Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Cán bộ, công chức, viên chức được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Lực lượng dân sự gồm cán bộ, công chức, viên chức được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Chiều 26/6, với 100% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Theo luật này, lực lượng vũ trang tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.

Bên cạnh đó có sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được trang bị vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Luật này mở rộng lực lượng dân sự gồm cán bộ, công chức, viên chức được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Cán bộ, công chức, viên chức được tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình - 1

Cán bộ tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (Ảnh: BQP).

Ngày 27/5 hàng năm là ngày truyền thống của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Chính phủ thống nhất chỉ đạo lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Bộ Công an trực tiếp chỉ đạo, quản lý, chỉ huy, điều hành lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an.

Bộ, ban, ngành, UBND cấp tỉnh chỉ đạo, quản lý, điều hành lực lượng dân sự thuộc phạm vi quản lý của mình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết một số ý kiến đề nghị rà soát quy định về chính sách của Nhà nước và quản lý nhà nước tham gia hoạt động này.

Tiếp thu ý kiến, dự thảo được điều chỉnh để quy định đầy đủ hơn các chính sách của Nhà nước đối với lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; bổ sung một khoản quy định về nguyên tắc hợp tác quốc tế.

Một số ý kiến đề nghị giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với bộ, ban, ngành, địa phương để chỉ đạo và quản lý điều hành lực lượng dân sự; quy định cụ thể cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đối tượng dân sự chỉ tham gia theo hình thức cá nhân, việc tuyển chọn, cử tham gia và quản lý sẽ do cơ quan chủ quản thực hiện. Nếu giao một bộ quản lý lực lượng này sẽ không phù hợp với Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Về chế độ, chính sách, nhiều ý kiến đề nghị quy định rõ chế độ, chính sách, đãi ngộ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với những cá nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị bệnh sau khi đã kết thúc nhiệm vụ được xác định nguyên nhân trong thời gian tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc gây ra.

Liên quan đến vấn đề này, dự thảo luật đã quy định nguyên tắc về chế độ, chính sách đối với lực lượng Việt Nam trong thời gian trực tiếp làm nhiệm vụ ở nước ngoài; trước khi triển khai và sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nước.

Các quy định tại luật chỉ quy định khung, đảm bảo tính nguyên tắc và linh hoạt, trong đó phân cấp cho Chính phủ quy định.

Để bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định về chế độ, chính sách và bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết về chế độ, chính sách.