1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bão số 2 mạnh hơn dự báo nhiều

(Dân trí) - Ngày 31/7, cơn bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền, càn qua địa phận các tỉnh Thái Bình, Nam Định và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh thuộc Đông Bắc bộ. Tại Thái Bình, bão hoành hành ác liệt làm 1 người chết, gây thiệt hại hơn 50 tỉ đồng.

Theo ông Trần Xuân Thành, chủ tịch UBND huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, mặc dù gió không lớn, mưa không to nhưng cơn bão số 2 đổ vào huyện đúng lúc nước triều lên nên nước biển tại nhiều nơi dâng cao, có nơi cao tới 4m. Ông Thành cho biết đã có một người bị thiệt mạng. Đó là ông Lê Ngọc Anh, 34 tuổi, thôn Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy. Ông Anh đã thiệt mạng trong khi nỗ lực cứu đầm tôm.

Ông Thành cho biết toàn bộ 1.200ha đầm tôm của ngư dân ven biển huyện Thái Thụy bị chìm trong biển nước, ước tính thiệt hại 50 tỉ đồng. Ngoài ra, bão số 2 cũng làm hư hại một số lượng hoa màu khá lớn, gây thiệt hại 1-2 tỉ đồng.

 Những đoạn đê chắn sóng ở khu vực này đang ở trong tình trạng sạt lở rất nguy hiểm. Nhiều vùng bị ngập úng nặng. 

Dọc đường I, cây cối ngả rạp và mưa tuôn xối xả. Đoạn đường vào thành Hà Nam tối om vì mất điện. Một số công nhân điện đi lại hối hả khắc phục những nơi gặp sự cố.

 

Buổi tối, thành Hà Nam ngập ngụa tàn tích của trận bão. Trên khắp các đường phố, cây cối đổ ngổn ngang. Công nhân môi trường đô thị tích cực dọn dẹp những cây bị đổ. Hầu hết các quán xá ở đây đều đóng cửa im lìm. Có vẻ như những dự báo về cơn bão không hoàn toàn khớp với thực tế. Cơn bão mạnh hơn những dự đoán rất nhiều. 

Tại huyện Giao Thuỷ, Nam Định: Đến hết ngày 31/7 các xã Giao Tân, Giao Long, Giao Hà, Giao Hải, Giao Tiến đã bị ngập úng nặng. Đê biển sạt 700m, trong đó có 300m bị sạt lở nặng, đê sông Sò tràn 1.000m đê bối. 100% diện tích thuỷ sản bị ngập trắng.

 

Tại xã Giao An, một người chết trong khi đang cố kè lại hồ tôm.

Ông Đỗ Văn Khánh - Chi cục trưởng chi cục phòng chống lụt bão và quản lý đê điều Nam Định - cho biết, theo thông tin ban đầu, cơn bão không gây ảnh hưởng lớn tới người và nhà cửa tại các huyện ven biển. Tại thời điểm bão xảy ra, hầu hết các liên lạc bằng điện thoại và viễn thông đều ngừng trệ. Các cơ quan chức năng chỉ có thể liên lạc chỉ đạo bằng hệ thống bộ đàm riêng. 

 

0 giờ ngày 01/8, chúng tôi đến huyện Giao Thủy. Đây là vùng tâm bão, sức gió mạnh nhất giật trên cấp 9. Khi chúng tôi tới, mặc dù cơn bão đã đi qua nhưng gió vẫn rất mạnh. Ban phòng chống lụt bão của huyện vẫn đang họp, hầu như ai cũng căng thẳng và mệt mỏi.

 

Ông Nguyễn Ngọc Lình, Phó chủ tịch UBND huyện cho hay, huyện có 32km đê biển trên tổng số 72 km đê biển của toàn tỉnh. Trong số này, nhiều đoạn đê xung yếu đã bị hư hỏng, sạt lở vì bão to trong lúc triều cường. Theo thống kê chưa đầy đủ, tới hết ngày 31/7, đã có một người chết vì bão, nhiều nơi bị ngập úng nặng.

 

Bão số 2 mạnh hơn dự báo nhiều - 1

Gió lớn xé rách biển quảng cáo trên đuờng quốc lộ I.

Bắt đầu từ 5 giờ sáng nay (1/8), huyện huy động khoảng 600 người cùng nhiều phương tiện tham gia bảo vệ, gia cố đê. Theo lịch thuỷ triều, trong những ngày này thuỷ triều rút mạnh vào giữa đêm và bắt đầu dâng trở lại lúc sáng sớm. Mặc dù cả ngày 31/7, nhân dân và lãnh đạo huyện Giao Thuỷ đã gồng hết sức mình chống chọi với cơn bão và thuỷ triều dâng nhưng trước sự nguy cấp của con để bao ven biển, Giao Thuỷ dường như thức trắng đêm. 

 

Sau cuộc họp của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện, đồng hồ chỉ đúng 1 giờ sáng, ông Lình mặc áo ba lỗ, quần xắn móng lợn tất tả gọi điện phối hợp cùng các đơn vị chức năng để đúng 5 giờ sáng nay ra quân đồng bộ, hiệu quả.

 

“Đặc điểm địa hình thi công chật hẹp, nguy hiểm, nhân lực và phương tiện lại đông nên cần phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ để tránh những tai nạn không đáng có” - ông Lình nhấn mạnh.

 

Sáng nay, hơn 600 nhân công sẽ cùng gồng mình chống lại cơn giận dữ của thiên nhiên. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa những thông tin mới nhất tới độc giả. 

 

Trung - Đức - Minh 

Dòng sự kiện: Bão số 2