1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cựu binh quân y Điện Biên Phủ: "Lính trận băng vết thương xong lại ôm súng"

Bình Minh

(Dân trí) - "Mỗi ngày có hàng trăm chiến sĩ bị thương được cáng ra, có chiến sĩ hy sinh trên tay tôi…", cụ Lê Công Giáp - cựu binh quân y trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhớ lại.

Năm nay cụ Lê Công Giáp (phường Đông Tân, TP Thanh Hóa) vừa tròn 90 tuổi. Dù ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng những ngày tháng cứu chữa cho các chiến sĩ trong chiến dịch Điện Biên Phủ chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí cụ Giáp. Lật giở từng bức ảnh, kỷ vật chiến tranh, những tấm bằng khen, cụ Giáp say sưa kể về những ngày tháng hoa lửa, hào hùng.

Cựu binh quân y Điện Biên Phủ: Lính trận băng vết thương xong lại ôm súng - 1

Dù đã 90 tuổi, cụ Giáp vẫn nhớ như in những ngày dưới mưa bom, bão đạn cấp cứu cho thương binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cứu thương đến quên ăn, quên ngủ

Đầu năm 1951, cũng như bao thanh niên trên khắp các miền quê Việt Nam, chàng trai trẻ Lê Công Giáp tạm biệt quê hương Thanh Hóa lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc.

Thời điểm đó, chiến sĩ trẻ Lê Công Giáp được thi vào lớp y tá quân y liên khu 34. Sau thời gian đào tạo các phương pháp cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, chàng lính quân y được đưa về Đội điều trị 4, Sư đoàn 304, phục vụ các chiến dịch trong chiến tranh chống Pháp như: Chiến dịch Hòa Bình; Thu Đông, Thượng Lào, Điện Biên Phủ, Đồng Bằng Bắc Bộ…

"Chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ, cấp trên yêu cầu quân y tổ chức cấp cứu, phân loại và vận chuyển nhanh chóng, kịp thời bệnh nhân về các tuyến điều trị. Từ đó, các trạm sơ cứu gần mặt trận được thành lập để hạn chế thương vong", cụ Giáp nhớ lại.

Cựu binh quân y Điện Biên Phủ: Lính trận băng vết thương xong lại ôm súng - 2

Cụ Giáp lật giở từng kỷ vật, nhắc nhớ về đồng đội với cảm xúc bồi hồi.

Ở Trạm cấp cứu 59, chỉ có cụ Giáp là y tá trưởng và một nữ y sĩ ở đội điều trị số 3 chịu trách nhiệm về chuyên môn. 

"Tuy chiến dịch chưa bắt đầu nhưng lúc đó, quân địch cũng đã phát hiện chúng ta sắp đánh lớn nên cho máy bay thả pháo sáng, oanh tạc suốt ngày đêm, còn bộ binh địch đánh ra các khu rừng xung quanh Điện Biên Phủ khiến quân ta thương vong rất nhiều. Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta quyết tâm chiếm bằng được Him Lam - Độc Lập ngay từ giai đoạn đầu. Do vị trí quan trọng của hai đồn này, địch cũng bố trí một lực lượng vô cùng mạnh. Địch cố giữ, ta quyết chiếm nên trận địa diễn ra ác liệt và kéo dài. Thương binh chuyển về ngày càng nhiều, mỗi ngày có hàng trăm chiến sĩ bị thương. Chúng tôi cứ nhận thương binh mới về, sơ cứu ban đầu, sau đó lên danh sách chuyển về tuyến sau", cụ Giáp kể.

Cựu binh quân y Điện Biên Phủ: Lính trận băng vết thương xong lại ôm súng - 3

Cụ Giáp hội ngộ cùng đồng đội ở Đội điều trị 4 những năm sau này khi chiến tranh kết thúc. 

Cụ Giáp và người nữ y sĩ có nhiệm vụ sơ cứu như ga rô, rửa các vết thương, băng bó… Những chiến sĩ bị thương nhẹ thì ở lại điều trị, còn lại tiếp tục điều chuyển ra khu điều trị 3 và 4.

