Thanh Hóa:
Người lái tàu không số và 18 chuyến đi sinh tử chở vũ khí, đạn dược vào Nam
(Dân trí) - 7 năm công tác tại Lữ đoàn 125 Quân chủng Hải quân, Trung tá Vũ Trung Tính đã có 18 chuyến vượt biển, vận chuyển hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam những ngày đánh Mỹ.
Đã ngoài 80 tuổi nhưng Trung tá Vũ Trung Tính trú tại phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa vẫn nhớ như in những chuyến lái tàu không số vượt biển dưới sự vây ráp gắt gao của kẻ thù.
Tốt nghiệp khóa 2 Trường Trung cấp Hàng hải tại Hải Phòng năm 19 tuổi, đầu năm 1964 - khi đang công tác tại Xí nghiệp đánh cá Ninh Cơ (tỉnh Nam Định), ông Tính xung phong lên đường nhập ngũ.
Tháng 2/1964, khi Quân chủng Hải quân tuyển quân, do bơi giỏi nên ông được tuyển chọn. Sau 2 tháng, ông được điều về Lữ đoàn 125 vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam theo tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển.
Cuộc hành trình sinh tử
Trong những chuyến đi ngày ấy, cựu chiến binh Vũ Trung Tính nhớ nhất là tàu 42 thực hiện chuyến Nam tiến sau "sự kiện Vũng Rô". Đây là sự kiện Mỹ phát hiện tàu không số của Hải quân Việt Nam dỡ quân nhu đạn dược hỗ trợ miền Nam tại Vũng Rô, Phú Yên vào tháng 2/1965.
Từ tháng 2 đến tháng 9/1965, có 4 chuyến tàu không số xuất phát từ Bắc vào Nam thì 3 chuyến thất bại và một chuyến phải quay về. Trước tình hình trên, tàu 42 được cấp trên giao nhiệm vụ vừa vận chuyển vũ khí, vừa kết hợp tìm hướng đi mới an toàn hơn.
Sau một thời gian chuẩn bị, đêm 15/10/1965, xuất phát từ cầu Đá Bạc trên sông Tam Bạc, Thủy Nguyên, Hải Phòng, tàu 42 chở 60 tấn vũ khí, trong đó có 4 quả thủy lôi (mỗi quả nặng 1 tấn) lên đường.
Nếu như trước đây các tàu của ta với hướng đi ven bờ biển thì nay sẽ đổi hướng, đi vòng sang vùng biển quốc tế để tránh sự phát hiện của địch. Từ Hải Phòng, tàu 42 phải đi qua Hải Khẩu - Trung Quốc, vòng qua đảo Hải Nam. Khó khăn nhất cho cán bộ, thủy thủ tàu là không có hải đồ biển của các nước.
Lúc này, tàu 42 được bố trí 18 người chứ không phải 16 người như trước đây. Đặc biệt, để chuẩn bị cho chuyến đi, con tàu đã được đưa sang Trung Quốc cải trang thành tàu đánh cá của ngư dân.
Thay bằng đi theo phương pháp hàng hải địa văn, đi theo hải đồ thì nay phải đi theo phương pháp hàng hải thiên văn, tức là dựa vào việc đo các phương vị của mặt trăng, mặt trời, các chòm sao để xác định vị trí trên đường đi, luồn lách, tránh địch phát hiện...
Sau 5 ngày lênh đênh trên biển, đến khoảng 14h ngày 20/10/1965, tàu chuyển hướng vào bờ thì bị tàu khu trục của Mỹ phát hiện. Ngay lập tức, trên bầu trời, máy bay Mỹ cũng áp sát, dưới biển tàu Mỹ đuổi theo. Lúc đó 18 thủy thủ trên tàu xác định chiến đấu một trận sinh tử với địch, sau đó sẽ phá hủy tàu giữa biển khơi.
Trước cảnh nguy khó, ông Tính đã đưa ra cách, thay bằng chạy vào bờ thì chạy về hướng cảng Subic - cảng quân sự của Mỹ tại Philippines. Không những vậy, ta còn cho một thủy thủ có khuôn mặt giống tây mặc bộ quần áo com-lê, kiểu công nhân nước ngoài ra mặt boong tàu ăn hoa quả, hút thuốc lá thơm ném cho phi công Mỹ đang lượn trên nóc đài chỉ huy tàu 42 "vẫy tay chào người bạn Mỹ".
Quyết định mạo hiểm đã đánh lừa được địch, đến 19h cùng ngày, khi trời tối, địch không phát hiện được tàu của ta chở vũ khí mà tưởng là tàu đánh cá mới chuyển hướng bỏ đi nơi khác.
Đến ngày 24/10/1965, tàu 42 cập bến an toàn sau 10 ngày đấu trí, đấu sức cùng quân địch và sau 8 tháng bị gián đoạn. Không chỉ chuyến đi tái mở đường rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", chuyến tiếp theo xuất phát vào ngày 15/3/1966 được cập bến Rạch Gốc, Cà Mau cũng bị địch phát hiện.
Vào ngày 22/3/1966, khi tàu đang bốc hàng thì máy bay địch đến oanh tạc, bắn phá. Quân ta vừa tranh thủ bốc hàng, chuyển hàng đến nơi an toàn, vừa đánh nghi binh, đảm bảo an toàn cho tàu và vũ khí.
Đêm 11/4/1966, lợi dụng sơ hở của địch, tàu 42 táo bạo, khôn khéo lách qua những hàng rào phong tỏa của địch trở về Bắc an toàn.
Ký ức tự hào
Cựu thủy thủ năm xưa không giấu được niềm vui: "Cảm xúc không thể tả được của chúng tôi khi thành công ở chuyến đi tái mở đường. Không chỉ tàu cập bến an toàn mà hơn thế nữa, con đường vận chuyển vũ khí trên biển đã được nối lại bằng một hướng đi mới, cách đi mới sau sự kiện Vũng Rô".
"Chuyến đi mang tính chất bước ngoặt lịch sử này, cán bộ, thủy thủ trên tàu được Bác Hồ khen và gửi tặng thuốc lá", ông Tính tự hào.
Với ông, mỗi chuyến đi của đoàn tàu không số là cuộc đối đầu, đấu trí, đấu lực giữa những chiếc tàu nhỏ bé của ta với lực lượng hùng hậu, hiện đại của hải quân Mỹ - Ngụy.
"Phương châm đặt ra cho các tàu của ta là chủ động, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng vào bến, đồng thời có sẵn phương án linh hoạt, mưu trí đối phó với địch, khi bị lộ thì kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần có thể cho hủy tàu để giữ bí mật con đường", cựu binh Vũ Trung Tính bộc bạch.
Từ năm 1964 đến cuối năm 1970, ông Vũ Trung Tính đã hoàn thành 18 chuyến vượt biển từ Bắc vào Nam trên 3 tàu, trong đó có tàu 42 và tàu 154 được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên thuộc Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân, góp phần làm nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển.
Sau này, khi chiến tranh biên giới Tây Nam ngày một phức tạp, ông lại cùng những con tàu xông pha chiến đấu tại các vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Năm 1991, ông về hưu với quân hàm Trung tá và sinh sống cùng gia đình tại xã Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn. Hơn 30 năm sống đời quân ngũ, trải qua nhiều cương vị khác nhau nhưng ông Tính cho biết 7 năm làm nhiệm vụ tại Lữ đoàn 125 - Đoàn tàu không số là quãng thời gian khiến ông không bao giờ quên.