PhotoStory

Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM

Thực hiện: Ngọc Tân - Trịnh Nguyễn

(Dân trí) - Bạn có thể thích thú trải nghiệm hoặc phàn nàn, bức xúc khi đi tàu điện ngầm ở TPHCM. Những nhân viên này được giao nhiệm vụ lắng nghe và phục vụ.

Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM - 1

Tạt vào ngó nghiêng một khoang tàu, rảo bước trên sân ga hoặc khuất bóng sau cánh cửa "không phận sự miễn vào", cận kề ngày vận hành chính thức Metro số 1 TPHCM, anh ấy hối hả với đủ thứ việc không tên và các cuộc điện thoại giục giã.

Lê Hoài Đức, 34 tuổi, Trưởng khu ga ngầm của Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, là người phụ trách toàn bộ hoạt động vận hành của 3 nhà ga ngầm gồm: Bến Thành, Nhà hát thành phố và Ba Son.

Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM - 2

Ngày mai, 22/12, tuyến metro đầu tiên của TPHCM chính thức hoạt động. Trong thời khắc lịch sử này, Đức và các đồng nghiệp cũng là những nhân viên tham gia vận hành tuyến metro đầu tiên của thành phố.

Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM - 3

Theo sắp xếp của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1 - đơn vị vận hành), toàn tuyến Metro số 1 được chia thành 2 phân khu, gồm: Phân khu 1 (3 ga ngầm) và phân khu 2 (11 ga trên cao). Là người phụ trách cụm ga ngầm, Hoài Đức chỉ huy trực tiếp 3 trưởng ga của các ga Bến Thành, Nhà hát TP và Ba Son.

Trong ảnh, Đức đang thảo luận công việc với Nguyễn Hoàng Anh, Quản lý ga Bến Thành.

Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM - 4
Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM - 5

Do nằm ở trung tâm thành phố, các ga ngầm của Metro số 1 được dự báo có lưu lượng khách lớn hơn ga trên cao. Các trang thiết bị, hệ thống thông gió, phương án xử lý sự cố trong ga ngầm cũng phức tạp hơn.

Điều này dẫn tới áp lực công việc lớn hơn cho các nhân viên HURC tại đây. Họ cũng cần nắm ngoại ngữ căn bản để giao tiếp với khách nước ngoài. 

Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM - 6

Nguyễn Thị Lan Phương, Quản lý ga Ba Son, đang hoàn thiện sổ sách tại phòng làm việc. Phương cho biết các cán bộ quản lý ga hầu hết là nam giới, chỉ có chị và một bạn phụ trách ga Bình Thái là nữ.

"Công việc không đòi hỏi nhiều thể lực, nhưng cần dành thời gian cả trong lẫn ngoài giờ hành chính. Sẽ khó khăn nếu bạn là nữ giới và vướng bận gia đình", Phương chia sẻ.

Gần 2 năm trước, Phương được đào tạo tại Cao đẳng Đường sắt, rồi được đi đào tạo thực tế tại Nhật Bản, sau đó về nước để nhận chuyển giao công nghệ từ nhà thầu. 

Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM - 7

Bên trong phòng làm việc ở ga ngầm, Đức đang trao đổi việc điều phối luồng hành khách với Nguyễn Chi Mai, nhân viên Phòng Điều khiển nhà ga (SCR). Mỗi ngày, Mai ngồi 8 giờ trong căn phòng này để giám sát và điều phối hoạt động của nhân viên nhà ga. Khi phát sinh sự cố, cô cũng là đầu mối liên lạc giữa nhà ga với Trung tâm điều độ vận hành và các ga khác.

Trong một tình huống cụ thể, Mai quan sát camera an ninh tại lối vào ga ngầm rồi thông báo qua bộ đàm với nhân viên trực ke ga: "Hành khách đang vào đông, ke ga chú ý".

Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM - 8
Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM - 9
Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM - 10

Các camera an ninh được ưu tiên đặt tại ke ga, nơi hành khách phải đứng đúng vị trí an toàn, không vượt quá vạch vàng. Nhân viên trực camera sẽ lập tức phát loa thông báo nhắc nhở hành khách tuân thủ an toàn.

Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM - 11

Trên tàu từ ga Bến Thành sang ga Nhà hát TP, Đức kể lại cơ duyên đến với nghề của mình.

Sau nhiều năm làm việc trong ngành ngân hàng, anh bỗng có mong muốn tìm kiếm một đam mê mới. Khoảng tháng 8/2023, Đức đọc được thông tin tuyển dụng từ HURC1.

"Tại buổi phỏng vấn đầu tiên, mình đã thấy giữa mình với công ty có chung mong muốn thay đổi văn hóa đi lại, văn hóa sử dụng phương tiện giao thông của người dân thành phố. Từ đó mình tham gia mà không nề hà bất cứ nhiệm vụ gì", Đức chia sẻ.

Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM - 12

Trong những ngày "chạy nước rút" để đưa tuyến tàu điện vào khai thác, Đức trở thành đầu mối tiếp nhận hàng trăm thứ việc. Tại ga Nhà hát thành phố, anh có mặt để nhận bàn giao các tủ chìa khóa của 3 ga ngầm.

Khi bóc lớp nylon bọc cửa kính ke ga, một nhân viên báo lại với anh về lớp keo dính vương lại trên mặt kính không thể tẩy sạch. Do đang ở giai đoạn bàn giao thiết bị, mỗi vấn đề phát sinh đều phải được quản lý nhà ga trao đổi lại với nhà thầu để khắc phục.

Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM - 13

"Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc của hành khách đi tàu. Rất mong người dân thành phố chung tay xây dựng một nếp sống văn minh, ứng xử có văn hóa khi đi metro. Đơn giản như không chen lấn, xô đẩy, giữ gìn vệ sinh, mua vé đúng quy định", vị trưởng khu ga chia sẻ.

Người gác ga ngầm Metro số 1 TPHCM - 14

Với chức trách của mình, Đức và các đồng nghiệp coi an toàn của hành khách là tiêu chí hàng đầu. Thứ 2 là đúng giờ và thứ 3 là dịch vụ khách hàng.

"Về dịch vụ, quan trọng là để hành khách hài lòng nhất có thể. Sau này, ở nhà ga sẽ có thêm hòm thư góp ý để tiếp nhận phản hồi từ hành khách", Lan Phương, Trưởng ga Ba Son, chia sẻ.

Dòng sự kiện: Metro số 1 TPHCM