Thanh Hóa:
Cựu binh "cõng" loa đi hàng chục cây số mỗi ngày để tuyên truyền bầu cử
(Dân trí) - Đã 1 tuần nay, ông Chiêng mang băng rôn khẩu hiệu "Hướng về ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp" rồi "cõng" loa đi khắp hang cùng ngõ hẻm để tuyên truyền về công tác bầu cử.
"Bà con ở xa trung tâm mới cần đến mình"
Hình ảnh ông Phạm Ngọc Chiêng (SN 1948, ở xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) cùng chiếc xe máy và bộ "đồ nghề" rong ruổi trên khắp đường phố và các hang cùng ngõ hẻm đã không còn xa lạ với người dân địa phương.
Đã 19 năm qua, ngày nào ông cũng rong ruổi khoảng hơn 50km để tuyên truyền về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, an toàn giao thông… tới bà con. Càng những nơi xa trung tâm, ít tiếp cận được thông tin thì ông lại càng cố gắng đi đến.
Đã 1 tuần nay, ông Chiêng mang theo băng rôn khẩu hiệu "Hướng về ngày bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp" để tuyên truyền cho bà con hiểu về công tác bầu cử.
Cũng như những nội dung về chủ trương của Đảng, Nhà nước, hay vấn đề an toàn giao thông, sau khi có được văn bản tuyên truyền, chỉ đạo của cấp trên, ông Chiêng lại dành thời gian để tóm tắt, soạn thảo thành bài tuyên truyền của mình rồi đọc và thu âm lại.
Mỗi ngày, ông cùng bộ đồ nghề của mình "hành quân" đi hết 34 xã, thị trấn của huyện Triệu Sơn, bắt đầu từ 6h30 đến 10h30 buổi sáng, buổi chiều từ 14h đến 18h giờ mới kết thúc công việc.
Ông đi tới đâu, tiếng nhạc của ngày hội non sông vang lên tới đó. Cùng với đó là giọng đọc truyền cảm của chính ông với nội dung tuyên truyền về ngày bầu cử; tiểu sử về các ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND thuộc địa bàn bầu cử; cổ động người dân đi bỏ phiếu...
"Bà con ở xa trung tâm, họ khó tiếp cận được thông tin thì mình càng phải đến. Tôi mong muốn thông tin đến được với mọi người dân để họ hiểu được ý nghĩa của cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
"Đã 19 năm qua, tôi làm công việc tuyên truyền này và cứ sự kiện nào thì tuyên truyền về sự kiện đó. Như dịp này, tôi tuyên truyền bầu cử, còn những ngày thường thì tuyên truyền pháp luật, an toàn giao thông. Dịp Tết thì tuyên truyền không sử dụng pháo; hay soạn bài tuyên truyền cho các ngày giải phóng Điện Biên Phủ, giải phóng miền Nam, Quốc khánh… Trong dịp này, sự kiện về bầu cử, có văn bản cấp trên gửi xuống dài 7-8 trang, tôi phải soạn ngắn gọn, súc tích để bà con dễ hiểu rồi mới đọc và thu lại" - ông Chiêng chia sẻ về công việc của mình.
Cống hiến đến khi nào không thể đi được nữa
Ông Chiêng cho biết, năm 2000 ông nhận công việc Trưởng đài phát thanh xã, đến năm 2002 thì ông tự phát minh ra mô hình tuyên truyền lưu động. Ông tự bỏ vốn ra khoảng 22 triệu đồng để đầu tư loa đài, máy phát, kể cả phương tiện đi lại.
Ông bộc bạch: "Khi tôi mới bắt đầu công việc, nhiều người bảo tôi khùng, vô công rồi nghề nhưng sau những bài tuyên truyền của tôi, người dân hiểu được, chấp hành pháp luật, hiểu luật giao thông, giảm thiểu tai nạn, họ lại yêu quý và bảo việc làm của tôi rất ý nghĩa.
Tôi nhận thấy các phương tiện khác chưa tuyên truyền được hết tiếng nói của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với mọi nơi, mọi người dân nên tôi muốn dùng cách này để thông tin được đến với bà con nơi xa xôi hẻo lánh".
Bản thân là thương binh 1/4, từng vào sinh ra tử suốt những năm tháng chiến đấu ở mặt trận Lào, mặt trận Đông Nam Bộ, là một trong những người lính trực tiếp tham gia trận đánh từ Buôn Mê Thuột đến đánh chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 nên trong con người ông vẫn vẹn nguyên chất lính và sự rắn rỏi.
Những năm qua, không ít lần đang đi mà xe hỏng hay hết xăng, phải dắt bộ nhiều km nhưng ông Chiêng không nản.
Trong suốt 19 năm qua, lần duy nhất ông nghỉ việc là do phải nhập viện 3 tháng để mổ thận. Dù nằm trên giường bệnh, ông vẫn nhận thông tin và tự thu âm nội dung để đưa cho người con trai đi tuyên truyền thay mình.
"Tôi chỉ mong sau mỗi thông điệp tuyên truyền, người dân chấp hành, nâng cao ý thức", ông chưa có ý định nghỉ ngơi dù đã ở tuổi thất thập. Ông mong có sức khỏe tốt để tiếp tục công việc, khi nào không đi nổi nữa thì mới dừng lại.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Chủ tịch UBND xã Dân Lực cho biết: "Hàng chục năm qua, ông Chiêng làm công tác tuyên truyền hoàn toàn tự nguyện mà không đòi hỏi gì. Công việc của ông đã giúp cho hệ thống tuyên truyền của địa phương thêm phần phong phú và dày đặc, qua đó người dân nâng cao ý thức pháp luật, giảm thiểu các tệ nạn hay các vụ tai nạn giao thông.
Trong dịp bầu cử này, ông Chiêng dù nằm trong tổ bầu cử của xã nhưng vẫn tranh thủ đi tuyên truyền cho người dân hiểu về ý nghĩa ngày hội bầu cử. Người dân ở xa trung tâm nếu không nghe được phát thanh của xã thì đã có ông Chiêng đến tận nơi tuyên truyền".
Sự đóng góp miệt mài của ông Chiêng không chỉ nhận được tình cảm yêu mến của người dân địa phương mà còn được các cấp ngành ghi nhận. Ông từng được nhận Bằng khen của Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Thanh Hóa, Trung ương Hội Cựu chiến binh; giấy khen của huyện, của xã...
Để hỗ trợ ông Chiêng, huyện Triệu Sơn đã tặng 24,5 triệu đồng sắm bộ loa đài mới, Công an tỉnh Thanh Hóa tặng một chiếc xe máy Dream, nhưng ông chỉ giữ như một kỷ vật, và vẫn dùng chiếc xe "cà tàng" để phục vụ công tác tuyên truyền mỗi ngày.