Lộ đã quy hoạch Di tích Quốc gia Căn cứ thành Tân Sở với diện tích khoảng 25ha với mong muốn từng bước phục hồi, tôn tạo di tích để xứng tầm với vai trò, vị trí lịch sử của một "kinh đô kháng chiến" của triều đình nhà Nguyễn cuối thế kỷ XIX.

Trước đó, hậu duệ của vua Hàm Nghi là Tiến sĩ Amandine Dabat đã nghiên cứu, biên soạn và cho ra mắt cuốn sách "Hàm Nghi: Hoàng đế lưu vong - nghệ sỹ ở Alger".

Đây là công trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Hàm Nghi, trong vai trò một vị vua yêu nước, một họa sĩ tài hoa trong thời gian ông lưu vong tại Pháp và Algeria.

Vua Hàm Nghi (1871-1944), tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông là em trai của 2 vị vua triều Nguyễn khác là Đồng Khánh và Kiến Phúc.

Năm 1884, Nguyễn Phúc Ưng Lịch được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13, lấy niên hiệu Hàm Nghi.

Sau khi kinh đô Huế thất thủ năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi ra vùng núi Tân Sở (nay thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp.

Vua Hàm Nghi bị bắt ngày 30/10/1888, rồi bị đày sang Algeria (châu Phi). Ông sống tại một biệt thự trên khu đồi El Biar, cách thủ đô Alger khoảng 12km cùng vợ con cho đến khi mất do ung thư dạ dày.

Khi bị lưu đày sang Algeria lúc mới 18 tuổi, dù mang thân phận tù nhân chính trị, vua Hàm Nghi vẫn dành cả cuộc đời cho nghệ thuật.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm