1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Người thân Văn Quyến, Quốc Vượng ngóng về phương Nam

(Dân trí) - Một ngày trước khi Quyến, Vượng và các đồng đội ra tòa, chúng tôi đã trở lại thành Vinh, ngược về Hưng Tiến - Hưng Nguyên để nghe nỗi niềm của người dân xứ Nghệ. Trái tim của người thân và người hâm mộ hai cầu thủ này đang hướng về phương Nam với nhiều tâm trạng...

“Mong pháp luật cho Quyến cơ hội”

 

Đầu giờ chiều qua, 24/1, trụ sở UBND xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên tụ tập khá đông người dân. Họ nói nhiều về “thằng béo” của họ, về bóng đá, về những gì mà Việt Nam đã thế hiện trong thời gian qua, và tất nhiên không khó để nhận ra những câu chuyện về cái thiếu của đội tuyển Việt Nam.

 

Câu chuyện về Quyến được họ bắt đầu một cách rất thẳng thắn. Ông Nguyễn Bá Thọ - Chủ tịch UBMTTQ xã nói rằng, “hắn là đứa tài nhất của Việt Nam mà tui được xem. Có hắn tui xem không bỏ sót một trận nào. Hắn sút, hắn đá phạt tui sướng kinh khủng. Hắn đã nhiều lần cứu nguy cho Việt Nam trong nhiều trận”...

 

Câu chuyện về tài năng của Quyến được cắt ngắn khi một đồng nghiệp của chúng tôi nhắc đến ngày mai, khi Quyến cùng 6 cầu thủ U23 ra toà. Một không khí đượm buồn bao trùm lên căn phòng rộng chừng 15m2. Ông Thọ nói tiếp: “Biết tin ngày mai tòa xử ở TPHCM, cả xã Hưng Tiến ai cũng buồn. Người dân chúng tôi chờ đợi ngày đưa các cháu ra xử lâu lắm rồi. Tội của cháu thì ai cũng đã biết, nhưng cứ nhìn thấy hắn về nhà hiền như cục cơm, đi mô cũng chào cũng hỏi, sớm tối cùng mẹ sống bên nhau tôi không còn trách cháu nữa. Tôi đang ngóng tin từ bà Niềm điện về”.

 

Người thân Văn Quyến, Quốc Vượng ngóng về phương Nam - 1

Ông Duyệt có một niềm tin là Văn Quyến sẽ có ngày được trở lại với sân cỏ.

Nhắc đến chuyện Quyến phải ra tòa vì tội đánh bạc, ông Trần Duyệt, một người đã chứng kiến sự lớn lên từng ngày của Quyến bày tỏ: “Đánh kẻ chạy đi chớ ai đánh người chạy lại? Nó đi đâu, làm gì tôi không rõ, nhưng về nhà ngoan ngoãn, không quậy phá, tôi nghĩ rằng cháu đang chứng minh cho mọi người thấy là mình đã thay đổi. Tôi vẫn có niềm tin rằng mình sẽ có cơ hội được nhìn thấy cháu quay lại sân cỏ trong nay mai”.

 

Biết bà Hồ Thị Niềm - mẹ Quyến đã lên tàu vào Sài Gòn, chúng tôi đành liên lạc với người cậu út của Quyến là Hồ Văn Sỹ. Giọng nằng nặng và cụt ngủn, “bà Niềm đi vắng rồi, có ai mô nữa mà gặp” nhưng anh vẫn dẫn chúng tôi vào nhà Quyến. Anh kể, nếu có Quyến ở nhà thì lúc nào cũng có vài người đến chơi, nhưng hôm nay thì vắng thật. Cánh cổng bằng sắt khóa kín, một người cháu bên cạnh thấy khách đến vội đưa chìa khóa bà Niềm gửi lại để tiếp khách mỗi khi có ai đó ghé thăm.

 

Vắng bàn tay bà Niềm dù mới có vài ngày nhưng trông ngôi nhà khá bề bộn. Trên chiếc giường của Quyến là những huy chương, phần thưởng cá nhân được cất giữ trong cái hộp bằng kính. Người cậu út cho hay, đã nhiều lần thấy Quyến đứng thẫn thờ khi ngắm nhìn thành quả ấy.

 

Không có Quyến, chúng tôi ghé sang nhà bà Hồ Thị Điệp - bà ngoại của Quyến. Ngôi nhà nhỏ bằng gỗ lợp ngói của bà Điệp nằm cách nhà Quyến độ chục ngõ. Mắt bà nhòe nước khi nghe chúng tôi nhắc đến Quyến. “Bà nào, mẹ nào mà chẳng thương con thương cháu. Cháu nó sống với tui từ bé nên chẳng ai hiểu nó như tui. Giá như có sức, tui cũng vô Sài Gòn với cháu. Khi tui đau yếu, tui khó khăn nó luôn có mặt thì dừ cháu gặp khó lẽ ra tui cũng phải có mặt chứ…”.

 

Quyến từng có ước nguyện xây cho ông bà ngoại một cái nhà dù không lớn nhưng cũng đủ để ông bà chui ra chui vào. Hứa là thế, nhưng ước nguyện của cậu đã không thành hiện thực, và đau đớn nhất là ông ngoại đã ra đi khi cậu đang ở trong trại tạm giam. Bà Điệp kể, hồi trước thi thoảng nó còn đưa tiền cho bà tiêu nhưng lâu lắm rồi nó không có để cho bà nữa. Rảnh thì nó tạt qua hỏi thăm bà vài câu rồi đi. “Dù đã 78 tuổi nhưng tui vẫn thường xuyên xem bóng đá, nhưng từ khi không thấy cháu nó chạy tui cũng không xem nữa. Càng xem lại càng không ngủ được vì đêm nằm xuống lại thấy nhớ cháu kinh khủng” - bà Điệp thở dài.

 

Nói về việc ngày mai Quyến ra tòa, bà Điệp mong “pháp luật cho nó cơ hội để nó tiếp tục đi đá bóng. Tui không mong nó giàu có nhưng rất mong Quyến có cơ hội để mọi người hiểu cháu tui ít ra cũng là người biết vươn lên”.

 

“Vượng nó đã dại rồi, tuỳ phán xét của tòa”

 

Người thân Văn Quyến, Quốc Vượng ngóng về phương Nam - 2

Mẹ của Quốc Vượng từng phút ngóng tin con từ TPHCM.

18h chiều - một tiếng đồng hồ trước trận bán kết AFF Cup giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan, chúng tôi tìm đến nhà Quốc Vượng. Ông Lê Quang Liêm - bố Vượng cùng một vài người thân khác đã vào Nam dự phiên toà ngày mai. Ngôi nhà chỉ còn lại mẹ Vượng là bà Lê Thị Hồng và người chị gái.

 

Bà Hồng bỏ dở việc bếp núc dưới nhà lên tiếp chuyện chúng tôi. Không khó để nhận ra sự lo lắng in dấu trên khuôn mặt của bà Hồng. Vẫn là câu chuyện dại dột của Vượng: “Nó cứ nghĩ thắng là được chứ cần chi thắng với tỷ số bao nhiêu. Cái tính lầm lỳ của nó có lẽ khiến người ta chê trách nó nhiều, chứ thật ra nó không có gì đâu. Ngay cả về nhà này nó cũng thế, xóm làng người ta cũng hiểu nó”.

 

Chúng tôi nói với bà Hồng, trong nhóm cầu thủ liên quan đến tiêu cực ở SEA Games 23, Vượng là người gây khó khăn nhất cho cơ quan điều tra, gia đình có khuyên nhủ Vượng nên thành khẩn khai báo để nhận được sự khoan hồng hay không? Bà Hồng thành thật: “Chúng tôi có quá ít thời gian, thậm chí nhiều lúc không biết cháu bị giam ở đâu để mà khuyên với cháu một câu”.

 

Mẹ Vượng cho biết, trước ngày bố cháu vào Nam, bác Vinh (ông Nguyễn Thành Vinh - cựu HLV đội tuyển SLNA, tuyển Việt Nam, cũng là người đã dìu dắt Vượng thành tài - PV) có đến thăm và động viên. Nhiều người thân, xóm làng, người hâm mộ gọi điện, hỏi thăm động viên nên dường như bà cũng bớt được đôi chút nỗi niềm.

 

Duy có một điều bà Hồng thấy khó trả lời là khi chúng tôi hỏi gia đình đã có kế hoạch gì cho Quốc Vượng trong tình huống xấu nhất là anh sẽ vĩnh viễn bị cấm thi đấu. Bà Hồng chỉ biết hy vọng: “Vượng nó đã dại rồi, tuỳ vào phán xét của tòa, của LĐBĐVN. Nhưng tôi vẫn luôn mong nó được có ngày trở lại với đá bóng”.

 

Văn Dũng - Nguyên Nghĩa

Dòng sự kiện: Bán độ SEA Games 23