(Dân trí) - Trong căn nhà trên phố Quán Thánh, dịch giả Trịnh Lữ dành riêng một tầng để đọc, viết, vẽ và tập đàn piano. Đây cũng là góc ông lưu giữ những kỷ niệm từ bản dịch viết tay đầu tiên...
Trong căn nhà trên phố Quán Thánh, dịch giả Trịnh Lữ dành riêng một tầng để đọc, viết, vẽ và tập đàn piano. Đây cũng là góc ông lưu giữ những kỷ niệm từ bản dịch viết tay đầu tiên, những cuốn sách cũ hay chiếc xe đạp của cha ông. Ở tuổi 72, ông vẫn giữ nguyên vẹn tình yêu đối với con chữ và những rung cảm giản dị.
Được biết đến với không chỉ với tư cách là một dịch giả của nhiều bản dịch văn chương có giá trị trong đời sống văn hóa đọc, Trịnh Lữ còn là một nghệ sỹ piano nghiệp dư, nhà thiết kế nội thất mang phong cách tối giản và một họa sĩ vẽ tranh theo phong cách cổ điển đã từng triển lãm cả ở Mỹ và Hà Nội. Thế nhưng, người đàn ông đa tài hào hoa đó chỉ gói gọn tất cả những gì mình làm được vào mấy chữ "đó là những điều giản dị mà tôi tự hào"
Tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, từng là phát thanh viên và phóng viên, họa sĩ, việc trở thành dịch giả có phải chủ đích của ông?
Tôi trở thành dịch giả chỉ vì yêu thích ngoại ngữ. Ngày nhỏ, bố thuê riêng một bà họa sỹ người Anh đến nhà vỡ lòng tiếng Anh cho anh chị em tôi. Sau thì tự học. Lớn hơn một chút, tôi yêu văn chương, nghệ thuật một cách tự nhiên vì trong nhà, sách báo ngoại ngữ rất nhiều, và cả nhà là một xưởng vẽ, nhiều năm còn là trường dạy vẽ. (Bố ông là họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và mẹ ông là họa sĩ Nguyễn Thị Khang - PV).
Thời sinh viên, ngoài tiếng Nga trong chương trình, tôi học thêm tiếng Anh bằng cách dịch và tra tự điển. Có tập truyện ngắn Maxim Gorky bản tiếng Anh, tôi tra từ điển Anh - Nga, rồi Nga - Việt để vừa dịch vừa học, ghi chép rất cẩn thận. Những cuốn vở viết tay đó tôi vẫn giữ đến bây giờ.
Khi làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi nhận dịch tóm tắt các tạp chí Anh, Mỹ cho thư viện Khoa học Xã hội để dịch thêm thu nhập. Còn nhớ bản dịch đầu tiên của tôi được in trên báo Văn Nghệ là truyện ngắn của một nhà văn Úc; và cuốn sách dịch đầu tiên của tôi được xuất bản là "Chuyện hễu của Billy Borker" của Frank Hardy, với Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới, năm 1978 thì phải.
Ông gắn bó với công việc dịch thuật từ những năm 1970 nhưng phải đến năm 2004 độc giả mới biết đến cái tên Trịnh Lữ khi cuốn "Cuộc đời của Pi" được giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Hà Nội. Ông mất bao lâu để dịch cuốn tiểu thuyết này?
Tôi sang Mỹ từ năm 1987, đến 2002, khi cả hai con cùng vào đại học thì về Hà Nội. Vừa trở về, tôi nhận được lời mời dịch cuốn "Life of Pi". Đọc cuốn tiểu thuyết của nhà văn Yann Martel, tôi đã thích ngay từ những đoạn đầu tiên. Lướt qua cuốn sách, tôi càng bị lôi cuốn hơn vì những kiến thức tôn giáo, văn hóa đằng sau một câu chuyện phiêu lưu. Tôi hoàn thành "Cuộc đời của Pi" trong gần 3 tháng.
Bản dịch "Cuộc đời của Pi" gây ấn tượng với những chú giải chi tiết về các thuật ngữ liên quan đến tôn giáo và văn hóa phương Tây. Với cuốn sách nào ông cũng kỳ công như vậy?
Tôi luôn coi mình là một độc giả. Mình đọc sách cần tra cứu, muốn biết thêm điều gì thì người đọc bản dịch cũng cần thứ đó. Từ nhu cầu của chính mình, tôi bắt mình phải dịch cẩn thận, đưa ra chú thích đầy đủ cho độc giả chứ không ai ép tôi phải làm như vậy.
Ông làm cách nào để truyền tải được nguyên vẹn những xúc cảm của bản gốc qua bản dịch?
Cái lạ là tôi thấy tiếng Anh và tiếng Việt thực ra rất gần nhau, hầu như không phải thay đổi cấu trúc câu quá nhiều. Tôi không đọc trước tác phẩm, chỉ lướt qua để nắm được nội dung và giọng văn rồi quyết định có dịch hay không. Khi bắt tay vào làm việc, tôi đọc đến đâu dịch đến đó để giữ được cảm xúc hồi hộp theo mạch truyện. Việc đọc quá kỹ trước khi dịch dễ khiến tôi mất đi sự tò mò. Dịch xong tôi mới chỉnh sửa, khó nhất là chọn đại từ nhân xưng phù hợp với người Việt.
Nhưng giữ mạch cảm xúc không có nghĩa là giữ văn phong nguyên vẹn vì vẫn có những khác biệt về cách dùng từ, cách nói của người nước ngoài. Tôi cố gắng giữ được giọng kể rủ rỉ, tha thiết hay đanh thép… Tôi thường cảm nhận được tác giả đang nghĩ gì, viết như vậy với hàm ý gì, vui buồn hay tức giận và chuyển những cảm xúc đó ra tiếng Việt. Mình chỉ việc kể lại câu chuyện nghe được bằng tiếng mẹ đẻ của mình thôi.
Một tác phẩm như thế nào sẽ khiến ông muốn dịch?
Khi đọc được một cuốn sách hay, có nhiều kiến thức và tình cảm đẹp đẽ, tôi thường có cảm giác thôi thúc phải dịch để chia sẻ với mọi người. Và tôi giới thiệu chúng với các nhà làm sách. Ví dụ như cuốn "Hội họa Trung Hoa qua lời các vĩ nhân và danh họa" (Lâm Ngữ Đường), rồi đến "Utopia - Địa đàng trần gian" (Thomas More), "Nhạc đời may rủi" (Paul Auster), và nhiều tiểu thuyết khác nữa. Hai cuốn về lịch sử và tâm lý nghệ thuật như "Bàn về Nhiếp ảnh" (Susan Sontag) và "Nghệ thuật và Tâm thức Sáng tạo" (Graham Collier) cũng vậy. Tôi cũng dịch nhiều trang viết ở mọi lĩnh vực mà tôi tâm đắc để chia sẻ với mọi người trên Facebook, chả phải nhờ nhà làm sách nào. Cũng là một cách tự học mà không thấy vô ích vì có mọi người hồi âm, chia sẻ.
Đối với ông, một bản dịch thành công cần đáp ứng những tiêu chí nào?
Dịch cho ai đọc? Với mục đích gì? Trả lời hai câu hỏi này bằng giấy mực tức là đã mô tả các tiêu chí để đo lường mức độ thành công của một bản dịch. Dịch văn học khác dịch văn kiện; tài liệu nghiên cứu khác với phóng sự báo chí; kinh thiêng khác tiểu thuyết, thơ khác văn xuôi… Với văn học, bản gốc khiến người đọc nhận thức và cảm xúc thế nào thì bản dịch cũng phải khiến người đọc có nhận thức và cảm xúc tương đương. Tôi cho đây là tiêu chí duy nhất của một tác phẩm văn học dịch.
Ông đánh giá thế nào về môi trường làm việc cho dịch giả ở Việt Nam?
Tôi từng dịch cuốn "Sổ tay dịch thuật" của Hội nhà văn Mỹ để Hội nhà văn Hà Nội tặng hội viên. Trong đó có nhiều quy tắc về dịch thuật, nhuận bút, bản quyền, hay đơn giản là cỡ chữ khi in tên tác giả và dịch giả trên bìa sách. Theo cuốn cẩm nang đó, người dịch được coi như đồng tác giả với người viết sách. Nhiều người rất thích, nhưng cũng có nhiều người bảo: "Đọc để biết chứ không áp dụng được".
Vì cũng không sống bằng dịch sách, nên lâu rồi tôi đã thành như người ngoài cuộc, không thể nhận xét gì về môi trường làm việc của người dịch sách hiện nay. Cảm giác là cũng đã khác nhiều, tốt hơn, so với mươi mười lăm năm trước. Có thế thì sách dịch mới ra ào ạt ở mọi lĩnh vực như bây giờ.
Trong các bản dịch của mình, ông ấn tượng với tác phẩm nào?
Tôi nhớ cuốn "Biển" của John Banville. Tiếng Anh của John Banville trong "The Sea" đã làm cho tôi phải lao tâm khổ tứ rất nhiều. Để diễn tả cảm xúc, ông không ngại dùng một từ đã thông dụng cách đây hàng 400-500 năm, bây giờ không ai còn nhớ đến nữa, mà câu văn vẫn tươi mới như thường. Tôi đã thử làm như tác giả, chọn những từ Việt cổ tương đương với từ tiếng Anh ấy, và cố làm cho câu văn Việt cũng tươi mới như thế nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Và tôi vỡ ra rằng không thể câu nệ hình thức như vậy được. Cái quan trọng là phải truyền đạt được ý nghĩa chứ không phải là tìm một từ cổ để giữ cái hình thức ngôn ngữ của nguyên tác.
Tôi cũng có trải nghiệm đặc biệt khi dịch cuốn "Người trong bóng tối". Đích thân tác giả Paul Auster gửi bản gốc điện tử để tôi dịch. Trong quá trình làm việc, tôi thường xuyên trao đổi với anh ấy để tìm ra cách diễn đạt tốt nhất. Ngày độc giả nước Mỹ cầm trên tay cuốn tiểu thuyết "Man in the dark" cũng là ngày bản dịch ra mắt ở Việt Nam.
Còn với những tác phẩm của các dịch giả khác thì sao, ông ấn tượng với lối dịch trong cuốn nào?
Tôi lớn lên bằng cuốn Les Miserables của Victor Hugo qua bản dịch "Những kẻ khốn nạn" của cụ Nguyễn Văn Vĩnh từ những năm 1930, in song ngữ Pháp -Việt. Đó là những câu chữ rất cổ, rất hấp dẫn và rất Việt Nam. Tôi đọc mà thấy lôi cuốn như khi nói chuyện với người thực thà, điều họ nói rất dễ tin. Và sau này, bản dịch "Những người khốn khổ" của nhóm Lê Quý Đôn, với câu chữ tiếng Việt hiện đại hơn, cũng rất lôi cuốn.
Ông gặp khó khăn như thế nào khi dịch những tác phẩm mà nguyên gốc không phải tiếng Anh như "Rừng Na Uy"?
"Rừng NaUy" lại là trường hợp đặc biệt vì bản tiếng Anh khác bản tiếng Nhật. Khi xuất bản cuốn sách này ở Mỹ, Marukami đã phải tự cắt đi hơn 50.000 chữ ở những tình tiết quá Nhật Bản và tự chọn dịch giả để gửi gắm tác phẩm. Tôi dịch theo bản dịch tiếng Anh, được tác giả chấp nhận để xuất bản ở Âu-Mỹ, và không thấy khó khăn gì. Chỉ mất 30 ngày để hoàn thiện, tôi cứ ngồi dịch và gõ lại như ghi chép một câu chuyện thường ngày.
Cuốn "Hội họa Trung Hoa", cụ Lâm Ngữ Đường cũng viết bằng tiếng Anh, với các trích dịch từ cổ văn Trung Hoa, thì có khó hơn. May có bạn thạo chữ Hán chỉ giúp nên tôi cũng giữ được giọng điệu đặc biệt của Hán văn cho bản dịch.
Ông có đọc bản dịch của các dịch giả trẻ hiện nay?
Thời gian qua tôi mắc thói quen đọc sách bằng Kindle, có thể mua dễ dàng nhanh chóng qua mạng Internet, chủ yểu để bổ sung những khiếm khuyết cơ bản trong hiểu biết của chính mình, nên cũng ít đọc sách dịch, nhất là văn học. Nhưng tôi rất khâm phục nhiều bạn trẻ chia sẻ trên Facebook các bản dịch cực kỳ nhanh chóng và gần như hoàn hảo về những chủ đề khác nhau.
Ông còn ấp ủ dự định viết một cuốn tiểu thuyết của riêng mình hay không?
Ngày xưa tôi rất muốn viết, cũng đã có một nhà xuất bản Mỹ đặt viết tự truyện. Nhưng bây giờ thấy ngại quá (cười lớn). Chắc mình không có tạng nhà văn.
Viết thì tôi có làm được cuốn sách song ngữ về cha mang tên "Trịnh Hữu Ngọc - từ những tác phẩm còn lại". Sắp tới chắc cũng cần tái bản. Bây giờ tôi chỉ muốn làm nốt cuốn sách về mẹ, vẽ tranh và nếu còn sức thì dịch hoặc viết những gì mình thích. Tôi tự hào về những điều giản dị mà mình có thể làm tốt.
Cảm ơn ông đã chia sẻ!