"Thương binh thì nhiều mà chỉ có 2 người làm chuyên môn, còn lại phải nhờ vào dân công. Liên tục những ngày ấy, trên trời thì máy bay địch điên cuồng quần thảo, pháo sáng thả khắp nơi, dưới lán, anh em thương binh được đưa về nằm la liệt. Có những ngày, chúng tôi làm việc 24/24h, quên cả ăn ngủ. Nhiều khi phải nhường cơm cho thương binh, còn mình thì nhịn đói.

Thời gian cuối tháng 4, đầu tháng 5/1954, trời mưa nhiều, đường lầy lội, nhếch nhác, thương binh từ mặt trận được chuyển về đến nơi thường lấm lem bùn đất. Khi đó, chúng tôi phải vệ sinh sạch sẽ cho anh em rồi mới bắt đầu công tác cứu thương.

Tôi nhớ, nhiều chiến sĩ không bị thương ở chân vẫn cố gắng đi bộ ra nơi cấp cứu. Những chiến sĩ với nhiều vết đạn trên người được đưa ra bằng cáng, quằn quại đau đớn. Có chiến sĩ chưa kịp cấp cứu đã hy sinh ngay trên tay tôi… Cảm nhận sự đau đớn của đồng đội, thương đồng đội bao nhiêu, tôi càng căm thù quân địch bấy nhiêu.

Khó khăn, gian khổ là vậy, thương vong rất nhiều, thế nhưng chiến sĩ của ta chưa bao giờ nhụt chí, không sợ, không khuất phục kẻ thù. Nhiều chiến sĩ sau khi được băng bó vết thương lại tiếp tục lao vào cuộc chiến…", cụ Giáp hồi tưởng.

Niềm hân hoan những ngày chiến thắng

"Lúc chiến dịch đang dần đi vào hồi kết thì nữ y sĩ làm cùng tôi là chị Nguyễn Thị Ngọc Toản được điều lên Điện Biên Phủ để cứu chữa cho thương binh. Lúc này chỉ còn tôi ở lại phụ trách Trạm cho đến ngày Điện Biên Phủ giải phóng hoàn toàn.

Cựu binh quân y Điện Biên Phủ: Lính trận băng vết thương xong lại ôm súng - 4

Cụ Giáp nâng niu tấm Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng 3 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng.

"Sau khi chiếm được Him Lam và Độc Lập, chúng ta đánh vào trung tâm Mường Thanh. Thời điểm đó, anh em chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục làm nhiệm vụ. Mọi người làm việc không biết ngày đêm, quên đói, quên mệt. Còn các chiến sĩ thì quên cả vết thương trên cơ thể" - người cựu binh quân y nhớ lại.

Ông kể, ngày giải phóng hoàn toàn Điện Biên Phủ, anh em lính tráng vui mừng ôm chặt lấy nhau vừa khóc vừa cười. Niềm hạnh phúc không thể diễn tả hết được thành lời.

"Điều khiến những người lính nơi chiến trận vui mừng hơn cả là sau chiến thắng, được tin chị Toản làm lễ cưới cùng anh Cao Văn Khánh (Sư đoàn phó 308) tại hầm của tướng DeCastris", cụ Giáp rưng rưng khi nhớ về cảm xúc của gần 70 năm trước.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Trạm cấp cứu 59 giải tán, cụ Giáp trở về Đơn vị điều trị 4 và tiếp tục làm nhiệm vụ cứu chữa, phục vụ thương binh, hộ tống thương binh, tù binh về Thanh Hóa.

Đến năm 1960, cụ Giáp trở về quê hương và học lên bác sĩ rồi làm việc tại Ty Y tế Thanh Hóa (nay gọi là Sở Y tế). Sau đó, ông làm Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa huyện Đông Sơn đến khi về hưu.

Với những cống hiến suốt những năm dài kháng chiến, tháng 4/1958, cụ Giáp được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng thưởng Huy chương Chiến thắng hạng Nhất. Tháng 9/1963, cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba.