Ga Nam Định trên đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: "Không có lý gì bỏ qua"
(Dân trí) - Từ những yếu tố lịch sử và hiện tại, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định không có lý do gì bỏ qua ga Nam Định trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
"Đường sắt cạnh tranh với hàng không" là quan điểm sai lầm
Liên quan đến những ý kiến trái chiều về vị trí ga Nam Định trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bị cho là không đảm bảo yếu tố "thẳng nhất có thể", trao đổi với báo Dân trí, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, tuyến đường sắt này giải quyết việc kết nối người dân ở những vùng, khu vực đông dân cư, không thuận lợi trong tiếp cận dịch vụ hàng không.
"Ở đây, chúng ta không phải xác định tuyến đường sắt tốc độ cao chạy Hà Nội - TPHCM nhanh nhất, mà làm sao kết nối các điểm dân cư - đặc biệt là điểm không thuận lợi với hàng không - để có thể di chuyển nhanh", ông Cường nhận định.
Ông nêu quan điểm khi làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là giải quyết vấn đề kết nối cho khu vực có đông dân cư. "Nếu bỏ qua điều này để đạt mục tiêu đi Hà Nội - TPHCM nhanh thì chúng ta đang sai lầm khi hiểu phương tiện này cạnh tranh với hàng không", ông Cường bày tỏ.
Đại biểu Hà Nội tái khẳng định việc xây dựng đường sắt tốc độ cao không phải để cạnh tranh với hàng không mà tạo ra một hệ thống giao thông tương trợ cho nhau.
Chẳng hạn, người dân đi từ Hà Nội vào TPHCM trong thời gian ngắn thì chọn hàng không. Nhưng nếu muốn đi Nam Định - Hà Tĩnh cần nhanh hơn, họ có thể đi đường sắt tốc độ cao. Như vậy, đường sắt sẽ bổ sung cho hệ thống vận tải hàng không.
Đại biểu nhắc lại lịch sử, tuyến đường sắt Bắc - Nam từ thời Pháp thuộc cũng được thiết kế theo hướng vòng sang phía Đông để tiếp cận thành phố Nam Định. Pháp thiết kế tuyến này là có lý do.
Từ những yếu tố lịch sử và hiện tại như đã phân tích, ông Cường khẳng định không có lý do gì bỏ qua ga Nam Định trong tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Dự án này dứt khoát không thể chậm!
Cũng trao đổi xung quanh đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đại biểu Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, cho rằng cần nhìn vào các dự án đường sắt đô thị ở TPHCM và Hà Nội làm bài học để rút kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
"Tiến độ dự án này dứt khoát không thể để chậm như vậy", đại biểu khẳng định.
Muốn làm được điều này, ông Quản Minh Cường cho hay, ở góc độ địa phương, công tác giải phóng mặt bằng cần phải thực hiện khẩn trương với quyết tâm cao nhất.
"Với tỉnh Đồng Nai, dự án sân bay Long Thành giải phóng mặt bằng hơn 5.000ha còn thực hiện nhanh chóng được, thì với dự án này trải dài ở nhiều tỉnh, hơn 10.000ha có lẽ không quá khó", ông Cường kỳ vọng.
Về chuẩn bị các điều kiện, kế hoạch để phát triển, Đồng Nai phải điều chỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông để các ga đường sắt kết nối với các loại hình giao thông khác như hàng không, đường bộ, đường thủy, cụ thể ở đây là sân bay Long Thành và các tuyến cao tốc.
"Điều này sẽ tăng tính kết nối với TPHCM, các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, từ đó thu hút thêm những nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư", ông Cường cho hay.
Mới đây, theo báo cáo thẩm tra sơ bộ chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về phạm vi, quy mô đầu tư và hướng tuyến.
Theo cơ quan này, có ý kiến đề nghị bổ sung, thuyết minh các phương án so sánh để làm cơ sở lựa chọn hướng tuyến theo đề xuất của Chính phủ, đồng thời làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc "thẳng nhất có thể", nhất là đoạn đi qua tỉnh Nam Định để bảo đảm hiệu quả cho dự án.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, phương án hướng tuyến kết nối trung tâm thành phố Nam Định khiến chi phí đầu tư tăng thêm khoảng 476 triệu USD và tăng chi phí vận hành khoảng 20 triệu USD (xét cả chu kỳ dự án 30 năm).
Nhưng nếu không đầu tư xây dựng ga khách này, chi phí tiêu tốn cho việc di chuyển từ trung tâm thành phố đến vị trí ga Phủ Lý hoặc ga Ninh Bình sẽ tăng thêm khoảng 1.633 triệu USD.