Bộ trưởng Công an nói về kinh phí chuyển giao người chấp hành án phạt tù
(Dân trí) - Dự thảo Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù cho phép các tổ chức, cá nhân khác có thể tự nguyện đóng góp hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ các chi phí.
Chiều 26/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và dự án Luật Dẫn độ.
Tổ chức, cá nhân có thể tự nguyện đóng góp kinh phí chuyển giao
Liên quan kinh phí chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng dự thảo luật quy định việc này theo pháp luật về ngân sách nhà nước (NSNN) là đảm bảo tính linh hoạt, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật về NSNN, phù hợp với việc sử dụng, quản lý và quyết toán kinh phí từ NSNN theo quy định chung.
Dự thảo luật cũng mở thêm việc cho phép các tổ chức, cá nhân khác có thể tự nguyện đóng góp hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ các chi phí.
Đại biểu đề nghị nên xác định rõ thêm, giao Bộ Công an quản lý và sử dụng nguồn kinh phí này. Còn việc quản lý, sử dụng như thế nào và cụ thể ra sao thì giao Chính phủ quy định.

Đại biểu Tô Văn Tám phát biểu ý kiến (Ảnh: Media Quốc hội).
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá quy định như dự thảo luật sẽ tạo sự thông thoáng hơn, điều này là cần thiết để người bị chuyển giao hoặc gia đình hoặc tổ chức, cá nhân khác cũng có thể ủng hộ, đóng góp khi họ mong muốn chuyển giao về nước sở tại.
Ông Hòa nêu ví dụ chuyển giao về nước ngoài để gần nhà hơn thay vì thụ án tại Việt Nam, người ta có thể sẵn sàng bỏ tiền ra để thực hiện việc này. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị ghi rõ Chính phủ quy định, đồng thời kinh phí chuyển giao đó về của nước sở tại hay nước chuyển giao...
Phòng ngừa, ngăn chặn những đối tượng phạm tội bỏ trốn
Liên quan dự án Luật Dẫn độ, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị làm rõ hơn cơ chế dẫn độ đối với công dân Việt Nam.
Theo ông Hùng, vấn đề pháp lý thực tiễn còn vướng mắc, theo khoản 1, Điều 41 dự thảo luật, Việt Nam từ chối dẫn độ công dân Việt Nam cho nước ngoài. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay đang đặt ra nhiều tình huống phức tạp như công dân Việt Nam thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng ở nước ngoài rồi trở về Việt Nam, hay công dân Việt Nam mang quốc tịch "kép" yêu cầu dẫn độ.
"Việc từ chối dẫn độ trong mọi trường hợp có thể làm hạn chế khả năng hợp tác quốc tế về tư pháp hình sự, ảnh hưởng thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên", ông Hùng nói.
Vị đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung cơ chế ngoại lệ có kiểm soát để dẫn độ công dân Việt Nam trong những trường hợp đặc biệt, như khi có cam kết rõ ràng của nước yêu cầu về bảo đảm quyền con người, không áp dụng hình phạt tử hình hoặc theo thỏa thuận song phương.
Đồng thời, cần bổ sung quy định về thẩm quyền phê chuẩn cuối cùng đối với việc từ chối hay cho phép dẫn độ công dân Việt Nam, tránh để quy định mang tính cứng nhắc, không phù hợp với thực tiễn đa dạng hiện nay, theo ông Hùng.
Về những trường hợp bắt người khẩn cấp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá là hết sức cần thiết. Bắt người khẩn cấp để yêu cầu dẫn độ thì phải thực hiện theo quy trình, thủ tục của luật pháp Việt Nam hoặc luật pháp của nước ngoài.
Theo ông Hòa, quy định này trong trường hợp khẩn cấp để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn những đối tượng phạm tội trốn ra nước ngoài.
"Thời gian qua, tôi thấy những trường hợp mà Bộ Công an phối hợp Viện kiểm sát bắt người khẩn cấp là rất tốt, đảm bảo yêu cầu phòng ngừa, ngăn chặn những đối tượng phạm tội bỏ trốn", ông Hòa nói.

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu giải trình (Ảnh: Media Quốc hội).
Giải trình về dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết về nội dung kinh phí, dự thảo luật lần này quy định người chấp hành án phạt tù hoặc cơ quan, hoặc tổ chức, cá nhân có thể tự nguyện đóng góp hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí sinh hoạt, đi lại và các chi phí khác của người đang chấp hành án phạt tù mà được chuyển giao theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ trưởng Quang, khoản đóng góp tự nguyện chỉ được sử dụng chi trả cho cá nhân người đang chấp hành án phạt tù mà trong quá trình di chuyển từ nước chuyển giao về nước nhận.
Bộ trưởng Bộ Công an cho hay thực hiện quan điểm đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, hiện nay dự thảo luật chỉ quy định rất khái quát và Chính phủ sẽ quy định chi tiết nội dung này, một số nội dung trong nghị định hướng dẫn, cũng như một số nội dung khác mà các đại biểu đã có ý kiến.
Liên quan dự án Luật Dẫn độ, ông Quang khẳng định đây là dự án luật nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật về dẫn độ theo hướng đồng bộ, hiện đại, chặt chẽ, khả thi, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế về dẫn độ, nâng cao hiệu quả truy bắt các đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài hoặc đối tượng người nước ngoài phạm tội và lẩn trốn ở trong nước ta.
Theo ông Quang, Chính phủ đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình về dự án luật này và cũng sẽ quy định chi tiết, cụ thể trong nghị định hoặc thông tư của liên ngành tư pháp để hướng dẫn, trong đó có các ý kiến hướng dẫn luật và những ý kiến xác đáng mà đại biểu Quốc hội đã nêu để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các luật khác khi được Quốc hội thông qua.