Phiên toà sơ thẩm vụ "U23 VN bán độ":
Xuất hiện tình tiết mới
(Dân trí) - Sau nhiều lần quanh co che giấu, đến phiên xử chiều 25/1, bị cáo Lê Quốc Vượng đã khai nhận thêm một số tình tiết mới. Tuy vậy, Vượng vẫn ngoan cố không nhận tội danh “đánh bạc” mà Viện kiểm sát truy tố.
>> Xét xử vụ bán độ của các tuyển thủ U23
Ở phần bào chữa cho các bị cáo, nhiều luật sư xoáy sâu vào trách nhiệm của lãnh đạo ngành thể dục thể thao trong việc giáo dục đạo đức cho các cầu thủ trẻ.
Phiên toà xét xử 8 bị cáo liên quan đến đường dây cá độ bóng đá tại SEA Games 23 chiều qua (25/1) bắt đầu lúc 2 giờ chiều. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân xét hỏi thêm các bị cáo Văn Quyến, Bật Hiếu, Trương Tấn Hải và Lê Quốc Vượng. Sau đó đến phần bào chữa của các luật sư.
Ở phần xét hỏi Văn Quyến có nhận phong bì 20 triệu của Quốc Vượng tại TPHCM sau khi về nước hay không, bị cáo Văn Quyến thừa nhận “có”, đồng thời thừa nhận hành vi tiếp sức và thực hiện tổ chức đánh bạc.
Bị cáo Lê Bật Hiếu cũng không chối cãi việc dàn xếp tỷ số và nhận 20 triệu đồng từ Quốc Vượng trong trận Việt Nam gặp Mianmar tại SEA Games 23.
Tương tự, Trương Tấn Hải với vai trò trung gian nhận dàn xếp tỷ số và làm người liên lạc giữa Lý Quốc Kỳ - Lê Quốc Vượng cũng thừa nhận tội tổ chức đánh bạc.
Riêng đối với Lê Quốc Vượng, sau nhiều lần quanh co che giấu nhiều tình tiết nhằm cản trở quá trình điều tra, xét xử vụ án, đến phiên xử chiều nay, bị cáo Quốc Vượng đã thừa nhận những tình tiết mới trong vụ án cụ thể như sau: Sau khi từ Philippine về đến sân bay Tân Sơn Nhất, Quốc Vượng có gặp trùm cá độ Lý Quốc Kỳ tại sân bay. Sau đó, Vượng ở lại Sài Gòn trong khi chờ máy bay đi Vinh.
Và tình tiết thứ 2 là sau khi nhận tiền dàn xếp tỷ số xong, Quốc Vượng cho người bạn gái tên là Hà vay 10.000 đô-la Mỹ để đi học ở Đức chứ không phải dùng tiền đó để xây nhà và cưới vợ như các lời khai trước đây.
Một điều đáng lưu ý là sau khi nhận 500 triệu đồng từ trùm cá độ Lý Quốc Kỳ, bị cáo Quốc Vượng chỉ chia cho các bị cáo khác mỗi người 20 triệu đồng chứ không phải 30 triệu như đã bàn với Trương Tấn Hải thông qua điện thoại lúc còn ở Philipine.
Trước những tình tiết đó, Viện Kiểm sát truy tố bị cáo Quốc Vượng 2 tội danh: “tổ chức đánh bạc” và “đánh bạc”. Nhưng Quốc Vượng không đồng ý nhận tội đánh bạc.
Đến phần bào chữa cho các bị cáo, nhiều luật sư xoáy sâu vào việc ngành thể dục thể thao nước nhà đã làm tốt công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp và pháp luật liên quan cho các cầu thủ, vận động viên hay chưa? Đây là một câu hỏi còn để trống.
Bởi ngay tại phiên toà này, nhiều quan chức lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, lãnh đạo các Câu lạc bộ bóng đá trong nước được mời đến nhưng tất cả họ đều vắng mặt. Vị chủ toạ phiên toà, thẩm phán Lê Văn Ban rất gay gắt về điều này.
Các nhân chứng của vụ án (từ trái qua) Trần Hùng Cường, Phan Văn Tài Em và Nguyễn Hoàng Thương. |
Cầu thủ Phan Văn Tài Em đến tham dự phiên toà với tư cách là nhân chứng của vụ án cũng được các luật sư khai thác triệt để. Luật sư Nguyễn Quốc Minh bào chữa cho bị cáo Lê Quốc Anh hỏi Tài Em về đạo đức và chuyên môn nghiệp vụ của Quốc Anh, Tài Em nhận xét rằng: “Quốc Anh có khả năng chuyên môn kỹ thuật tốt, có tổ chức”.
Còn Luật sư Đỗ Pháp bào chữa cho bị cáo Châu Lê Phước Vĩnh thì đặt giả định: “Nếu như thông tin từ Phan Văn Tài Em cung cấp cho trợ lý ngôn ngữ Trần Hùng Cường và HLV Lê Thuỵ Hải được đến tai của HLV trưởng A.Riedle sớm thì sẽ không có kết cục đáng buồn như hôm nay!”
Đa số luật sư cho rằng, việc LĐBĐVN chạy theo thành tích để báo cáo và không chú trọng đến việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cũng như việc rèn luyện về đạo đức cho các cầu thủ trẻ là một điểm khuyết lớn của nền bóng đá nước nhà. Điều này cũng được các bị cáo Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm thừa nhận: Họ chỉ lo học tập về chuyên môn mà chưa từng biết đến việc đá thắng rồi nhận tiền thưởng là có tội!
Bào chữa cho bị cáo Lê Văn Trương, Luật sư Vũ Công Dũng (Đoàn luật sư Hà Nội) gióng lên tiếng chuông cảnh báo: Vấn đề giáo dục đạo đức công dân và đạo đức nghề nghiệp cho các cầu thủ trẻ còn bỏ ngỏ.
Trong phiên tòa này, ai cũng tiếc cho Văn Quyến. Cầu thủ xứ Nghệ này đã tự chặn đứng sự nghiệp của mình khi tuổi đời còn quá trẻ và tuổi nghề còn đang ở độ chín muồi. Quyến 19 tuổi đã nhận được Huân chương Lao động hạng III do Nhà nước trao tặng, từng giành được danh hiệu Quả bóng vàng và nhiều danh hiệu khác mà nhiều người suốt cả một đời cật lực phấn đấu chưa chắc đã có được.
Một hình ảnh được luật sư Phạm Liêm Chính - người nhận bào chữa miễn phí cho Văn Quyết - đưa ra trước toà là, nếu quay trở lại sân cỏ, Quyến đứng trước một lựa chọn cân não, một bên là túi đô-la và một bên là cơ hội làm nghệ sĩ sân cỏ, Quyến chọn cái nào? Lúc này, Văn Quyến chỉ biết líu ríu: “Em sẽ chọn sân cỏ suốt đời”…
Kết thúc một ngày xét xử, phía bên dưới hàng ghế người tham dự phiên toà đâu đó vẫn còn đọng lại là sự tiếc nuối của người hâm mộ dành cho các bị cáo. Họ tiếc vì không còn thấy những đường bóng tuyệt đẹp một Văn Quyến, một Quốc Vượng, một Quốc Anh, một Văn Trương… trong trận Việt Nam gặp Thái Lan hôm qua.
An Hòa