1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mùa bão 2005: Nỗi lo mới về chống bão và hộ đê

(Dân trí) - Tại vùng tâm bão, trao đổi với PV báo Khuyến học & Dân trí xung quanh cơn bão số 2, ông Lê Huy Ngọ - Trưởng ban phòng chống lụt bão Trung ương - tỏ ra rất lo lắng về chất lượng đê chắn sóng tại các huyện ven biển.

Ông đánh giá như thế nào về cơn bão này?

 

Đây là cơn bão đổ bộ với mức độ và cường độ trung bình, tuy nhiên tại vùng gần tâm bão cường độ khá mạnh, sức gió giật trên cấp 9. Tuy cơn bão đã qua, không bị thiệt hại nhiều về người và tài sản nhưng qua đây cũng nảy sinh thêm những mối lo mới về công tác chống bão và hộ đê. Đê biển là tối quan trọng đối với những huyện ven biển bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng người dân và sự phát triển kinh tế biển.

 

Vừa qua nhiều đoạn đê thuộc các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng thuộc tỉnh Nam Định đã được nâng cấp nhưng chưa hoàn thiện, vì vậy khi có bão đã bị đe doạ nghiêm trọng. Trưa 31/7, tôi đã trực tiếp chỉ đạo hộ đê tại huyện Nghĩa Hưng. Nhiều đoạn chân đê bị sạt lở, thân đê bong tróc từng lớp. Mặc dù vậy, đến thời điểm này về cơ bản đê vẫn an toàn do địa phương xử lý rất khẩn trương và có tinh thần chủ động từ trước.

 

Bão số 2 với sức gió trung bình nhưng một số tuyến đê bao ven biển Nam Định, Hải Phòng đã gặp sự cố. Vậy xin ông cho biết nếu cơn bão có sức tàn phá mạnh hơn thì có thể tin được vào sự an toàn của những con đê này?

 

Trong cơn bão số 2 có thể thấy rõ chân đê, thân đê tại các vùng khảo sát đều không đảm bảo. Theo đánh giá sơ bộ thì chưa thiệt hại nhiều về người và của. Nhưng nếu sức gió mạnh trên cấp 9, chưa biết chắc điều gì sẽ xảy ra. Tôi khẳng định lại, sau trận bão này cần chú trọng gia cố chân đê, nhất là ở những đoạn xung yếu và quan trọng là chúng ta phải chủ động trong mọi tình huống.

 

Chúng ta có bị động trước cơn bão này, thưa ông?

 

Trước, trong và sau khi cơn bão đổ bộ vào nước ta các cơ quan chức năng đều có những dự báo kịp thời và chính xác về sự hình thành và di chuyển của cơn bão này. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn chủ động đối phó với bão. Nước ta ở vị trí địa lý nhạy cảm, luôn đương đầu với thiên tai nên nhân dân cần đề cao cảnh giác, góp công bảo vệ đê cũng là bảo vệ chính mình.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Nhóm PV thực hiện

Dòng sự kiện: Bão số 2