1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Đôi đũa bằng ngà hải mã và những kỷ vật quý của vua Hàm Nghi

Vi Thảo

(Dân trí) - Các hậu duệ của vua Hàm Nghi đã trao tặng Bảo tàng Cổ vật Cung đình (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) nhiều kỷ vật quý giá của vua Hàm Nghi.

Ngày 6/11, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết đã tiếp nhận 4 bộ kỷ vật của vua Hàm Nghi do các hậu duệ của ông trao tặng.

Các kỷ vật gồm khay gỗ khảm xà cừ, bộ sách chữ Hán, đôi đũa cung đình bằng ngà hải mã và đôi tiềm bằng sứ.

Đôi đũa bằng ngà hải mã và những kỷ vật quý của vua Hàm Nghi - 1

Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp nhận kỷ vật do hậu duệ vua Hàm Nghi trao tặng (Ảnh: Văn Bốn).

Trong số 4 bộ kỷ vật nói trên, đôi đũa cung đình bằng ngà hải mã được giới thiệu có xuất xứ vô cùng đặc biệt.

Đôi đũa này được Thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) giao cho bà Phan Thị Hòa (vợ đầu vua Hàm Nghi) bảo quản, sử dụng tại các bữa ăn của vua Hàm Nghi trong giai đoạn Cần Vương (1885-1889).

Thân đũa có màu trắng ngà, một đầu bịt bạc được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Đôi đũa được cho là có khả năng phát hiện chất độc trong thức ăn nhờ sự biến đổi màu sắc.

Đôi đũa cung đình bằng ngà hải mã do ông Đặng Văn Giáp, hậu duệ đời thứ 4 của vua Hàm Nghi, trao tặng.

Ông Đặng Văn Giáp cùng ông Đặng Văn Luyện (đều là hậu duệ đời thứ 4 của vua Hàm Nghi) còn trao tặng Huế đôi tiềm bằng sứ.

Đôi đũa bằng ngà hải mã và những kỷ vật quý của vua Hàm Nghi - 2

Đôi đũa bằng ngà hải mã, kỷ vật đặc biệt của vua Hàm Nghi (Ảnh: Linh Nhật).

Dịp này, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi (bà là chắt gái của công chúa Như Lý, con gái vua Hàm Nghi) trao tặng cho Huế chiếc khay gỗ khảm xà cừ và bộ sách chữ Hán.

Khay gỗ có chiều dài hơn 31cm, rộng hơn 18cm và cao 10cm, được vua Hàm Nghi sử dụng để đựng sách và luôn giữ bên mình như một kỷ vật gợi nhớ về quê hương khi bị lưu đày ở châu Phi.

Bộ sách chữ Hán gồm Ngự chế canh chức đồ (2 quyển), Đan Đồ huyện chí (26 quyển), Tăng đính thi kinh thể chú diễn nghĩa (5 quyển). Bộ sách nằm trong số ít những cuốn sách còn lưu giữ mà vua Hàm Nghi đã từng đọc khi xa xứ.

Hai bộ kỷ vật quý giá trên đã được Công chúa Như Mai, trưởng nữ của vua Hàm Nghi lưu giữ cẩn thận để tưởng nhớ vua cha.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, 4 bộ kỷ vật vừa được hậu duệ vua Hàm Nghi trao tặng là những hiện vật có giá trị văn hóa lịch sử cao, góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập di sản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Ngoài các kỷ vật của vua Hàm Nghi, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế còn tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật vĩ cầm sứ với tên gọi "Nam Mô A Di Đà Phật - Namo Amitabha Buddha" do nghệ nhân violin Nguyễn Xuân Huy chế tác và trao tặng.

Tác phẩm "Namo Amitabha Buddha" là một phần trong bộ sưu tập đàn sứ độc bản trên thế giới.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Amandine Dabat và gia đình còn hiến tặng kỷ vật ống điếu của vua Hàm Nghi cho UBND huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) và một bức tranh sơn dầu cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Đôi đũa bằng ngà hải mã và những kỷ vật quý của vua Hàm Nghi - 3

Tiến sĩ Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi trao tặng Huế nhiều kỷ vật quý giá (Ảnh: Linh Nhật).

Theo dự kiến, tháng 3/2025, tại điện Kiến Trung (bên trong Đại nội Huế) sẽ diễn ra triển lãm về đời sống mỹ thuật của vua Hàm Nghi.

Triển lãm này sẽ là một trong những sự kiện nghệ thuật đặc biệt, giới thiệu bản gốc 20 bức tranh sơn dầu của vua Hàm Nghi. Các tác phẩm này thuộc nhiều bộ sưu tập cá nhân và đã trải qua quá trình thẩm định của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mỹ thuật.

Triển lãm không chỉ là dịp để công chúng Việt Nam chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đại diện cho cả một giai đoạn lịch sử, mà còn là cơ hội để hiểu rõ hơn về tâm hồn và tài năng của một vị vua yêu nước, người đã gửi gắm tình yêu quê hương và nỗi niềm của mình qua hội họa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm