Nhiều đề xuất về vị trí ga Nam Định trong dự án đường sắt tốc độ cao

Hoa Lê Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Bên cạnh ý kiến đồng tình về vị trí ga Nam Định trong đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đại biểu Quốc hội cũng đề xuất đoạn tuyến từ ga Phủ Lý đến Ninh Bình nên chạy song song với đường bộ cao tốc.

Đoạn qua ga Nam Định có nhiều đường cong?

Thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam chiều 20/11, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, việc xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có quan điểm nghiên cứu lựa chọn tuyến ngắn nhất có thể, đáp ứng 5 nguyên tắc. 

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, theo bản vẽ tổng mặt bằng, đoạn tuyến từ ga Phủ Lý đến Ninh Bình (vị trí qua ga Nam Định) có nhiều đoạn cong, tạo cho tuyến dài ra. Như vậy, chưa phù hợp với quan điểm nghiên cứu lựa chọn tuyến ngắn nhất có thể. 

Đại biểu đề xuất, đoạn tuyến từ ga Phủ Lý đến Ninh Bình nên chạy song song với đường bộ cao tốc. 

Về kết cấu công trình, đại biểu cho hay, hiện tại dự án đề xuất 3 loại kết cấu trên tuyến gồm: Kết cấu cầu, kết cấu hầm, kết cấu nền đất. 

Nhiều đề xuất về vị trí ga Nam Định trong dự án đường sắt tốc độ cao - 1

Đại biểu Trần Văn Tiến (Ảnh: Quốc hội).

Thực tế cho thấy, qua những đợt mưa lũ, nhiều đoạn đường sắt có kết cấu nền đất bị nước lũ làm hư hỏng nền và đường. Mặt khác sử dụng kết cấu nền đất gây chia cắt địa hình, lãng phí đất đai… 

"Để đảm bảo an toàn cho đường sắt tốc độ cao, đề nghị tính toán thêm phương án đầu tư toàn tuyến với kết cấu cầu và hầm để so sánh, cân nhắc", đại biểu đề xuất. 

Ngoài ra, theo đại biểu, công trình ga cần làm rõ thêm về sự kết nối giữa ga đường sắt tốc độ cao với các loại hình giao thông khác, các trung tâm có khối lượng hành khách và hàng hóa lớn.  

Đề cập đến ga Thủ Thiêm, có quy mô 17,2ha, ông Tiến cho biết, đây là ga có quy mô nhỏ nhất, nhiều đầu mối nhất. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét về quy mô để phù hợp với công năng sử dụng. 

Còn đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không sinh ra để cạnh tranh với hàng không về thời gian di chuyển.

Theo ông, tuyến đường sắt này sẽ cấu trúc lại các phương thức vận tải, tạo cho người dân không có cơ hội lựa chọn hàng không, một phương thức di chuyển nhanh và thuận lợi.    

Do vậy, ông Cường cho rằng, tuyến đường sắt phải tiếp cận tất cả những vùng tập trung đông dân cư, như Nam Định là tâm điểm của Thái Bình và Hưng Yên để có thêm hàng triệu hành khách lựa chọn.

"Các chuyến tàu cần phải được dừng lại đón và trả khách ở tất cả các ga, nhất là những ga không gần với các cảng hàng không để hành khách có thể di chuyển giữa hai địa điểm bất kỳ", đại biểu cho hay.

Vị trí ga phải thu hút được nhiều khách nhất

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị các quy hoạch phải đảm bảo kết nối đồng bộ để việc gom và giải tỏa hàng hóa được thuận lợi, nhằm phát huy hiệu quả kết nối giữa các phương thức giao thông, giảm chi phí đi lại và chi phí logistics.

Về hướng tuyến của dự án, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có sự thống nhất của 20 tỉnh/thành và đã rút ngắn được 4km (1.541/1.545km) so với quy hoạch được duyệt.

Đại biểu đề nghị cần bổ sung các phương án so sánh để đảm bảo hướng tuyến thẳng nhất có thể nhưng đồng thời cũng phải tránh đi qua phần lớn diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, lúa nước 2 vụ.

Bên cạnh đó, phương án lựa chọn phải đảm bảo tính kết nối giữa tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt trong khu vực, quốc tế và hệ thống giao thông khác.

Nhiều đề xuất về vị trí ga Nam Định trong dự án đường sắt tốc độ cao - 2

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Ảnh: Quốc hội).

Về các nhà ga, hồ sơ dự án ga hành khách tại một số địa phương được bố trí cơ bản không nằm trong các vị trí trung tâm đô thị hiện nay như ga Ngọc Hồi, ga Thủ Thiêm, ga Nam Định...

Trong khi đó, để bảo đảm tối đa hiệu quả dự án, đại biểu cho rằng các vị trí ga phải được bố trí thuận lợi thu hút được nhiều hành khách nhất.

Do đó, ông Sơn đề nghị khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cần làm rõ lý do, cơ sở lựa chọn vị trí các ga của dự án và đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm tính hấp dẫn, thuận tiện của ga trong vận chuyển hành khách, có định hướng phát triển thêm các ga tiềm năng theo đề xuất của một số địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng cần đánh giá kỹ tác động của quá trình tái cơ cấu thị phần của 5 phương thức vận tải để đảm bảo cân đối được nguồn lực đầu tư công cho các lĩnh vực theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025-2023, tầm nhìn 2045.